18 Phẩm Chất Quý Báu Của Một Người Bán Hàng Giỏi
Nhân viên bán hàng có một công việc phức tạp là xử lý những kỳ vọng và phản hồi của khách hàng và công ty. Vì lý do này, các nhà quản lý tuyển dụng thích thuê những nhân viên bán hàng với một số kỹ năng và phẩm chất cụ thể để đảm bảo họ có thể đáp ứng các yêu cầu của vị trí. Phát triển những năng lực này là một ý tưởng tuyệt vời cho những người muốn tham gia vào lực lượng bán hàng. Bài viết này sẽ giải thích lý do tại sao phẩm chất bán hàng lại quan trọng và mô tả 18 phẩm chất bán hàng hàng đầu tạo nên một nhân viên bán hàng xuất sắc.
Tại sao phẩm chất bán hàng lại quan trọng?
Phẩm chất bán hàng rất quan trọng đối với sự tương tác giữa công ty và khách hàng. Những nhân viên bán hàng bộc lộ những phẩm chất nhất định có xu hướng chứng tỏ sự thành công cao hơn trong những lĩnh vực sau:- Tìm kiếm khách hàng mới
- Giữ chân khách hàng lâu dài
- Chốt doanh số
- Đáp ứng mục tiêu bán hàng
- Đảm bảo hiệu suất bán hàng tổng thể mạnh mẽ
- Chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc họp bán hàng
18 phẩm chất tạo nên một nhân viên bán hàng giỏi
Các nhà quản lý tuyển dụng biết rằng những nhân viên bán hàng tuyệt vời thể hiện những phẩm chất cụ thể liên quan đến việc xây dựng mối quan hệ và sự cống hiến. Nếu bạn quan tâm đến việc cải thiện kỹ năng bán hàng của mình, hãy xem xét phát triển những phẩm chất sau.- Lắng nghe tích cực: Nhân viên bán hàng phải lắng nghe cẩn thận cả nhu cầu của khách hàng và chỉ thị của quản lý và ban lãnh đạo công ty. Lắng nghe tích cực là quá trình lắng nghe, xử lý và ghi nhớ một cách cẩn thận những gì đối phương nói trong một cuộc trò chuyện. Để thể hiện sự lắng nghe tích cực, bạn nên gật đầu, duy trì giao tiếp bằng mắt và giữ nét mặt vui vẻ.
- Sự đồng cảm: Khách hàng có thể thất vọng và lo lắng khi tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề. Thể hiện sự đồng cảm với những khó khăn của khách hàng và giúp họ tìm thấy giải pháp phù hợp với nhu cầu. Thực sự kết nối và thấu hiểu khách hàng sẽ bạn giúp xây dựng một mối quan hệ lâu dài.
- Tính cạnh tranh: Nhân viên bán hàng nên cạnh tranh. Động lực trở thành nhân viên bán hàng giỏi nhất sẽ truyền cảm hứng cho bạn trong việc cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và đáp ứng nhu cầu cũng như kỳ vọng của công ty.
- Sự tự tin: Một nhân viên bán hàng tự tin sẽ lấy được sự tin tưởng từ khách hàng. Nếu bạn tự tin vào dịch vụ hoặc sản phẩm của mình, thì khách hàng của bạn có thể sẽ mua hàng nhiều hơn. Thể hiện rằng bạn dặt niềm tin vào sản phẩm và có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
- Sự hăng hái: Khách hàng có nhiều khả năng mua hàng từ một nhân viên bán hàng thể hiện sự nhiệt tình trong công việc và với công ty của họ. Vì vậy, hãy nhiệt thành với sản phẩm hoặc dịch vụ bạn bán. Ngoài ra, hãy thể hiện sự hào hứng khi bạn nói chuyện với khách hàng và giúp họ giải quyết vấn đề.
- Sự dẻo dai: Lực lượng bán hàng của một công ty phải đối mặt với nhiều sự từ chối hơn hầu hết các bộ phận khác. Vì vậy, nhân viên bán hàng phải kiên cường. Nếu một khách hàng tiềm năng từ chối quảng cáo chiêu hàng của bạn, hãy giữ thái độ tích cực và tiếp tục đạt được các mục tiêu của công ty. Tìm khách hàng tiềm năng mới và sử dụng các chiến thuật khác để cải thiện khả năng chốt giao dịch của bạn.
- Tính tổ chức: Thông thường, nhân viên bán hàng quản lý nhiều khách hàng cùng một lúc. Tính tổ chức là chìa khóa để đảm bảo rằng bạn đáp ứng tất cả các yêu cầu của khách hàng và không bỏ sót đơn hàng nào. Tạo một hệ thống để tổ chức giao tiếp với khách hàng và các bên liên quan của công ty để đảm bảo bạn đáp ứng tất cả các thời hạn.
