Bí Mật Của Thành Công Là Thất Bại

Gần đây tôi được hỏi một câu hỏi – “ Nếu tôi không thành công vào năm 25 tuổi, liệu có quá trễ để tôi thành công sau này không?” và tôi đã sốc. Ai có thể dám chắc rằng ở độ tuổi 25 mình thành công hay thất bại? Tôi thầm nhủ, “Chúng ta còn một quãng đường giải phải đi và tất cả chỉ mới là bắt đầu.”

Vấn đề đang được đặt ra của giới trẻ hiện nay ở đây chính là đang phải sống trong sự kỳ vọng hão huyền của các bậc cha mẹ, những người được xem là khá cổ hủ, cứng nhắc, phớt lờ những điều thực tế của việc thất bại và bảo vệ chúng khỏi những khó khăn hiện hữu trong cuộc sống – thứ mà đáng ra những thế hệ trẻ hiện nay  phải được đương đầu từ sớm. Thế hệ Millennials (những người từ 26 đến 41 tuổi) đã chứng kiến ​​những ví dụ điển hình về các doanh nhân trẻ, những người đã kiếm được hàng tỷ đô với các công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp của họ. Dường như đây là một định nghĩa chung về thành công. Tuy nhiên còn rất nhiều thành công thực sự và thất bại thực sự – bạn không thể có thành công thực sự nếu không có thất bại thực sự.

?Bí Mật Của Sự Thành Công Thực Sự: Thất Bại Thực Sự

Ở tuổi 25, tôi đang làm công việc đầu tiên với tư cách là người lập kế hoạch hội nghị quốc tế cho một tổ chức phi lợi nhuận. Tôi đi công tác đến London, Paris và Prague; khi tổ chức đó vẫn còn nằm ở Tiệp Khắc. Tôi đã phục vụ các giám đốc điều hành cấp cao và gặp Shirley Temple Black, Zbigniew Brzezinski, Henry Kissinger và Anita Roddick. Tôi ở khách sạn 5 sao và đi du lịch một mình cho thỏa thích sau mỗi hội nghị. Vào cuối những năm 80, tôi kiếm được 16.500 đô la mỗi năm. Tôi không biết gì, miệng còn hôi sữa, thiếu kinh nghiệm và ngây thơ. Khi một Giám đốc Điều hành mới được tuyển dụng vào năm 1992, tôi đã bị cho thôi việc. Chính xác mà nói, tôi đã bị sa thải. Ở giai đoạn đó trong cuộc đời, bạn có thể coi tôi là người thành công hay thất bại? Vào thời điểm đó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thành công hay thất bại. Tôi chỉ đơn giản biết rằng tôi phải kiếm được một công việc khác cũng tuyệt vời không kém.

Tua nhanh đến năm 2016. Tôi 50 tuổi. Tôi đã trải qua bảy công việc kể từ đó. Tôi đã làm việc ở ba công ty — một công ty ngừng hoạt động, một công ty chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận và hiện tại tôi đang làm việc điên cuồng tại công ty thứ ba. Tôi đã có năm nghề nghiệp khác nhau. Tôi luôn đổi mới bản thân khi tôi có ý tưởng hay, và tôi cũng muốn thử thách bản thân khi sự nghiệp của tôi đi chệch hướng. Liệu những nghề nghiệp này có khiến tôi trở thành triệu phú không? Tôi có coi mình là người thành công không? Tất nhiên là có rồi!

?Thành Công Không Như Những Gì Ta Thường Nghĩ

Là một nhà tư vấn hình ảnh của công ty, chuyên đào tạo nhập môn cho nhân viên mới và chủ yếu tập trung vào thế hệ trẻ, nhiệm vụ của tôi là hỏi các chuyên gia trẻ đang bắt tay công việc mới muốn tạo dấu ấn lâu dài nào? Tất cả họ đều hiểu tầm quan trọng của ấn tượng đầu tiên, nhưng sau ngày dài làm việc, trong sự nghiệp hoặc cuộc sống, họ muốn được biết đến vì điều gì? Câu trả lời của họ là nhất quán. Họ muốn được biết đến như những người giải quyết vấn đề, hào phóng, cộng tác viên tuyệt vời, nhân đạo, linh hoạt và có giá trị— tất cả đều là những giá trị cốt lõi đều ấn tượng và đáng trân trọng. Vì vậy, tôi khuyên họ – hãy làm điều mà bạn muốn được biết đến! Tuy nhiên thật đáng thất vọng và bất bình khi hành động và công việc của họ không được tuyên dương, khen thưởng hay được ghi nhận một cách nhanh chóng.

Khi tôi suy ngẫm về những thành công và thất bại của mình, có một số chuyện mà ai cũng biết đã xảy ra với tôi.

