7 Bước Để Viết Hồ Sơ Ứng Tuyển Cho Vị Trí Thẩm Định Viên Công Cụ Tìm Kiếm

Khi ứng tuyển cho công việc này, các ứng viên thường gửi hồ sơ xin việc, cùng với các tài liệu liên quan khác. Một hồ sơ xin việc chuyên nghiệp sẽ giúp bạn nổi bật hơn trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc của mình trước các nhà tuyển dụng. Nếu như bạn đang tìm kiếm cơ hội để có được công việc ở vị trí này, thì biết cách để viết một hồ sơ xin việc là một điều khá cần thiết đấy. Trong bài viết này sẽ bàn về cách để viết một hồ sơ ứng tuyển cho vị trí thẩm định viên công cụ tìm kiếm bằng cách xác định vai trò và cung cấp cho bạn các bước cụ thể để viết một tài liệu hiệu quả, kèm theo đó là template và một mẫu hồ sơ mà bạn có thể sử dụng để tham khảo.

THẨM ĐỊNH VIÊN CÔNG CỤ TÌM KIẾM LÀM NHỮNG GÌ?

Thẩm định viên công cụ tìm kiếm là một chuyên gia, người sẽ đánh giá các công cụ tìm kiếm để đưa ra kết quả mà người dùng nhận được khi tìm kiếm một thông tin cụ thể trong trình duyệt web. Thẩm định viên công cụ tìm kiếm phân tích kết quả từ trang web để đảm bảo rằng người dùng nhận được những kết quả chính xác và hữu ích. Giả sử như một thẩm định viên đang tiến hành tìm kiếm trên web về những hồ sơ ứng tuyển, nhưng họ lại nhận được những bài báo về thư xin việc thì họ sẽ ghi nhận và báo cáo vấn đề trên. Những thẩm định viên này cũng có thể xếp hạng các kết quả tìm kiếm để các nhà phát triển web có thể sửa đổi thành một chương trình cụ thể nhằm cải thiện trải nghiệm của người dùng.

CÁC BƯỚC ĐỂ VIẾT MỘT HỒ SƠ ỨNG TUYỂN CHUYÊN NGHIỆP

1. Chọn bố cục

Bước đầu tiên để viết một hồ sơ ứng tuyển chính là chọn bố cục. Bố cục của một bộ hồ sơ là cách mà bạn tổ chức các thông tin cho tài liệu của mình. Điều này đảm bảo tính dễ đọc và theo quy tắc, một điều giúp cho các nhà quản lý tuyển dụng dễ dàng phân tích khả năng của bạn. Ví dụ, bạn có thể sắp xếp các kinh nghiệm, trình độ học vấn và kỹ năng theo từng nhóm riêng biệt. Nhiều bố cục khác nhau có thể làm nổi bật trình độ của bạn theo nhiều cách khác nhau. Một số bố cục có thể cho thấy kinh nghiệm chuyên môn của bạn, trong khi các bố cục khác lại thể hiện ưu tiên hơn các kỹ năng của bạn.

Dưới đây là 3 bố cục phổ biến nhất mà bạn có thể chọn:

  • Trình tự thời gian: Bố cục này liệt kê những kinh nghiệm chuyên môn theo trình tự thời gian đảo ngược ở đầu hồ sơ xin việc của bạn. Nếu bạn đã có nhiều kinh nghiệm ở vị trí thẩm định viên công cụ tìm kiếm, thì bạn có thể chọn định dạng hồ sơ theo trình tự thời gian để làm nổi bật những khả năng đó.
  • Chức năng: Ở bố cục này, bạn liệt kê những kỹ năng và khả năng của mình ở đầu hồ sơ xin việc để nhấn mạnh rằng bạn có những phẩm chất cần có cho vị trí công việc này. Nếu như bạn là một “tân binh” và có những kỹ năng được học từ trường lớp hoặc các khóa đào tạo, bạn có thể chọn viết hồ sơ xin việc của mình theo hình thức này.
  • Kết hợp: Bố cục này kết hợp các khía cạnh từ cả hai bố cục trên để có thể làm nổi bật cả kinh nghiệm lẫn kỹ năng chuyên môn của bạn. Một định dạng hồ sơ xin việc kết hợp có thể là lựa chọn đúng đắn nếu bạn coi trọng cả kỹ năng và kinh nghiệm của mình.

2. Thêm thông tin liên lạc

Một hồ sơ xin việc chuyên nghiệp sẽ bắt đầu với việc liệt kê những thông tin liên lạc. Góc trên cùng của hồ sơ điền họ và tên, số điện thoại, địa chỉ email và thành phố của bạn. Nếu bạn có một portfolio, bạn cũng có thể thêm liên kết của nó vào bên dưới phần thông tin liên lạc. Phần thông tin liên lạc là cần thiết vì nó cung cấp cho nhà tuyển dụng cách mà họ liên lạc với bạn để có thể xếp lịch phỏng vấn hay hỏi thêm một vài câu hỏi.

3. Viết tóm tắt hoặc mục tiêu nghề nghiệp

Sau phần thông tin liên hệ, hãy cân nhắc việc viết một phần tóm tắt hay mục tiêu nghề nghiệp. Phần tóm tắt thường vào khoảng 1-2 câu để mô tả mục tiêu nghề nghiệp, cũng như lĩnh vực bạn mong muốn hay thể loại công việc mà bạn tìm kiếm. Bạn cũng có thể thảo luận về kỹ năng hay giá trị mà bạn có thể đem đến cho nhà tuyển dụng. Rất nhiều những chuyên gia mà họ không đòi hỏi kinh nghiệm làm việc ở bạn sẽ chọn viết một hồ sơ có phần tóm tắt, như thể họ coi trọng kỹ năng hơn là kinh nghiệm của bạn. Hoặc bạn có thể viết một vài dòng nói về mục tiêu nghề nghiệp nhấn mạnh về khả năng của bạn, chẳng hạn như kinh nghiệm chuyên môn. Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm hơn, thì viết mục tiêu nghề nghiệp sẽ có lợi hơn cho bạn.

4. Liệt kê các kỹ năng và khả năng của bạn

Phần kỹ năng và khả năng giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn về những chứng chỉ và năng lực của bạn. Cố gắng thể hiện cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, những kỹ năng có liên quan đến công việc mà giúp bạn phát triển được kỹ năng, làm việc hay học vấn và kỹ năng quản lý và tổ chức là những ví dụ cho kỹ năng mềm.

Khi bạn viết phần này, hãy cố gắng thêm từ khóa trực tiếp từ tin tuyển dụng. Những từ khoá đó là những kỹ năng hay khả năng mà nhà tuyển dụng liên tục lặp lại trong phần mô tả công việc để chỉ ra những phẩm chất mà họ đang tìm hiểu ở một ứng cử viên. Bao gồm cả những từ khoá có liên quan đến kỹ năng mà bạn nên làm nổi bật tính chuyên nghiệp và sự chuẩn bị kỹ càng của bạn cho công việc này. Dưới đây là một số kỹ năng mà bạn nên thêm vào hồ sơ xin việc của mình:

  • Kỹ năng tin học văn phòng
  • Kỹ năng lãnh đạo
  • Kỹ năng hợp tác
  • Nhập dữ liệu
  • Quản lý dự án
  • Tư duy phản biện

5. Kinh nghiệm làm việc

Sau phần kỹ năng, rất nhiều chuyên gia chọn cách liệt kê những kinh nghiệm chuyên môn mà họ có. Thông tin quan trọng cần phải có trong phần này chính là chức danh công việc ở vị trí trước đó hoặc hiện tại của bạn, nhà tuyển dụng và ngày mà bạn bắt đầu làm việc ở mỗi vị trí. Bạn có thể mô tả nhiệm vụ công việc mà bạn đã đảm nhận ở mỗi vị trí bằng cách sử dụng từ 3-5 gạch đầu dòng để giải thích cụ thể hơn về những gì bạn đã làm. Nó cũng có thể sẽ giúp ích cho bạn khi bao gồm số liệu thống kê hoặc con số để đánh giá thành tích của bạn. Việc bổ sung kinh nghiệm chuyên môn vào hồ sơ xin việc thể hiện bạn có đủ khả năng tương ứng với lĩnh vực mà bạn ứng tuyển, và điều đó chứng minh rằng bạn chính là một ứng cử viên sáng giá.

6. Trình độ học vấn

Phần trình độ học vấn là rất hữu ích vì nó giúp bạn nổi bật hơn với nhà tuyển dụng bằng việc bạn đã được đào tạo những kỹ năng liên quan đến lĩnh vực này. Cân nhắc việc liệt kê tên trường cao đẳng hay đại học mà bạn đã theo học, bằng cấp và chuyên ngành cũng như năm tốt nghiệp. Bạn có thể lặp lại bước này nếu bạn có nhiều bằng cấp. Ở phần này, bạn cũng có thể bao gồm thêm những khả năng khác của bạn thân, chẳng hạn như chứng chỉ, giấy phép hoặc giải thưởng.

7. Đọc và xem lại hồ sơ 

Sau khi bạn hoàn thành hồ sơ của mình, hãy đọc và xem lại liệu bạn đã cung cấp chính xác thông tin hay chưa để tránh những sai sót không đáng có. Hãy kiểm tra lỗi ngữ pháp, dấu câu hoặc chính tả. Ngoài ra, một điều quan trọng không kém là hãy đảm bảo mọi thông tin bạn đã cung cấp là chính xác, như tên, ngày hoặc chức danh công việc. Bạn có thể đọc to hồ sơ của mình để tìm những lỗi sai tiềm ẩn hay nhờ bạn bè hoặc người thân giúp bạn phân tích hồ sơ và đưa ra nhận xét. Việc có một hồ sơ mà không phạm bất cứ lỗi nào có thể giúp bạn nhấn mạnh tính chuyên nghiệp và niềm đam mê của bạn về lĩnh vực này.

TEMPLATE

Dưới đây là template mẫu cho bạn có thể dùng để tham khảo khi bạn cần viết một hồ sơ xin việc cho mình.

[Họ và tên] [Số điện thoại] [Địa chỉ email]

[Thành phố, quận]

1. Bản tóm tắt

[Viết từ 1-2 câu để tóm tắt bản thân, tóm tắt khả năng và trình độ học vấn bằng cách viết ngắn gọn về kinh nghiệm làm việc trước đây và các kỹ năng của bạn]

2. Kỹ năng

  • [Kỹ năng liên quan đến công việc mà bạn có]
  • [Kỹ năng liên quan đến công việc mà bạn có]
  • [Kỹ năng liên quan đến công việc mà bạn có]
  • [Kỹ năng liên quan đến công việc mà bạn có]
  • [Kỹ năng liên quan đến công việc mà bạn có]
  • [Kỹ năng liên quan đến công việc mà bạn có]

3. Kinh nghiệm [Chức danh công việc đã từng làm]

[Tên người tuyển dụng, thành phố, quận, ngày bắt đầu – kết thúc]

  • [Nhiệm vụ và bổn phận công việc bạn đã đảm nhận]
  • [Nhiệm vụ và bổn phận công việc bạn đã đảm nhận]
  • [Nhiệm vụ và bổn phận công việc bạn đã đảm nhận]
  • [Nhiệm vụ và bổn phận công việc bạn đã đảm nhận]
  • [Nhiệm vụ và bổn phận công việc bạn đã đảm nhận]

4. Trình độ học vấn [Tên bằng cấp]

[Tên trường, thành phố, quận, năm tốt nghiệp]

MẪU HỒ SƠ

Bạn có thể dùng mẫu hồ sơ này để tham khảo khi bạn cần viết một hồ sơ xin việc cho mình.

Eliza Perry, 324-555-9286, Perry@email.com

Peterson, MT

1. Tóm tắt

Tận tuỵ và có 3 năm kinh nghiệm trong việc phân tích kết quả tìm kiếm cho trình duyệt Montana. Tìm kiếm một vị trí lãnh đạo để quản lý các nhóm đánh giá và phát triển các dự án mới của công ty.

2. Kỹ năng

  • Quản lý dự án
  • Xây dựng nội dung
  • Kỹ năng máy tính nâng cao
  • Truyền thông
  • Tổ chức
  • Định hướng rõ ràng

3. Kinh nghiệm làm việc ở vị trí thẩm định viên công cụ tìm kiếm

Ace Intellectual Co., Oakleigh, MT, tháng 9/2018 – hiện tại

  • Phân tích dữ liệu chính xác và chất lượng
  • Phát triển nội dung web
  • Viết đánh giá, phản hồi cho các kết quả tìm kiếm
  • Xem xét và so sánh các kết quả đã được ghi nhận
  • Chủ trì các cuộc họp và phân tích các phát hiện

4. Trình độ học vấn: Cử nhân Khoa học Công nghệ thông tin

Đại học Franklin-Wright, Franklin, MT, tốt nghiệp tháng 5/2018

“MẸO” ĐỂ HỒ SƠ CỦA BẠN THÊM CHUYÊN NGHIỆP

Dưới đây là một số “mẹo” mà bạn có thể tham khảo để tăng tính chuyên nghiệp cho hồ sơ xin việc của mình

  • Đơn giản hoá: Một thực tế đối với các chuyên gia chính là giới hạn hồ sơ của họ trong 1 trang giấy để nhà quản lý tuyển dụng có thể dễ dàng xem qua. Cố gắng cô đọng hồ sơ của bạn trong 1 trang bằng cách chỉ nêu ra những thông tin cần thiết và có liên quan.
  • Chỉ liệt kê những kinh nghiệm gần đây: Khi viết phần kinh nghiệm làm việc, chỉ nên liệt kê các vai trò trong những công việc gần đây. Ví dụ, nếu bạn vừa mới tốt nghiệp đại học, hãy chỉ liệt kê những kinh nghiệm mà bạn có được trong khoảng thời gian bạn đi học.
  • Thỉnh thoảng hãy cập nhật hồ sơ của bạn: Cập nhật hồ sơ của mình thường xuyên là điều vô cùng cần thiết để bạn có thể liên lục thêm những thành tích mới hay kinh nghiệm chuyên môn mà bạn có và xoá đi những thông tin cũ không liên quan. Cân nhắc việc cập nhật hồ sơ của bạn khi bạn có thể thêm những thông tin mới hay khi bạn ứng tuyển vào các vị trí khác nhau.
  • Điều chỉnh tài liệu của bạn: Mặc dù bạn có thể dùng một hồ sơ để ứng tuyển cho nhiều vị trí công việc khác nhau trong cùng một ngành, thế nhưng hãy thử điều chỉnh hồ sơ xin việc theo từng vị trí công việc cụ thể. Hầu hết các mô tả công việc đều khác nhau, vì vậy sẽ rất hữu ích để sửa lại hồ sơ của bạn để đảm bảo tính phù hợp với từng vị trí tuyển dụng.

————————————————

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Bài viết gốc:

https://www.indeed.com/career-advice/resumes-cover-letters/search-engine-evaluator-resume

  • Người dịch: Lộ Minh Nguyệt
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lộ Minh Nguyệt – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=73235

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Tin công nghệ, điện thoại, máy tính, ô tô, phân khối lớn, xu hướng công nghệ cập nhật mới nhất
Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER