Máy điện báo là một trong những phát minh quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Những người sáng tạo ra nó đã sớm nhận ra sức mạnh của điện báo đến nỗi một trong những thông điệp đầu tiên họ gửi ở Hoa Kỳ là “Chúa đã tạo ra điều gì!” (chúng tôi biết, nó có phần hơi kịch tính thái quá). Và để tạo ra thông điệp có thể đọc hiểu được đó, trước tiên cần có một mã có thể dịch tiếng Anh sang một âm duy nhất: Mã Morse. Ra mắt vào năm 1844, mã Morse đã cách mạng hóa truyền thông toàn cầu. Nhưng mã Morse hoạt động như thế nào và ban đầu nó được tạo ra như thế nào? Và có lẽ thú vị hơn, nó hoạt động như thế nào trong các ngôn ngữ không sử dụng bảng chữ cái Latinh?
Mã Morse hoạt động như thế nào?
Nếu bạn chỉ hiểu lơ mơ về mã Morse, bạn có thể biết nó là âm thanh bíp the thé, tương ứng với các chữ cái, sau đó có thể được dịch sang tiếng người. Và vâng, đó là tất cả chỉ có thế. Kế hoạch ban đầu là các thông điệp trong mã Morse sẽ được in trên các mảnh giấy, sau đó sẽ được dịch bởi các nhà vận hành điện báo. Tuy nhiên, ngay sau đó, các nhà vận hành điện báo đã có thể hiểu các thông điệp điện báo chỉ dựa trên âm thanh, do đó giúp đẩy nhanh quá trình.
Máy điện báo cho phép bạn gửi chính xác một thứ: một âm duy nhất, mà bạn có thể tạo một mẫu. Mã Morse là một hệ thống các dấu chấm và dấu gạch ngang (là thứ được gọi khi được viết ra), hoặc “dit” và “dah” (được gọi khi có thể nghe được). Mỗi chữ cái là một số kết hợp của dấu chấm và dấu gạch ngang, với khoảng cách giữa các chữ cái để cho người đọc/người nghe biết khi nào chữ này kết thúc và chữ khác bắt đầu, cũng như khoảng cách dài hơn giữa các từ. Ví dụ nổi tiếng nhất về thông điệp điện báo là SOS, có ba dấu chấm (“S”), ba dấu gạch ngang (“O”) và sau đó là ba dấu chấm khác (“S”). Đã viết ra nó là ••• – •••. Nếu bạn muốn tìm hiểu hệ thống, dưới đây là hướng dẫn đầy đủ về bảng chữ cái Latinh trong mã Morse.
Mã Morse được tạo ra như thế nào?
Dù chắc chắn đây là một hệ thống đầy tài tình, mã Morse không phải tự dưng mà xuất hiện. Các hệ thống liên lạc dựa vào một nguồn duy nhất được bật và tắt nhanh chóng trở lại với tín hiệu khói, sử dụng các luồng khói khá giống với các dấu chấm và dấu gạch ngang của mã Morse. Bạn cũng có thể gửi các tin nhắn tương tự khi đèn được bật và tắt. Mã Morse được xây dựng dựa trên ý tưởng của những người đi trước.
Mã Morse cũng không phải là lựa chọn đầu tiên cho máy điện báo. Chiếc điện báo thương mại đầu tiên ra đời vào năm 1837 tại Anh do William Fothergill Cooke và Charles Wheatstone, những người đã thiết kế ra một cỗ máy sử dụng kim để trỏ vào một lưới các chữ cái. Mã của chúng, cũng như các mã điện báo ban đầu khác, cuối cùng được thay thế bằng hệ thống được thiết kế bởi Samuel F.B. Morse, người đang làm việc ở phía bên kia của Đại Tây Dương (tức chỉ nước Mỹ).
Samuel Morse từng là một họa sĩ, người vào đầu những năm 1800 vì quan tâm đến công nghệ đã giúp phát minh ra máy điện báo một dây. Ông cũng đã phát triển bản phác thảo đầu tiên của mã Morse, phát minh mãi mãi mang tên ông. Dù nỗ lực cải thiện đi cải thiện lại nhưng bản phác thảo đầu tiên của ông ấy không có các chữ cái; nó chỉ là những con số. Những con số này tương ứng với các từ, và do đó các nhà khai thác điện báo sẽ phải xem trong cuốn sách mã để tìm ra từ nào mà mã tương ứng với.
Alfred Vail, người đồng phát minh ra máy điện báo một dây, đã phát triển hệ thống này hơn nữa để bao gồm các chữ cái và các ký tự đặc biệt. Và không hoàn toàn ngẫu nhiên về việc những chữ cái nào có mã. Vail ước tính tần suất xuất hiện của các chữ cái và thiết kế mã sao cho chữ cái càng phổ biến thì mã của nó càng đơn giản. Đó là lý do tại sao một chữ cái tần suất cao như “e” là một dấu chấm đơn, trong khi “j” là dấu gạch ngang-dấu chấm-gạch ngang-dấu chấm. Hệ thống này, được đưa vào sử dụng vào năm 1844, được gọi là mã của Mỹ.
Mã Morse hoạt động như thế nào trong các ngôn ngữ khác?
Lỗ hổng trong mã Morse của Mỹ trở nên rõ ràng ngay khi nó đến châu Âu: nó thực sự chỉ hữu ích với tiếng Anh. Câu hỏi sau đó trở thành Làm thế nào để mã Morse hoạt động trong các ngôn ngữ khác? Nó phải được mở rộng.
Năm 1848, nhà văn Đức Friedrich Clemens Clarke đã sửa đổi mã Morse để tạo ra bảng chữ cái Hamburg, bao gồm các chữ cái như “ü” và “ö”. Đề xuất của Clarke đã trở thành cơ sở cho mã Morse quốc tế, được thông qua vào năm 1865 như là bộ mã chính cho thế giới. Mã Morse quốc tế đã được thay đổi và mở rộng trong nhiều thế kỷ kể từ đó. Ký tự mới cuối cùng được thêm vào là @, được giới thiệu vào năm 2004, năm năm sau khi bức điện thương mại cuối cùng được gửi ở Hoa Kỳ.
Hệ thống tương tự này cũng dễ dàng được điều chỉnh cho một số ngôn ngữ khác không sử dụng bảng chữ cái Latinh. Ví dụ như tiếng Hy Lạp và tiếng Ả Rập, chỉ cần áp dụng hệ thống này cho các chữ cái của riêng họ mà không gặp nhiều khó khăn. Rắc rối thực sự đến từ các ngôn ngữ có tập hợp các ký tự lớn hơn nhiều.
Một trong những macrolanguage (ngôn ngữ chứa nhiều phương ngữ) có độ khó nhất để sử dụng mã Morse là tiếng Trung vì có hàng nghìn ký tự. Để giải quyết vấn đề này, những người nói tiếng Trung Quốc (hoặc nhà điện báo) đã lấy một trang từ kế hoạch ban đầu của Samuel Morse cho mã Morse, và thay vì có dấu chấm và dấu gạch ngang áp dụng trực tiếp cho các ký hiệu trong ngôn ngữ, chúng chỉ áp dụng cho các con số. Sau đó, mã thương mại Trung Quốc được tạo ra, gán các ký tự Trung Quốc thành một mã gồm bốn chữ số. Vì vậy, bạn cần phải bấm vào bốn số cho mỗi biểu tượng. Hệ thống này chắc chắn kém hiệu quả hơn – nó chỉ sử dụng một phần nhỏ các kết hợp dấu chấm và dấu gạch ngang có thể được sử dụng trong mã Morse quốc tế – nhưng chắc chắn vẫn hữu ích cho những người cần giao tiếp qua điện báo và một giải pháp sáng tạo cho câu hỏi Làm thế nào để mã Morse hoạt động trong các ngôn ngữ tượng hình?
Mã Morse không còn được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn rất đáng chú ý ở khả năng giúp giao tiếp. Nếu nhiều người hiểu nó hơn, chắc chắn ngày nay nó có thể được sử dụng nhiều hơn. Đồng thời, mã Morse cho thấy những hạn chế của các hệ thống được thiết kế với một ngôn ngữ duy nhất. Phải mất nhiều thập kỷ để các hệ thống chính thức có thể đáp ứng các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với một số công nghệ ngày nay, vì vậy đây là một bài học đáng để học hỏi.
_________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: Babbel
- Người dịch: Nguyễn Thị Huế
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Huế – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Post Views:
579
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=96954
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
Tin công nghệ, điện thoại, máy tính, ô tô, phân khối lớn, xu hướng công nghệ cập nhật mới nhất