Mở Khóa Bộ Não: Những Kiến Thức Ngôn Ngữ Không Thể Giải Thích

Đầu mùa hè này, tôi thấy mình mơ trong một ngôn ngữ khác. Bạn tôi đã nói chuyện với tôi. Tôi không biết cô ấy đang nói gì, cũng không hẳn – chỉ là cô ấy đang nói tiếng Do Thái. Khi tôi thức dậy, tôi đã tra Google và phát hiện ra ít nhất một số từ tôi nghe được thực sự là tiếng Do Thái. Ví dụ, ein, tạm dịch là “không có”.

Công bằng mà nói, kiến ​​thức này không hẳn là từ trên trời rơi xuống. Tôi đã học một ít tiếng Do Thái cho lễ trưởng thành bat mitzvah khi 13 tuổi, và nếu bây giờ tôi còn nhớ rõ, tiềm thức của tôi hẳn đã ghi nhớ điều đó trong một khoảng thời gian dài.

Đó là lý do tại sao sẽ khó hơn một chút để giải thích giấc mơ sau này của tôi với tiếng Hindi, một ngôn ngữ mà tôi thực sự rất ít tiếp xúc. “Mơ bằng tiếng Hindi”, tôi thực sự muốn nói đến một từ – một từ khá đơn giản – nhưng tôi không thể. Cái gì đó trong tiềm thức của tôi đã có được một lượng kiến ​​thức nằm ngoài cả sự hiểu biết có ý thức, và nghiên cứu sâu hơn cho thấy tôi không hề đơn độc với trải nghiệm của mình.

Khái niệm xenoglossy, được định nghĩa là “hiện tượng giả định trong đó một người có khả năng nói được một ngôn ngữ mà họ không thể có được bằng các phương thức bình thường”, đã xuất hiện từ thời Kinh thánh (hoặc sớm hơn). Có rất nhiều câu chuyện về những cá nhân đạt được khả năng thông thạo một ngôn ngữ mà họ gần như không hề biết, và hẳn mọi người đều ít nhất một lần nghe kể về một người bị đột quỵ rồi tỉnh dậy nói một ngôn ngữ hoàn toàn khác.

Có thể tạm coi việc này là các trò đùa tâm linh hoặc siêu hình, cũng có một lời giải thích hợp lý đáng để xem xét. Nhưng liệu khoa học có chính xác tuyệt đối, hay nó vẫn tồn đọng vấn đề? Đây là hai khía cạnh – một mang tính khoa học và còn lại hơi thần bí hơn – về khả năng của chúng ta trong việc “tải xuống” các ngôn ngữ khác từ thế giới bên kia.

Các nghiên cứu điển hình

Đây là một vài trường hợp nổi tiếng của xenoglossy để bạn xem xét

  • Khi một thiếu niên người Croatia tỉnh dậy sau cơn hôn mê kéo dài 24 giờ vào năm 2010, cô nhận thấy mình không còn nói được tiếng Croatia, tiếng mẹ đẻ của cô, nhưng lại thông thạo tiếng Đức, ngôn ngữ mà cô chỉ mới bắt đầu học.
  • Năm 2007, đồng đội của một vận động viên đua xe tốc độ người Séc đã chứng kiến ​​anh ta nói tiếng Anh một cách hoàn hảo với nhân viên y tế sau một vụ tai nạn khiến anh ta bất tỉnh trong thời gian ngắn. Trước khi vụ tai nạn xảy ra, Matej Kus phải vật lộn với vốn tiếng Anh ít ỏi, nhưng theo các nhân chứng, anh ta đã nói với “giọng Anh rất rõ ràng, không phải tiếng địa phương hay bất cứ thứ gì”. Anh ta không còn nhớ gì về sự việc sau vài ngày, và nhanh chóng quay lại với thứ tiếng Anh thô, nặng của mình.
  • Một cầu thủ bóng đá trung học ở Georgia hôn mê 3 ngày sau khi bị đá vào đầu. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện, anh ta dường như đã quên cách nói tiếng Anh, nhưng đột nhiên thông thạo tiếng Tây Ban Nha. Tình hình dần dần tự đảo ngược khi anh ta khoẻ lại và quay về trạng thái “bình thường” một lần nữa.
  • Năm 2013, một người đàn ông tên Michael Boatwright được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh tại một nhà nghỉ. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện, anh ta khai tên mình là Johan Elk, và anh chỉ có thể nói bằng tiếng Thụy Điển. Trước đây anh đã từng học tiếng Thụy Điển vào những năm 1980, vì vậy điều này có vẻ hơi hợp lý.
  • Liu Jieyu, một phụ nữ Trung Quốc 94 tuổi, bị đột quỵ vào năm 2015 và hôn mê hai tuần. Khi tỉnh lại, bà ta nói một thứ tiếng Anh hoàn hảo, nhưng lại không có chút kiến ​​thức rõ ràng nào về tiếng mẹ đẻ của mình. Trước đây bà từng dạy tiếng Anh, nhưng đã không còn nói nó trong 30 năm.
  • Một người đàn ông 81 tuổi người Anh, khi tỉnh lại sau một cơn đột quỵ chỉ nói được tiếng Wales, mặc dù ông đã nói tiếng Anh từ bé. Ông từng dành chỉ vài tháng ở Wales, và đó là chuyện của 70 năm trước. Các bác sĩ cho rằng sự sai lệch này là do chứng rối loạn não được gọi là mất ngôn ngữ, và hiện ông đang học lại tiếng Anh.
  • Một sinh viên đại học người Úc 21 tuổi tỉnh dậy trong bệnh viện sau một vụ va chạm xe. Mặc dù ngôn ngữ mẹ đẻ của anh là tiếng Anh, anh đột nhiên thông thạo tiếng Quan Thoại, mặc dù anh ấy chưa bao giờ giỏi ngôn ngữ đó khi học nó ở trường trung học. Sau này anh đã trở nên thông thạo tiếng Quan Thoại đến mức trở thành người dẫn của chương trình truyền hình Trung Quốc Au My Ga (Oh, My God).

Khía cạnh khoa học

Có một điều khá rõ ràng mà bạn có thể nhận ra khi lướt qua các ví dụ trên: hầu như tất cả những người được đề cập đều đã từng tiếp xúc với ngôn ngữ “mới” của họ trước đó. Điều đáng chú ý là họ đã tiến bộ vượt bậc từ những kiến thức thô sơ về ngôn ngữ đến sự thông thạo đột ngột, nhưng vẫn có vẻ hợp lý khi tiềm thức có thể lưu lại những điều mà tâm trí có ý thức không thể.

Theo nhà khoa học thần kinh Pankaj Sah của Viện Não Queensland, một số chấn thương não nhất định sẽ khiến não bộ trong giây lát hoạt động chủ yếu ở phần não lưu trữ các ngôn ngữ thứ cấp, ngay cả khi chúng đã gần như bị quên lãng.

Gregory O’Shanick thuộc Trung tâm Dịch vụ Phục hồi Chức năng Thần kinh ở Virginia giải thích như sau: trong khi kiến ​​thức ngôn ngữ mẹ đẻ được lưu trữ ở phía bên trái của não, kiến ​​thức ngôn ngữ thứ cấp chủ yếu được lưu trữ ở phía bên phải, đặc biệt là những ngôn ngữ được tiếp thu về sau. Nếu bệnh nhân tỉnh lại với khả năng nắm bắt ngôn ngữ thứ cấp tốt hơn, rất có thể là do kết quả của chấn thương vùng bên trái não.

Cũng đôi khi được gọi là Hội chứng Ngoại ngữ, một thuật ngữ chuyên môn hơn cho hiện tượng này là chứng mất ngôn ngữ song ngữ hoặc đa ngữ. Chứng mất ngôn ngữ, hội chứng liên quan đến tổn thương bất kỳ phần nào của vỏ não ngôn ngữ, có thể diễn ra theo một số cách. Các ngôn ngữ được học cùng lúc từ thời ấu thơ thường bị mất đi và được phục hồi song song, trong khi các ngôn ngữ thứ cấp (chủ yếu là những ngôn ngữ được học sau 4 tuổi) mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể vô tình chuyển đổi giữa các ngôn ngữ, hoặc họ chỉ có thể nói một ngôn ngữ tại một thời điểm.