  1. Bạn không biết gì hết. Để tôi giải thích cho bạn về triết lý Socrates. Một khi bạn nhận ra có quá nhiều thứ để học hơn những gì bạn đã nghĩ rằng mình đã biết, nghĩa là bạn đang tiến gần hơn đến việc hiểu và trải nghiệm cảm giác mãn nguyện của thành công. Bạn cần phải chăm chỉ học hỏi! Hãy thể hiện niềm đam mê học hỏi và phát triển bản thân của bạn. Các công ty luôn nuôi dưỡng và đào tạo những người có khả năng lãnh đạo. Có thể huấn luyện được và có thể đào tạo là một trong những dấu hiệu ban đầu của người khả năng lãnh đạo.
  2. Thành công và thất bại là một trạng thái của tâm trí. Rèn luyện tư duy thành công mỗi ngày bằng cách luyện tập lòng biết ơn. Nó còn được gọi là suy nghĩ tích cực. Nghiên cứu cho thấy những người nhìn thấy chiếc ly đầy một nửa (chứ không phải một nửa trống rỗng) thường hạnh phúc hơn, mãn nguyện hơn, tự tin hơn và yêu công việc của họ – bất kể vị trí hay mức lương của họ.
  3. Bạn sẽ thất bại – vì vậy hãy cho phép mình thất bại. Bạn có thể phê bình bản thân mình một cách tồi tệ nhất. Hãy chấp nhận rủi ro bên ngoài vùng an toàn của bạn. Những nỗ lực không thành công không khiến bạn trở thành người thất bại – ngược lại chúng khiến bạn trở nên xuất sắc. Những thất bại sẽ bổ sung vào cơ sở kiến​​thức của bạn và giúp bạn tiến gần hơn đến việc đạt được điều gì đó đúng đắn.
  4. Dù ta có thành công hay không. Đừng cho rằng các lựa chọn của bạn là thành công hoặc thất bại. Đa phần cuộc sống đều là quá trình lưng chừng. Đặt mục tiêu, làm việc chăm chỉ và tin rằng bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình. Quỹ đạo của bạn phải luôn hướng tới việc đạt được kiến ​​thức và chia sẻ nó, phát triển nó thật tốt và hành xử tử tế, hào phóng, truyền đạt một cách trung thực và vui vẻ từ các giá trị cốt lõi của bạn. Hãy trở thành điều mà bạn muốn được biết đến! Còn điều gì có thể khiến bạn hài lòng hơn thế?
  5. Chờ đợi. Có một cảm giác gấp gáp trong việc đạt được “thành công” trong thế hệ này mà không phải ai cũng hiểu rằng đó là thành quả cả đời được đo lường bằng nhiều cách. Cuối cùng, cách duy nhất để đo lường thành công của bạn là cố gắng hết sức mình – cố gắng mỗi ngày. Bạn không thể đo lường thành công bằng cách sử dụng tiêu chuẩn của người khác. Hãy tập trung vào mục tiêu của bạn, cải thiện kỹ thuật của bạn và làm việc chăm chỉ để đạt được thành tích tốt nhất. Tôi nghĩ huấn luyện viên bơi lội của bạn đã nói điều tương tự với bạn khi bạn 10 tuổi.

Hãy tưởng tượng cuộc đời và sự nghiệp của bạn như một đường cong dài đạt đỉnh (thành công) và rớt đáy (thất bại). Khi ở trong thung lũng, bạn chỉ nhìn thấy chặng đường khó khăn leo lên phía trước – khi đang ở trên đỉnh cao và trải nghiệm cảm giác hưng phấn của thành công, tất cả những gì bạn muốn là tránh con dốc trơn trượt xuống. Tầm nhìn của bạn sẽ không đủ xa để nhận ra rằng những đỉnh núi và thung lũng này tạo nên một cuộc sống phong phú và thuận tiện, mang lại cho bạn kinh nghiệm và kiến​​thức – một ngày nào đó sẽ khiến bạn trở thành một người đàn ông hoặc phụ nữ thông thái thực sự. Chỉ khi bạn cố gắng để đạt được viễn cảnh đó, đường thẳng này mới xuất hiện đơn giản giống như một hằng số chính xác – đó mới là một cuộc sống thành công. Và tôi hy vọng bạn không cần phải đợi để biết điều này cho đến khi bạn 50 tuổi.

—————————————————————————————————-

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích

  • Bài viết gốc: everydaypower.com
  • Người dịch: Thái Thị Thuỳ Trang
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Thái Thị Thuỳ Trang – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=69371

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Tin công nghệ, điện thoại, máy tính, ô tô, phân khối lớn, xu hướng công nghệ cập nhật mới nhất
Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER