Những Kỹ Năng Cần Có Của Quản Lý Bộ Phận Account
?Những kỹ năng account manager là gì?
Kỹ năng account manager là những khả năng và phẩm chất mà account manager cần phải có để phát huy vai trò của mình. Chúng là sự kết hợp điển hình giữa kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, tập trung vào việc giao tiếp hiệu quả với khách hàng và duy trì mối quan hệ lâu dài với họ. Một account manager thường làm việc trong bộ phận bán hàng và marketing của tổ chức, với nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, nâng cao trải nghiệm của họ và đảm bảo rằng khách hàng hài lòng với sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp.- Làm việc và giao tiếp với khách hàng mỗi ngày để thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của họ.
- Phối hợp với các bộ phận khác để đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
- Thu thập và phân tích thông tin để thấu hiểu hành vi người tiêu dùng.
- Giải quyết các khiếu nại của khách hàng.
- Xây dựng và thực hiện chiến lược nhằm tránh những sự kiện tiêu cực trong tương lai.
?Ví dụ về những kỹ năng của account manager
Những account manager giỏi đều có sự kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Một vài ví dụ điển hình về những kỹ năng của account manager: 1. Kỹ năng lắng nghe và kết nối mọi người Một account manager cần phải có kỹ năng lắng nghe và kết nối mọi người, để thấu hiểu và đồng cảm. Điều này sẽ giúp họ nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, từ đó cung cấp dịch vụ và đem lại giá trị, giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. 2. Khả năng lãnh đạo Account manager thường phụ trách những khách hàng của tổ chức. Điều này có nghĩa là họ cần phải kiểm soát để duy trì mối quan hệ lâu dài với mỗi khách hàng. Họ cần phải thể hiện sự tự tin và khả năng lãnh đạo, để đưa ra hướng đi rõ ràng cho các bộ phận, nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Họ cũng cần phải phát huy khả năng lãnh đạo để nhận được sự tôn trọng từ khách hàng và đồng nghiệp. Nhiều account manager còn kiểm soát và đưa ra những chỉ dẫn quan trọng cho giám đốc của họ.3. Khả năng giao tiếp bằng văn bản và lời nói
Account managers có nhiệm vụ giao tiếp với khách hàng hằng ngày, thông qua gặp mặt trực tiếp, gọi điện hoặc gửi email. Vậy nên, họ cần phải tận dụng kỹ năng giao tiếp nhuần nhuyễn của mình để truyền tải rõ ràng và toàn diện đến khách hàng cũng như các nhân viên nội bộ. Kỹ năng giao tiếp còn được sử dụng để tương tác với các bên liên quan và các nhà lãnh đạo khác, để cập nhật về tình hình mối quan hệ với khách hàng cùng những đơn hàng mà họ vừa đặt.
4. Xây dựng mối quan hệ
Với vai trò là một account manager, xây dựng kết nối với khách hàng là vô cùng quan trọng, nhằm củng cố niềm tin của họ, quyết định một mối quan hệ lâu dài. Những account manager cần phải giỏi kết nối với nhiều tính cách khác nhau, để đảm bảo rằng khách hàng sẽ có những trải nghiệm thú vị với tổ chức.
5. Khả năng đàm phán
Khi account manager bắt đầu hoặc ký lại hợp đồng với khách hàng, họ phải có khả năng đàm phán tốt để thuyết phục khách hàng sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Một trong những mục tiêu chính của họ là vận dụng khả năng đàm phán để tạo ra doanh thu cao, đem lại lợi ích cho cả khách hàng và công ty.
6. Tổ chức và quản lý các nhiệm vụ
Các account manager thường có trách nhiệm tổ chức và quản lý các đơn hàng. Điều này có nghĩa là họ phải sử dụng thành thạo kỹ năng tổ chức và quản lý nhiệm vụ, đảm bảo phân bổ thời gian hợp lý khi làm việc với khách hàng và hoàn thành nhiệm vụ mà họ được giao.
?Cách để cải thiện các kỹ năng của account manager
Có rất nhiều cơ hội để bạn có thể nâng cao kỹ năng và khả năng của một account manager. Hãy tuân thủ theo các bước sau:
1. Tham dự các hội thảo về khả năng lãnh đạo
Một account manager thường xuyên phải ở vị trí lãnh đạo, vậy nên bạn cần phải có khả năng lãnh đạo tốt để duy trì sự tự tin và uy lực tại nơi làm việc. Một phương pháp hiệu quả để đạt được khả năng lãnh đạo là tham gia các buổi hội thảo, nơi dạy bạn cách quản lý và hướng dẫn nhân viên, hoặc đưa ra lời khuyên và chỉ dẫn cho khách hàng về những vấn đề trong công việc.
2. Trải qua đào tạo về ngành
Để bán được dịch vụ cho khách hàng và chứng minh rằng mình có thể giải quyết được những thách thức của doanh nghiệp, bạn cần phải có kiến thức sâu rộng về ngành mà bạn đang làm việc. Bạn có thể đạt được những kiến thức này thông qua chương trình đào tạo nội bộ bởi những nhà lãnh đạo hoặc các chuyên gia, người đã có nhiều năm làm việc trong ngành và trong công ty của bạn. Bên cạnh đó, có rất nhiều cách khác để nâng cao kiến thức trong ngành, ví dụ như đọc các bài báo chuyên ngành, tham dự các buổi hội nghị hoặc các buổi thảo luận chuyên đề nghiên cứu khoa học.
3. Thu thập thêm các giấy chứng nhận
Các giấy chứng nhận chính là một phương thức tuyệt vời để cải thiện những kỹ năng quản lý quan hệ khách hàng, và là một điểm cộng cho CV của bạn. Một loại chứng nhận mà bạn có thể đạt được là từ Hiệp hội Chiến lược Quản lý Quan hệ Khách hàng (SAMA). Việc này sẽ giúp bạn học được những kỹ năng điển hình của vị trí account manager, ví dụ như thiết lập những mối quan hệ lâu dài, xây dựng chiến lược quản trị khách hàng và nâng cao sự tự tin, với vai trò là một nhà quản lý và một nhà lãnh đạo.
4. Tham dự thêm các khóa học khác
Hầu hết các account manager đều tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh, marketing, quản trị bán hàng hoặc một lĩnh vực nào đó có liên quan. Bạn sẽ có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp bằng cách không ngừng cải thiện các kỹ năng, thông qua các khóa học thạc sĩ về bán hàng, kinh doanh hoặc marketing.
?Những kỹ năng account manager tại nơi làm việc
Những account manager cần phải vận dụng kỹ năng của họ để đem đến những dịch vụ và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn sử dụng hiệu quả các kỹ năng account manager tại nơi làm việc:
1. Luôn giữ sự chủ động trong quá trình đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Hãy họp cùng với các bộ phận để tìm hiểu xem những khách hàng tương tự đã yêu cầu gì trong quá khứ, từ đó lên kế hoạch hiệu quả đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện tại trong tương lai.
2. Ưu tiên thiết lập mối quan hệ lâu dài với khách hàng
Hãy sử dụng kỹ năng giao tiếp và kết nối mọi người để kiểm tra khách hàng thường xuyên, đảm bảo rằng nhu cầu của họ sẽ được đáp ứng và xem xét liệu bạn có thể hoàn thành thêm nhiệm vụ nào cho họ hay không. Bên cạnh đó, hãy luôn cập nhật cho khách hàng những cải tiến mới để giúp họ lên kế hoạch tốt nhất có thể.
3. Trở thành mối liên hệ đáng tin giữa khách hàng và nhân viên
Nếu khách hàng có yêu cầu hay có mối lo ngại về dự án hoặc dịch vụ, họ tin rằng bạn sẽ truyền tải điều này thật rõ ràng đến với nhân viên. Tương tự như vậy, nếu nhân viên cảm thấy khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ mà khách hàng đưa ra, họ cũng tin rằng bạn có thể phản hồi điều này với khách hàng, và đưa ra giải pháp hợp lý cho vấn đề.
4. Đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể và toàn diện
Khách hàng sẽ hình dung một cách cụ thể những gì mà công ty bạn có thể giúp họ vượt qua khó khăn nếu nó được trình bày ngay trước mắt họ. Vậy nên, hãy vận dụng kỹ năng tổ chức và giải quyết vấn đề để liệt kê những kế hoạch hành động cho khách hàng khi bắt đầu một dự án, giúp họ am hiểu hơn về tiến trình thực hiện kế hoạch của nhóm bạn và kết quả dự tính sẽ đạt được.
?Cách để nêu bật những kỹ năng account manager
Khi ứng tuyển vào một vị trí account manager, nhà tuyển dụng luôn hy vọng bạn sẽ thể hiện tất cả kỹ năng mình có xuyên suốt quá trình. Dưới đây là một vài phương pháp khác nhau để bạn nêu bật những kỹ năng account manager của mình:
?Kỹ năng account manager trong CV
CV của bạn nên liệt kê rõ ràng những kỹ năng cứng và kỹ năng mềm mà bạn đã đạt được ở nhiều mục khác nhau. Hãy đọc kỹ tin tuyển dụng để tìm được những kỹ năng cần thiết hoặc những kỹ năng mà nhà tuyển dụng ưu tiên. Từ đó nêu bật và đề cập đến những từ khóa đó xuyên suốt CV của bạn. Bạn cũng có thể chia sẻ thêm về cách mà bạn vận dụng những kỹ năng để đem lại kết quả ấn tượng cho công ty đã từng làm việc.
Tương tự với mục kinh nghiệm, hãy liệt kê các công việc đã làm cùng những kỹ năng mà bạn đã vận dụng cho công việc đó. Nêu rõ con số hoặc phần trăm nếu có thể để miêu tả những thành công mà bạn đem lại cho sự phát triển của công ty khi bạn vận dụng những kỹ năng đó. Trong CV, bạn cũng nên có một mục về những kỹ năng và liệt kê những kỹ năng account manager mà bạn đã có.
Với thư xin việc cũng vậy, hãy liệt kê những kỹ năng mà bạn đã từng sử dụng ở vị trí công việc cũ và kết quả mà bạn đạt được nhờ những kỹ năng đó.
?Kỹ năng account manager trong buổi phỏng vấn
Trong suốt buổi phỏng vấn, hãy giải thích sâu về những kỹ năng của bạn cùng hoàn cảnh mà bạn áp dụng chúng trong thời gian đảm nhận công việc. Bạn cũng nên miêu tả kỹ những kinh nghiệm làm việc cụ thể đã giúp bạn rèn luyện kỹ năng và hoàn thành tốt vai trò của mình.
Hãy thông qua câu chuyện và câu trả lời của mình để thể hiện với người phỏng vấn cách mà bạn sẽ áp dụng trực tiếp những kỹ năng account manager vào công việc. Điều này sẽ giúp cho nhà tuyển dụng hình dung tốt hơn về vai trò của bạn và đưa ra những quyết định đúng đắn nếu bạn phù hợp với công ty và vị trí ứng tuyển.
_________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Bài viết gốc: indeed
- Người dịch: Đoàn Bùi Thu Phương
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Đoàn Bùi Thu Phương – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=79798
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com