Tìm Hiểu Về Nhà Quản Lý Dữ Liệu
Lương trung bình
Người quản lý dữ liệu thường làm việc toàn thời gian. Mức lương cho vị trí này thay đổi tùy thuộc vào trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc của ứng viên cũng như quy mô của công ty và ngành.
· Mức lương phổ biến ở Mỹ: 87.723 USD mỗi năm
· Một số người có mức lương từ $ 20.000 đến $ 206.000 mỗi năm.
Yêu cầu đối với nhà quản lý dữ liệu
Những người muốn trở thành nhà quản lý dữ liệu phải có một số điều kiện nhất định trước khi ứng tuyển vào vị trí này, bao gồm:
Trình độ học vấn
Người quản lý dữ liệu là một vị trí quản trị cấp cao mà yêu cầu tối thiểu phải có bằng cử nhân. Họ có thể lấy bằng cử nhân ở một số lĩnh vực, bao gồm khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, thống kê và quản trị kinh doanh. Các khóa học trong các chương trình này sẽ dạy các nhà quản lý dữ liệu các kỹ năng liên quan, chẳng hạn như các ứng dụng bảo mật, thiết kế cơ sở dữ liệu và khai thác dữ liệu.
Nhiều công ty tìm kiếm các nhà quản lý dữ liệu có bằng cấp cao. Bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tập trung vào hệ thống thông tin, kết hợp giữa khả năng lãnh đạo dự án và nền tảng kỹ thuật. Bằng thạc sĩ về khoa học máy tính, thống kê và toán học cũng có liên quan. Các nhà quản lý dữ liệu đang tìm kiếm một vị trí trong một lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, có thể chọn lấy bằng thạc sĩ về y tế công cộng.
Đào tạo
Mặc dù nhà quản lý dữ liệu sẽ được học những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp của mình trong quá trình học tập, nhưng phần lớn họ sẽ được đào tạo tại chỗ. Các công việc ở cấp độ đầu vào trong quản lý và thiết kế cơ sở dữ liệu rất phù hợp để họ có thể tích lũy những kinh nghiệm liên quan trong lĩnh vực này.
Trong quá trình học tập ở trường, sinh viên nên hoàn thành ít nhất một kỳ thực tập trong một lĩnh vực mà họ lựa chọn. Thực tập có thể giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dữ liệu. Ngoài ra, có thể xây dựng các mối quan hệ kinh doanh quý giá mà có thể giúp họ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Nhà quản lý dữ liệu có thể duy trì kiến thức hiện tại về ngành của họ bằng cách tham dự các hội nghị hoặc hội thảo trên web. Trong các sự kiện này, họ sẽ tìm hiểu về các xu hướng trong ngành, các phiên bản mới nhất của các chương trình và nền tảng khác nhau cũng như cách sử dụng công nghệ mới. Họ cũng được gặp gỡ với các đồng nghiệp tài năng – những người có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn trong các chuyên ngành khác nhau.
Chứng chỉ
Một vài chứng chỉ sẽ chứng nhận khả năng và cam kết của người quản lý dữ liệu trong lĩnh vực này. Một số ví dụ:
Chứng nhận Chuyên gia phân tích (CAP)
Nếu bạn có bằng cử nhân và năm năm kinh nghiệm phân tích chuyên nghiệp hoặc bằng thạc sĩ và ba năm kinh nghiệm, bạn có thể làm bài kiểm tra để nhận CAP. Đây là chứng chỉ chuyên nghiệp toàn cầu và có thời hạn là ba năm. Sinh viên vừa tốt nghiệp ở các công việc đầu vào có thể đăng ký chứng chỉ aCAP – chứng chỉ Chuyên gia phân tích được chứng nhận liên kết.
Chứng nhận Chuyên gia quản lý dữ liệu (CDMP)
Chứng nhận này từ Hội quản lý dữ liệu toàn cầu cho tổ chức phi lợi nhuận có bốn cấp độ — Cộng tác viên CDMP, Học viên CDMP, Thạc sĩ CDMP và Nhà nghiên cứu độc lập CDMP. Bạn phải nộp CV để chứng minh số năm kinh nghiệm của mình nếu như bạn ứng tuyển ở hai cấp bậc sau. Ngoài ra cũng có thêm các kỳ thi chuyên gia trong các chủ đề như chất lượng dữ liệu, quản trị dữ liệu và mô hình hóa dữ liệu.
Kỹ năng
Các kỹ năng dưới đây đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của nhà quản lý dự liệu.
Kỹ năng xã hội
Người quản lý dữ liệu thường phải xem xét rất nhiều thông tin và giải thích các mô hình mà thông tin tiết lộ và tại sao nó lại quan trọng đến thế. Bởi vì người quản lý dữ liệu sẽ phải làm việc với nhiều nhân viên không nằm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, họ cũng phải giải thích các thuật ngữ kỹ thuật cho những người không chuyên về kỹ thuật để họ có thể hiểu được.
Kỹ năng viết
Người quản lý dữ liệu thường phải tạo báo cáo. Họ không chỉ thu thập và phân tích dữ liệu mà còn trình bày nó một cách rõ ràng, thú vị. Có thể sử dụng phần mềm để tạo biểu đồ, đồ thị và bảng ngoài văn bản là một lợi thế.
Tư duy phản biện
Giải quyết vấn đề là một khía cạnh chính trong công việc của người quản lý dữ liệu. Họ phải có khả năng xem xét tất cả các khía cạnh của một vấn đề và đưa ra một giải pháp tiết kiệm kinh tế và tối ưu.
Kỹ thuật
Kỹ năng này bao gồm sự thành thạo trong các ngôn ngữ lập trình, chẳng hạn như Python và Java. Họ cũng nên hiểu các hệ thống cơ sở dữ liệu như SQL và NoSQL, và các hệ điều hành như UNIX và LINUX. Ngoài ra, họ cần có kiến thức làm việc về các công cụ dữ liệu lớn, chẳng hạn như Azure, IBM và Google, đồng thời quen thuộc với các công cụ phân tích và trực quan dữ liệu, chẳng hạn như Tableau, QlikView và D3.
Môi trường làm việc của người quản lý dữ liệu
Người quản lý dữ liệu làm việc trong nhiều môi trường văn phòng. Dưới đây là một số đặc điểm công việc của họ:
· Sử dụng các phần mềm kỹ thuật
· Ngồi trước một hoặc nhiều màn hình máy tính
· Thường xuyên liên lạc với một nhóm nhân viên kỹ thuật và không có kỹ thuật
· Tạo và trình bày báo cáo
· Giải quyết vấn đề nhanh chóng liên quan đến việc phát triển các giải pháp sáng tạo
Các công ty cần xử lý một lượng lớn thông tin thường tuyển người quản lý dữ liệu. Các ngành thường cần đến người quản lý dữ liệu bao gồm:
· Tổ chức tài chính
· Các công ty xuất bản và truyền thông
· Studio giải trí
· Hệ thống bán lẻ
· Các công ty bảo hiểm
· Tổ chức chăm sóc sức khỏe
· Viện giáo dục
· Các công ty tiện ích
· Các công ty truyền thông xã hội
Cách trở thành người quản lý dữ liệu
Dưới đây là một số bước mà bạn có thể làm theo để trở thành người quản lý dữ liệu:
1. Theo đuổi học vấn
Bằng cử nhân là yêu cầu đầu vào cơ bản đối với nhân viên quản lý dữ liệu. Các bằng cấp về khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, thống kê hoặc quản trị kinh doanh có thể giúp ích cho lĩnh vực này. Bạn có thể cần bằng thạc sĩ cho các vị trí quản lý dữ liệu cấp cao. Hãy xem xét các bài đăng tuyển dụng cho các vị trí quản lý dữ liệu trong khu vực của bạn để xác định xem bằng cấp nào là tốt nhất.
2. Tích lũy kinh nghiệm làm việc
Để trở thành người quản lý dữ liệu, bạn sẽ cần phải có một số kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Có được vị trí kỹ thuật viên dữ liệu hoặc thiết kế dữ liệu để học hỏi càng nhiều càng tốt về các chương trình, nền tảng và hệ thống khác nhau. Kinh nghiệm làm việc này sẽ giúp bạn có được vị trí quản lý.
3. Kiếm giấy chứng nhận
Người quản lý dữ liệu có thể nhận được chứng chỉ từ các tổ chức xác nhận chuyên môn của họ trong phân tích và quản lý dữ liệu. Kiếm được chứng chỉ có thể mở rộng cơ hội việc làm và tăng khả năng thu nhập của bạn, và một số công ty tìm kiếm ứng viên có một số chứng chỉ nhất định.
4. Tìm các vị trí ứng tuyển
Sau khi bạn đã tìm thấy các vị trí còn trống phù hợp với trình độ học vấn và kinh nghiệm của mình, hãy đọc kỹ hướng dẫn để ứng tuyển. Viết một lá thư xin việc tóm tắt lý do vì sao bạn phù hợp với công việc này. Nó cũng có thể giúp bạn điều chỉnh sơ yếu lý lịch sao cho phù hợp với bản mô tả công việc để trở nên nổi bật so với các ứng viên khác.
Ví dụ về mô tả công việc của người quản lý dữ liệu
Chuỗi hệ thống đo thị lực ở ngoại ô Phoenix đang tìm kiếm một nhân viên quản lý dữ liệu. Công ty chúng tôi gần đây đã mua lại một số văn phòng và đổi tên thương hiệu. Vì vậy, chúng tôi cần một người quản lý dữ liệu có kinh nghiệm, làm việc có tổ chức, năng động và có kỹ năng để thống nhất dữ liệu và các giao thức mạng cho tất cả các văn phòng. Đây là một công việc tự do, chủ động và phát triển chuyên môn.
Các nhiệm vụ của ứng viên đủ điều kiện sẽ bao gồm:
· Xác định nhu cầu phần cứng và phần mềm
· Tuyển ít nhất hai nhân viên tạm thời để hỗ trợ nhập dữ liệu và thiết kế
· Tạo các giao thức mạng để lưu trữ, phân tích và truy xuất dữ liệu liên tục
· Nghiên cứu và triển khai các quy trình bảo mật để quản lý dữ liệu
Ứng viên được tuyển sẽ có bằng Thạc sĩ khoa học máy tính hoặc bằng MBA với bằng đại học về khoa học máy tính và tối thiểu 10 năm kinh nghiệm.
————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
· Theo: indeed.com
· Người dịch: Hoàng Thị Thanh Huyền.
· Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Hoàng Thị Thanh Huyền – Nguồn IVolunteer Việt Nam”.
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=97421
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com