- Tính trung thực: Hãy trung thực với khách hàng của bạn. Nếu thời gian giao hàng có thể lâu hơn dự kiến, hãy nhanh chóng thông báo sự cố đó cho khách hàng. Hãy rõ ràng về những gì bạn có thể và không thể cung cấp cho khách hàng trong các cuộc trò chuyện ban đầu. Khách hàng sẽ đánh giá cao sự trung thực và sẵn sàng làm việc lại với những nhân viên bán hàng minh bạch trong tương lai hơn là với những người không thẳng thắn.
- Khả năng thích ứng: Nhân viên bán hàng phải thích ứng thường xuyên và nhanh chóng với những nhu cầu thay đổi của khách hàng. Thông thường, khách hàng muốn các sản phẩm hoặc dịch vụ khác biệt một chút, hãy tùy chỉnh theo nhu cầu cụ thể của họ. Thích ứng với yêu cầu của từng khách hàng cần thực hành và kỹ năng.
- Khả năng giao tiếp: Một trong những trách nhiệm chính của nhân viên bán hàng là giao tiếp rõ ràng, nhất quán. Đảm bảo rằng khách hàng biết cách liên hệ với bạn nếu họ cần. Kiểm tra thường xuyên với khách hàng hiện tại và trước đây để đảm bảo họ hài lòng với công việc của công ty bạn.
- Sự bền bỉ: Việc chốt một thỏa thuận đôi khi cần sự kiên trì. Tiếp tục gặp gỡ và nói chuyện với khách hàng tiềm năng khi tiến tới một thỏa thuận. Hãy hiểu biết và kiên trì nếu bạn tin rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình là giải pháp phù hợp cho khách hàng.
- Đam mê: Những nhân viên bán hàng xuất sắc thường rất đam mê công việc của họ. Cho khách hàng thấy rằng bạn thực sự tin tưởng vào sản phẩm hoặc dịch vụ và họ sẽ có nhiều khả năng mua hàng hơn. Sự trung thực và niềm đam mê là một sức mạnh thực sự đối với nhân viên bán hàng.
- Tính tỉ mỉ: Những nhân viên bán hàng giỏi luôn thấu đáo trong các giao dịch với khách hàng. Từ việc tìm kiếm khách hàng đến theo dõi sau khi nhóm của bạn đã cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn nên thường xuyên liên lạc với khách hàng và nhóm làm việc của mình để đảm bảo rằng công ty của bạn đã hoàn thành chính xác từng bước của quy trình.
- Tham vọng: Nhân viên bán hàng giỏi thường có tham vọng cao. Bạn nên đặt ra các mục tiêu nghề nghiệp thường xuyên cho bản thân và cố gắng đạt được chúng. Làm việc chăm chỉ để đạt được kết quả tốt nhất cho khách hàng và vượt qua sự mong đợi của họ.
- Sự thu hút: Những nhân viên bán hàng có sức thu hút có xu hướng có mối quan hệ rất tốt với khách hàng, điều này dẫn đến doanh số bán hàng cao hơn. Sử dụng sức hút để xây dựng mối quan hệ và tạo dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng có thể mang lại các giao dịch mua hàng tiếp theo và thậm chí là các đề xuất từ khách hàng cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.
- Tính kiên nhẫn: Một phần công việc của nhân viên bán hàng là sự giao tiếp giữa khách hàng và nhân viên sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ. Duy trì giao tiếp cởi mở, rõ ràng giữa nhiều bên thường cần sự kiên nhẫn. Hãy rõ ràng và ân cần khi chia sẻ thông tin nhiều lần.
- Sự độc lập: Nhân viên bán hàng phải là những nhà quản lý bản thân xuất sắc có khả năng tự quản lý thời gian và trách nhiệm. Các công việc hàng ngày của bạn có thể bao gồm từ gặp gỡ khách hàng ở ngoài văn phòng đến giao tiếp với các bên liên quan nội bộ khác trong công ty. Quản lý thời gian của bạn một cách hợp lý và làm việc độc lập là những yếu tố quan trọng khi làm việc trong lĩnh vực bán hàng.
- Am hiểu công nghệ cao: Ngày càng có nhiều doanh số bán hàng diễn ra trên các kênh kỹ thuật số. Nhân viên bán hàng nên hiểu biết về công nghệ và chuẩn bị để giao tiếp với khách hàng theo nhiều cách khác nhau. Trong khi các cuộc gọi điện thoại và các cuộc họp trực tiếp vẫn thường là tiêu chuẩn, thì email, hội nghị truyền hình và nhắn tin văn bản đang trở nên phổ biến hơn trong không gian bán hàng.
———————————————————————————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Bài viết gốc: indeed.com
- Người dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Trang
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=72033
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com