Đây là một câu chuyện thực của người dùng có tên “Shoshi” trên Tạp chí Discover:

Tôi đã mắc Hội chứng Ngoại ngữ vào khoảng 4 tuần trước. Tôi là một bệnh nhân tiểu đường. Tôi tỉnh dậy vào Chủ nhật cuối cùng của tháng 5 năm 2017 sau một ca hạ đường huyết cực độ và bất tỉnh hai lần. Khi tỉnh lại, tôi bị đau đầu dữ dội ở phía trước bên phải và phía sau đầu bên phải. Khi tôi cố gắng nói, từ miệng tôi phát ra một thứ tiếng gì đó trộn lẫn giữa các ngôn ngữ mà tôi đã học cách đây nhiều năm, với âm điệu hoàn hảo. Tôi đã gõ từ “chứng mất ngôn ngữ” vào điện thoại để giải thích cho gia đình về những gì tôi nghĩ đang xảy ra… và sau đó bạn trai tôi gọi 911…

… Sau 5 giờ, khi huyết áp giảm, tiếng Anh của tôi trở lại và các ngôn ngữ khác cũng không còn nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn gặp khó khăn, bây giờ vẫn thế, với việc nói một số thứ trong tiếng Anh… Bác sĩ thần kinh cảnh báo rằng tôi có thể vĩnh viễn chỉ nói được ngoại ngữ. Tôi hiện tại cứ đang rơi vào rồi lại thoát ra khỏi tình trạng đó khoảng 2 – 6 lần một ngày. Và bất cứ khi nào tôi có lượng đường trong máu thấp, tôi lại bắt đầu nói ngoại ngữ. Khi việc xảy ra, tôi thường chỉ ngậm chặt miệng, sợ hãi khi nói chuyện. Đó là điều rất đáng lo ngại. Nó thay đổi toàn bộ phong thái của tôi. Tôi nghe không giống con người. Tôi không kiểm soát được việc nói bằng ngôn ngữ nào và đôi khi đó là những ngôn ngữ tôi đã học, tất cả đều bị trộn lẫn. Mặc dù nghe có vẻ buồn cười, nhưng đối với những người như tôi, những người phải chịu đựng nó, điều đó thật khủng khiếp. Tôi cũng nghe và hiểu tiếng Anh trong thời gian này.

Đừng nhầm lẫn việc này với Hội chứng giọng nước ngoài – hội chứng khiến cho những bệnh nhân bị đột quỵ hoặc chấn thương não nói chuyện như thể họ có giọng nước ngoài. Đó không phải là ngoại ngữ thực sự, mà chỉ là một chứng khiếm khuyết về giọng nói nghe giống như một giọng ngôn ngữ.

Nói chung, có rất ít cuộc điều tra học thuật thực thụ liên quan đến hiện tượng này, nhưng phần lớn những tài liệu đưa ra những trường hợp “kỳ diệu” của xenoglossy đều chỉ đến công trình của Ian Stevenson, cựu giáo sư nghiên cứu tâm thần học tại Trường Đại học Y – Đại học Virginia, nơi nghiên cứu sâu về luân hồi và những điều huyền bí.

Tuy nhiên, học giả ngôn ngữ học Sarah Gray Thomason đã công bố một bài phê bình dài về công trình của ông, lập luận rằng sự “trôi chảy” được cho là đạt được bởi những người mắc chứng xenoglossy chẳng qua rất cơ bản. Trong một nghiên cứu cô tham khảo, một bà nội trợ người Mỹ đã biểu lộ nhân cách một người đàn ông khi bị thôi miên vào những năm 1950. Nhân cách thứ hai đó, một người đàn ông nông dân Thụy Điển, có thể trả lời bằng tiếng Thụy Điển các câu hỏi tiếng Thụy Điển. Trong một khoảng thời gian, bà đã sử dụng khoảng 60 từ tiếng Thụy Điển “một cách tự nhiên” (hoặc trước khi nghe chúng được nói trong câu hỏi). Khi các từ ghép với tiếng Anh, tiếng Đức hoặc tiếng Yiddish bị loại bỏ, chỉ còn 31 từ bà có thể hiểu được. Ngoài ra, phần lớn các câu trả lời là câu có một hoặc hai từ, không dùng các cấu trúc phức tạp. Thêm vào đó, cách phát âm của bà ấy còn hơi sai.

Khía cạnh thần bí

Phần lớn các ví dụ trên đều liên quan đến chấn thương não dẫn đến việc tạm thời phụ thuộc vào ngôn ngữ thứ cấp. Nhưng những người mơ bằng ngôn ngữ mà họ (được cho là) ​​chưa bao giờ học thì sao?

Theo Stephen Dutch (trong một bài báo được tham khảo bởi Psychology Today), bạn không cần phải thông thạo một ngôn ngữ khác để có thể mơ thấy nó một cách rõ ràng. Tiềm thức rất tốt trong việc ghi lại những điều bạn có thể đã từng nghe.

Một nhà ngoại cảm chuyên nghiệp viết rằng: anh ta đã trải qua những giai đoạn khó khăn trong quá trình tham vấn với khách hàng nước ngoài. Trong những buổi học này, thỉnh thoảng anh có thể nói những câu ngắn với khách bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ – bao gồm cả tiếng Urdu, tiếng Croatia và tiếng Trung Quốc – mặc dù không hề biết trước về chúng.

Internet cũng đầy rẫy các câu chuyện “tải về giấc mơ ngoại ngữ” – một số là những ngôn ngữ họ đã được tiếp xúc trước đó, và một số là các ngôn ngữ như từ trên trời rơi xuống. Những câu chuyện kể này rất khó để xác minh tính chân thực. Hơn nữa, những giấc mơ nổi tiếng là không đáng tin cậy, và nhiều khi việc “cảm giác” như nói được trôi chảy một ngôn ngữ khác không thực sự là thế khi được kiểm tra kỹ càng. Điều đó nói lên rằng, khoa học thường không được trang bị đầy đủ để tìm ra sự thật đối với những trải nghiệm gây ra tác động lớn đến cảm xúc hoặc tâm lý.

Bạn hãy tự đánh giá:

Tôi đã mơ bằng ngoại ngữ từ khi tôi khoảng 7 tuổi. Bà nội tôi thường nói tiếng Đức khi ở gần tôi cho đến khi tôi 6 tuổi, đó là lúc chúng tôi chuyển đi. Sau khi chuyển nhà, tôi bắt đầu mơ bằng tiếng Đức, mặc dù tôi không biết ngôn ngữ này, chỉ biết những cái cơ bản và số đếm, nhưng trong giấc mơ của tôi, tôi đã có những cuộc trò chuyện hoàn toàn bằng tiếng Đức, mọi thứ thậm chí còn được viết bằng tiếng Đức! Cảm giác như khi còn nhỏ, tôi đã chứa ngôn ngữ đó trong tiềm thức (bà tôi chưa bao giờ nói tiếng Anh với tôi, chỉ nói tiếng Đức) và chỉ có thể tiếp cận nó trong những giấc mơ của tôi. Tôi cũng mơ bằng tiếng Pháp khi bà ngoại của tôi (bên mẹ) nói tiếng Pháp với tôi. Bà nội của tôi đến từ Đức, và bà ngoại của tôi đến từ Newfoundland. Tôi đã mơ bằng tiếng Hà Lan, Thụy Điển, Nga, Hy Lạp và Romania. Đêm qua tôi đã mơ bằng tiếng Romani. Tôi đã học tất cả các ngôn ngữ này như một sở thích nhất thời, chưa bao giờ thực sự nghiên cứu sâu hơn, nhưng tôi vẫn mơ thấy chúng một cách trôi chảy. – Sonja, trên Blog Babbel

Tôi đã có những trải nghiệm ngẫu nhiên như vậy khi mơ bằng các ngôn ngữ khác và nói các ngôn ngữ khác trong giấc mơ của mình. Tôi đã có những giấc mơ trọn vẹn bằng vài ngôn ngữ tôi từng học, mặc dù tôi chỉ thông thạo tiếng Anh và tiếng Phần Lan. Tuy nhiên, điều tôi thực sự thấy thú vị là trong giấc mơ của tôi thường xuyên có một nhân vật nói thứ ngôn ngữ mà tôi CHƯA BAO GIỜ được học! Nhưng không hiểu sao trong giấc mơ tôi vẫn hiểu rất rõ về chúng. Trong thế giới thực, tôi không có cơ sở để hiểu được những ngôn ngữ đó, như tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Nhật, nhưng trong giấc mơ, tôi hiểu… – wonderercheekin, trên linguaphiles.livejournal.com

Ok. Chuyên ngành của tôi là tiếng Tây Ban Nha nên tôi biết khá nhiều về nó. Nhưng đêm qua tôi đã có một giấc mơ bằng tiếng Bồ Đào Nha. Làm sao tôi biết nó là tiếng Bồ Đào Nha? Tôi chỉ đoán thế. Nếu cho tôi xem một số bài viết, về cơ bản tôi có thể nói được đó là ngôn ngữ gì mặc dù không biết nó nói về cái gì. Tôi không biết mình lấy kiến ​​thức này ở đâu… nhưng nó có ở đó. Bây giờ tôi biết tiếng Bồ Đào Nha rất giống với tiếng Tây Ban Nha nhưng có một câu này được lặp đi lặp lại trong giấc mơ của tôi không giống với tiếng Tây Ban Nha. Tôi nhớ mình đã nhìn thấy những từ được đánh vần trong giấc mơ. Vì vậy, tôi thức dậy, nhớ lại cách đánh vần của chúng, và tôi đưa nó vào một trình dịch. Esse bom pão. Google nói nó có nghĩa là, bánh mì ngon này. Ý tôi là việc nó thực sự có ý nghĩa gì đó làm tôi lú hết cả. Tôi chưa bao giờ học một từ tiếng Bồ Đào Nha. Chỉ tiếng Tây Ban Nha thôi. Thực tế là các từ đã được viết đúng chính tả và mọi thứ…? Tôi không thể nhớ những gì người khác đã nói hoặc viết trong giấc mơ của mình nhưng tôi nhớ có ai đó đã nói điều đó và tôi hiểu mọi thứ. – Sarah, trên Street-Smart Language Learning

Điều này đã xảy ra với tôi. Vài ngày trước, tôi thức dậy với một cụm từ, khi tôi truy cập vào Google, thấy nó là tiếng Ả Rập. Tôi cũng giống như hầu hết những người Anh – lười nói ngoại ngữ mặc dù tôi biết một lượng rất nhỏ người Pháp gần như chẳng biết gì về tiếng Ả Rập. Tôi không biết làm sao lại có chuyện này nhưng tôi từng trải nghiệm một điều thậm chí còn đáng chú ý hơn. Cách đây vài năm, tôi thức dậy sớm và mặc dù vẫn còn hơi mơ màng, nhưng tôi đã đứng dậy đi uống nước. Khi bước vào bếp, tôi bắt đầu hát một bài hát bằng ngôn ngữ không rõ và hoàn toàn thuộc giai điệu! Điều này kéo dài khoảng 10-15 giây và hoàn toàn khiến tôi bối rối ngay sau đó.

– Stuart, trên Street-Smart Language Learning

————————————————–

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích

  • Theo: Babel Magazine  
  • Người dịch: Nguyễn Ánh Dương
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Ánh Dương – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=96742

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Latest breaking 24h news around the world Internet Explorer Channel Network


Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER