Học Tập Trải Nghiệm Là Gì Và Nó Hoạt Động Như Thế Nào?
1. Kinh nghiệm cụ thể
Chu kỳ bắt đầu với việc người học có một trải nghiệm cụ thể – điều này có nghĩa là học một cái gì đó hoàn toàn mới hoặc trải nghiệm điều gì đó quen thuộc theo một cách mới. Ví dụ về điều này bao gồm học cách đi xe đạp, xem một vở kịch lần đầu tiên hoặc chơi một nhạc cụ, nhưng nó có thể là bất cứ điều gì.
2. Quan sát có tư duy
Giai đoạn tiếp theo của chu kỳ là rất quan trọng, và tất cả là về tư duy. Sau khi có kinh nghiệm cụ thể, người học nên dành một chút thời gian để suy nghĩ về những gì đã xảy ra, hoặc quan sát những người khác làm điều tương tự và suy ngẫm về những gì đang diễn ra.
Trong khoá học mở “Các cách tiếp cận cá nhân để suy nghĩ”, chúng tôi thảo luận về cách làm thế nào mà việc suy nghĩ bằng cách sử dụng nhật ký hoặc mẫu có thể giúp bạn xem xét hay đánh giá sự tiến bộ của mình khi đang học điều gì đó mới. Hãy tự vấn bản thân những câu hỏi đơn giản như “Điều gì đã diễn ra tốt?”, “Mình đang gặp khó khăn gì?” Và “Mình có thể làm gì khác hơn?” sẽ giúp bạn cải thiện cho lần sau.
☄️ Khái niệm hoá vấn đề trừu tượng
Sau khi người học suy ngẫm về kinh nghiệm cụ thể của họ, đã đến lúc hiểu rõ những trải nghiệm và suy nghĩ đó. Họ có thể nghĩ các bước tiếp theo để cải thiện, đưa ra kế hoạch hành động hoặc tin tưởng vào tài liệu hay một chuyên gia có thể cung cấp thông tin chi tiết. Điều này cho phép họ hình thành những ý tưởng mới hoặc sửa đổi những ý tưởng trừu tượng hiện có để có thể hành động sau đó.
☄️ Thử nghiệm tích cực
Giai đoạn cuối cùng của chu kỳ Kolb là hành động dựa trên những suy nghĩ trước kia của bạn, đây được gọi là thử nghiệm tích cực. Người học áp dụng những gì họ đã học được từ trải nghiệm ban đầu và xem liệu có bất kỳ thay đổi nào khi họ trải nghiệm lần thứ hai hay không. Đây thực chất là một cơ hội để thử nghiệm những ý tưởng mới.
Kết quả của giai đoạn thử nghiệm tích cực này là người học sẽ có một trải nghiệm cụ thể mới và chu trình sẽ bắt đầu lại từ đầu. Chu kỳ này có thể tiếp tục diễn ra cho đến khi người học cảm thấy tự tin về lĩnh vực đó và hài lòng với cách trải nghiệm cụ thể mở ra. Việc cho phép người học kiểm tra kiến thức của họ một cách thực tế như vậy có thể đảm bảo khả năng lưu giữ thông tin cao hơn.
☄️ Các phong cách học tập trải nghiệm
Viện Học tập Trải nghiệm thảo luận trên trang web của họ về cách mỗi người điều hướng chu kỳ học tập theo một cách hơi khác nhau. Các yếu tố như tính cách, trình độ học vấn, nghề nghiệp, văn hóa và hơn thế nữa có thể ảnh hưởng đến sở thích học tập của chúng ta, vì vậy Bản kiểm kê phong cách học tập của Kolb đề xuất có chín cách khác nhau để điều hướng chu trình học tập.
Ông gợi ý rằng chúng ta có xu hướng trải qua một trong những phong cách học tập này và mặc định nó như một thói quen, đặc biệt là khi đang trong chế độ tự động hoặc gặp một số căng thẳng. Biết về những phong cách học tập khác nhau có thể giúp chúng ta hiểu được những người tiếp cận với cách học khác, điều này có thể cải thiện kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo và giao tiếp của chúng ta.
