Ngôn Ngữ Bản Địa Châu Mỹ: Xưa Và Nay
Sau hàng trăm năm chinh chiến, chiến tranh và những hành động tàn bạo, bao gồm cả cuộc diệt chủng có hệ thống, được chính quyền cho phép giết chết 9.000 đến 16.000 thổ dân da đỏ California từ năm 1846 đến năm 1873, thân phận của người Mỹ bản địa chỉ còn là một lớp vỏ của chính họ trước đây. Người ta ước tính từ năm 1492 đến năm 1900, số lượng người bản địa sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ đã giảm từ 10 triệu người xuống còn dưới 300.000 người.
Tất nhiên, sự tuyệt chủng của các ngôn ngữ bản địa khác nhau không chỉ là một hệ quả toán học. Người Mỹ bản địa đã bị loại bỏ một cách có hệ thống khỏi vùng đất tổ tiên của họ trong nhiều năm do kết quả của vũ lực và / hoặc các hiệp ước khác nhau. Họ chen chúc trên những mảnh đất ngày càng xa xôi và chật hẹp được gọi là khu bảo tồn, và bắt đầu từ những năm 1860 kéo dài đến đầu thế kỷ 20, họ cũng phải chịu một chương trình cưỡng chế đồng hóa, được thực hiện thông qua các trường nội trú do chính phủ ủy nhiệm. Tại những trường học này, trẻ em bị cấm nói ngôn ngữ bộ lạc, mặc quần áo bộ lạc và thực hành các tôn giáo bản địa.
Những gì còn lại ngày nay
Bất chấp mọi thứ, vẫn có khoảng 150 ngôn ngữ bản địa Bắc Mỹ được hơn 350.000 người nói ở Hoa Kỳ ngày nay, theo dữ liệu của Điều tra Cộng đồng Hoa Kỳ được thu thập từ năm 2009 đến năm 2013. Con số đó nằm trong tổng số 350 ngôn ngữ được nói ở đất nước này.
Mặc dù hầu hết các ngôn ngữ này đang trên đà chết dần, nhưng một số vẫn tiếp tục tồn tại. Ví dụ, ngôn ngữ Navajo là ngôn ngữ bản địa Mỹ có nhiều người nói nhất hiện nay, với gần 170.000 người nói. Phổ biến tiếp theo là Yupik, với 19,750 người nói ở Alaska.
Tuy nhiên, phần lớn người Mỹ bản địa ngày nay chỉ nói tiếng Anh. Trong số khoảng 2,7 triệu người Mỹ da đỏ và thổ dân Alaska được thống kê theo điều tra dân số năm 2016, 73% những người từ 5 tuổi trở lên chỉ nói tiếng anh. Con số này giảm nhẹ so với con số 73,7% vào năm 2005, mặc dù vào năm 2010, con số đó đã giảm xuống còn 72,2%.
Phong trào bảo tồn
Ngày nay, có rất nhiều các chương trình và sáng kiến nhằm bảo tồn các ngôn ngữ của người Mỹ bản địa, nhưng đây là thành quả cuối cùng của một hành trình chậm chạp và gian khổ bao gồm nhiều cột mốc pháp lý khác nhau và viện trợ giúp khôi phục chủ quyền cho các bộ tộc.
Những thách thức rất đa dạng. Đầu tiên, những ngôn ngữ chúng ta đang nói đến là những ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt. Trái ngược với những quan niệm sai lầm phổ biến, các ngôn ngữ của người Mỹ bản địa không bắt nguồn từ một nguồn duy nhất như ngữ hệ Ấn-Âu. Ngoài ra, nhiều ngôn ngữ bản địa chủ yếu dựa vào truyền miệng, còn nhiều văn bản viết đã bị phá hủy, vì vậy, chỉ còn lại một số tài liệu ghi chép từ trước năm 1850.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức vẫn không nản lòng. Như một ví dụ, Ngôn ngữ bản địa Châu Mỹ (Native Languages of the Americas) là một tổ chức phi lợi nhuận “dành riêng cho sự sống còn của các ngôn ngữ Mỹ bản địa, đặc biệt là thông qua việc sử dụng công nghệ Internet”. Trang web của nó có một bộ sưu tập toàn diện các tài liệu và tài nguyên trực tuyến về văn hóa và ngôn ngữ của người Mỹ bản địa.
Giữ Gìn Tiếng Nói (Enduring Voices), một chương trình của Living Tongues, đã thực hiện những việc như cung cấp chương trình đào tạo và công nghệ thích hợp cho Winnemem Wintu, để họ có thể biên dịch các bản ghi video và âm thanh bằng ngôn ngữ của họ.
Năm 2010, Đại học Stony Brook, cùng với hai trong số các quốc gia da đỏ, đã khởi động một dự án chung nhằm hồi sinh Shinnecock và Unkechaug, hai ngôn ngữ đã biến mất của các bộ lạc ở Long Island mà không còn được sử dụng trong gần 200 năm. Trong số các công cụ làm việc của họ, có một danh sách từ vựng được viết bởi Thomas Jefferson vào năm 1791.
Một bài báo năm 2009 trên tờ The Guardian đã mô tả một số cộng đồng đang tích cực hoạt động để khôi phục ngôn ngữ của họ, chẳng hạn như bộ lạc Arapaho ở Wyoming, họ đã thành lập một trường học dành riêng cho việc giáo dục con cái bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Các trường đại học bộ lạc trên khắp vùng Great Lakes đang cung cấp các khóa học bằng tiếng thổ dân da đỏ, và ở Oklahoma, Ủy ban Bảo tồn Văn hóa và Ngôn ngữ Comanche đã phát triển một từ điển và các khóa học ngôn ngữ, cũng như bản ghi âm các bài hát của người Comanche.
Khả năng khôi phục lại sự phồn vinh trước đây của những ngôn ngữ này chắc chắn không hề dễ dàng. Nhưng hy vọng có thể được tìm ra trong những điều nhỏ bé nhất: như lời kể của lãnh đạo CLCPC Ronald Red Elk, về một cô gái trẻ Comanche đã nói ra từ đầu tiên trong đời không phải “mother” mà là “pia”, từ mang nghĩa tương đương trong tiếng bản địa.
————————————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Theo: Babel Magazine
- Người dịch: Nguyễn Ánh Dương
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Ánh Dương – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=96729
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com