1. Trải nghiệm. Bạn tìm thấy ý nghĩa trong kinh nghiệm và các mối quan hệ; do đó, bạn phát triển tốt khi làm việc nhóm và kết nối cảm xúc với những người khác.
2. Tưởng tượng. Bạn học được nhiều nhất từ việc quan sát và suy ngẫm về những trải nghiệm, bạn có xu hướng làm việc với tư duy đồng cảm và sáng tạo.
3. Suy ngẫm. Bạn là người kiên nhẫn và cẩn thận, thích quan sát người khác và thu thập các quan điểm cũng như thông tin khác nhau trước khi hành động.
4. Phân tích. Bạn thích suy nghĩ một cách có hệ thống và nghiêm túc về những trải nghiệm của mình, sau đó lên kế hoạch để giảm thiểu sai lầm và kiểm tra các giả định.
5. Suy nghĩ. Bạn thường đóng khung các lập luận bằng cách sử dụng logic và lý lẽ, đồng thời thích sử dụng các công cụ định lượng để đưa ra phán đoán và truyền đạt ý tưởng của mình.
6. Quyết định. Bạn giỏi ra quyết định, thích đặt các mục tiêu cụ thể và hướng tới chúng một cách trực tiếp bằng việc lên kế hoạch và đánh giá trong suốt quá trình.
7. Diễn xuất. Bạn là người định hướng mục tiêu và tìm cách để đạt được thành tích trong thời gian hạn chế bằng sự quyết đoán và tận tâm.
8. Khởi xướng. Bạn có tư duy ngẫu hứng, thích suy nghĩ ứng biến và chấp nhận rủi ro để tìm kiếm cơ hội mới.
9. Cân bằng. Bạn cân nhắc ưu và nhược điểm của bất kỳ tình huống nào, xác định khoảng cách, thu hẹp sự khác biệt giữa mọi người và giúp đội nhóm của bạn thích ứng nhanh chóng.
☄️ Lợi ích của học tập trải nghiệm là gì?
• Có nhiều chỗ hơn cho sự sáng tạo
• Cho phép bạn học hỏi từ những sai lầm
• Khuyến khích sự suy ngẫm và xem xét nội tâm
• Nắm bắt các khái niệm khó hoặc khái niệm trừu tượng dễ dàng hơn
• Chuẩn bị cho bạn những kinh nghiệm trong tương lai và cuộc sống trưởng thành
• Giáo viên quan sát thấy thái độ đối với việc học được cải thiện
☄️ Cách áp dụng phương pháp học tập trải nghiệm trong lớp học
Nếu bạn là một giáo viên hoặc trợ giảng, bạn có thể tự hỏi làm thế nào để có thể triển khai phương pháp học tập trải nghiệm trong lớp học của mình.
Để có cái nhìn sâu hơn về các lý thuyết giáo dục, bạn có thể thử khoá học “Khoa học thần kinh giáo dục: Chuyên gia về phương pháp giảng dạy dựa trên nghiên cứu” của Đại học Central Queensland hoặc khoá học “Nghiên cứu Giáo dục Quan trọng: Áp dụng Nghiên cứu vào Thực tiễn Giảng dạy” của Đại học Birmingham và Cao đẳng giảng dạy Chartered.
Tuy nhiên, đối với một bài học cụ thể hơn, khoá học mở “Thực hành suy ngẫm và xác định nhu cầu của bạn” của Hội đồng Anh có một số bí quyết về cách thực hiện phương pháp giảng dạy có tư duy hơn. Dưới đây là một ví dụ:
1. Bạn có kinh nghiệm. Ví dụ, bạn dạy một buổi học.
2. Bạn suy ngẫm về kinh nghiệm. Bạn nghĩ về những gì diễn ra tốt hoặc không tốt trong buổi học đó.
3. Bạn phân tích kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Bạn xác định điều gì đã khiến cho buổi học trở nên tốt hay xấu. Đó có phải là do hoạt động, chỉ dẫn, kiến thức môn học của bạn không hay là điều gì khác?
4. Bạn lên kế hoạch cho các hành động trong tương lai dựa trên những gì bạn đã học được. Khi bạn đã xác định vấn đề là gì, bạn lên kế hoạch để cải thiện và sau đó thử lại hoạt động tương tự với một lớp học khác. Điều này có thể bao gồm việc tạo một kế hoạch mới hoặc cập nhật kiến thức của bạn.
☄️ Một số cách để suy nghĩ
• Ghi nhật ký học tập về những gì diễn ra tốt hoặc không tốt trong một buổi học
• Yêu cầu học sinh đưa ra ý kiến phản ánh về một buổi học hoặc hoạt động
• Ghi chú vào giáo trình của bạn sau mỗi buổi học
• Nói về các buổi học của bạn với một giáo viên khác
• Đề nghị một đồng nghiệp ngồi trong lớp và quan sát buổi học của bạn
• Ghi âm lời dạy của chính bạn (và sau đó xem nó!)
• Sử dụng nhật ký trực tuyến để lưu giữ các thói quen suy nghĩ của bạn ở một nơi – ghi chú, video, tài liệu, liên kết.
☄️ Những hoạt động khác có thể áp dụng lý thuyết học tập trải nghiệm
• Huấn luyện thể thao. Học tập trải nghiệm có thể giúp các vận động viên rèn luyện tối đa khả năng bằng cách cho họ thời gian để suy ngẫm về màn trình diễn của mình. Tương tự, nó có thể là một chiến thuật tuyệt vời cho các huấn luyện viên thể thao để giúp các vận động viên tiến bộ.
• Đào tạo tại nơi làm việc. Cách thức hoạt động của phương pháp này sẽ khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào loại môi trường mà bạn đang làm việc, nhưng học tập trải nghiệm có thể hiệu quả hơn nhiều trong việc lưu giữ thông tin mới thay vì đọc sách hướng dẫn và các bài báo.
• Nghiên cứu chuyến đi thực tế. Lý thuyết học tập trải nghiệm là lý thuyết hoàn hảo để tiến hành nghiên cứu, vì điều quan trọng là phải thử nghiệm, suy ngẫm, sửa đổi và đánh giá lại trong suốt chuyến đi hoặc dự án nghiên cứu.
• Học các kỹ năng mới. Dù bạn muốn học một môn thể thao, nhạc cụ hay kỹ năng mềm mới thì chu trình học tập trải nghiệm đều có thể giúp bạn đạt được tiến bộ ổn định.
• Kỳ thực tập. Thực tập là cơ hội học tập hoàn hảo để bất cứ ai có thể thử nghiệm một vai trò mới, học tập trải nghiệm có thể giúp bạn học hỏi nhiều nhất có thể trong khoảng thời gian được giao.
☄️ Lời kết
Bất kể bạn là ai, cho dù là giáo viên, sinh viên hay một ai đó hoàn toàn khác, học tập trải nghiệm đều có thể vô cùng quý giá. Phương pháp này khuyến khích ý tưởng rằng học tập là một quá trình suốt đời và bạn không cần phải tuân theo các phương pháp học tập truyền thống để phát triển cá nhân hoặc nghề nghiệp.
Chúng tôi có một số khóa học khuyến khích sự phát triển tư duy này khi nói đến việc học, vì vậy bạn có thể cân nhắc tham gia một khóa học nếu muốn thử thách bản thân. Ví dụ, khóa học “Thiết kế Tương lai Nơi Học tập là Phong cách sống” của Samsung sẽ chỉ cho bạn làm thế nào để có thể sử dụng công nghệ nhằm thiết kế lại tương lai của nền giáo dục.
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
• Bài viết gốc: https://www.futurelearn.com/info/blog/what-is-experiential-learning
• Người dịch: Lương Phương Thảo
• Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lương Phương Thảo – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=86624
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com