Những Câu Hỏi Ghi Điểm Trong Mắt Nhà Tuyển Dụng Giúp Bạn Xin Việc Thành Công

Nhận được cơ hội phỏng vấn là thành quả cao nhất của những nỗ lực của bạn trong cuộc hành trình tìm kiếm công việc. Vì vậy, hãy dành một chút thời gian để cảm thấy phấn khích! Viết một bản sơ yếu lý lịch và dành thời gian xem qua danh sách những công việc có thể ứng tuyển dường như chính nó cũng là một công việc rồi, vì vậy hãy dành một chút thời gian để ăn mừng chiến thắng.

Có thể bạn sẽ cảm thấy lo âu, đặc biệt nếu đây là công việc bạn luôn mong ngóng, nhưng cuộc phỏng vấn không hẳn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Bạn có thể ăn mặc chỉnh tề, bước đi với phong thái tự tin nhất, và hỏi nhà tuyển dụng những câu hỏi của riêng bạn.

Đúng là buổi phỏng vấn là một cơ hội để tổ chức đó hiểu rõ về ứng viên cho vị trí tuyển dụng hơn, nhưng đây cũng là cơ hội để bạn tỏa sáng và thu thập nhiều thông tin quý giá.

Phỏng vấn không phải là cuộc trò chuyện đến từ một phía. Đó là sự trao đổi thông tin đến từ hai phía. Điều đó có nghĩa là bạn nên chợp lấy cơ hội để không chỉ trả lời câu hỏi phỏng vấn một cách sáng suốt mà còn có thể hỏi những câu hỏi của riêng bạn.

Có một số câu hỏi cụ thể mà bạn có thể hỏi người phỏng vấn để giúp bạn xin việc thành công! Đây là cơ hộ của bạn để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng việc cho họ thấy rằng bạn đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào, đồng thời thu thập những thông tin cho riêng mình để có thể đưa ra một lựa chọn sáng suốt khi bạn được mời về làm việc.

Tại Sao Việc Hỏi Lại Là Một Phần Quan Trọng Của Quá Trình Phỏng Vấn?

Có vài lí do tại sao việc hỏi người phỏng vấn hoặc nhà tuyển dụng câu hỏi sẽ có ích cho bạn, ngoài mục đích là để thu thập thông tin. Dành thời gian để nghĩ ra những câu hỏi chi tiết và cụ thể cho thấy rằng bạn hứng thú với công việc mà bạn ứng tuyển. Chỉ bằng việc nghĩ ra một loạt các câu hỏi đã chứng minh rằng bạn bỏ công sức lớn so với những người chỉ đến buổi phỏng vấn và rời đi sớm nhất có thể.

Câu hỏi trong buổi phỏng vấn của bạn nên cho thấy rằng bạn đã tìm hiểu về công ty. Bạn sẽ muốn tránh những câu hỏi mà chỉ cần tra Google là ra, và thay vào đó hãy dành thời gian nghiên cứu kỹ hơn.

Khi nghiên cứu, hãy đảm bảo rằng bạn nghĩ ra những câu hỏi liên quan đến vị tri mà bạn ứng tuyển. Bạn có thể dùng bất cứ thứ gì bạn học được để tạo khung cho câu hỏi của mình hoặc trả lời những câu hỏi của họ một cách toàn diện hơn so với những người không chuẩn bị kỹ như bạn.

Ngoài việc cho thấy bạn hứng thú và có khả năng sử dụng các nguồn lực sẵn có, hỏi những câu hỏi đúng trong buổi phỏng vấn cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một người thông tuệ. Trí thông minh là một đặc điểm luôn được săn đón, dù cho bạn có ứng tuyển cho vị trí nào đi chăng nữa.

Câu hỏi mà bạn đặt ra cho người phỏng vấn của mình cho họ thấy cách bạn tư duy và chứng minh cho họ rằng bạn chủ động và suy nghĩ một cách độc lập. Trí thông minh, khả năng tận dụng các nguồn lực, và suy nghĩ một cách độc lập cho nhà tuyển dụng cơ hội để thấy được cách mà bạn sẽ áp dụng những mục tiêu của tổ chức vào những tình huống công việc thực tế.

Xét đến các nghiên cứu về trí thông minh ở nơi công sở, giáo sư Eugenio Proto của khoa Kinh tế Trường Đại học Bristol đã nói rằng:”Mọi người thường mặc định rằng những người tử tế, tận tâm và hào phóng chắc chắn sẽ có tinh thần hợp tác hơn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng trí thông minh là điều kiện quan trọng cho một xã hội gắn kết và hợp tác.

Một tấm lòng tốt và cư xử đúng mực cũng có tác động đó, nhưng nó chỉ là tạm thời và không đáng kể. Một lợi ích nữa của trí thông minh trong thí nghiệm của chúng tôi, và có lẽ là trong cả đời thực nữa, là khả năng xử lý thông tin nhanh hơn, từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm, và học hỏi từ những kinh nghiệm ấy. Điều này có thể được áp dụng vào trong môi trường công sở, nơi mà có khả năng cao những người thông minh hơn, người mà có khả năng nhìn thấy bức tranh tổng thể và làm việc trên tinh thần hợp tác, sẽ được thăng chức là nhận những phần thưởng về mặt tài chính xứng đáng.”

Hỏi câu hỏi trong buổi phỏng vấn không chỉ dừng lại ở việc gây ấn tượng với người hoặc những người đang phỏng vấn bạn. Bạn sẽ muốn hỏi những câu hỏi giúp bạn thu thập được thông tin, để bạn có thể chắc chắn rằng đây thực sự là công việc mà bạn đã nghĩ. Đây là cơ hội để bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt về cách mà bạn sẽ phù hợp với văn hóa của công ty.

Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ những gì mà nhà tuyển dụng mong muốn, cách mà họ nhìn nhận vai trò của bạn trong ngành, và thứ mà họ mong đợi ở bạn, việc này giúp bạn có được một công việc thực sự phù hợp với mình, và nó có thể giúp bạn tránh khỏi hàng tháng (hoặc có thể là hàng năm) bực tức và phải lặp đi lặp lại quá trình tìm kiếm công việc trong tương lai.

“Một chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công đó chính là sự tự tin vào bản thân. Một chìa khóa quan trọng giúp bạn tự tin vào bản thân là sự chuẩn bị kỹ càng” – Arthur Ashe

Nên Hỏi Những Câu Hỏi Nào?

Những câu hỏi về công ty sẽ giúp bạn hiểu rõ về sứ mệnh của tổ chức. Những câu hỏi này sẽ cho bạn cái nhìn rõ hơn về văn hóa công ty, và bạn cũng nên hỏi những câu hỏi liên quan đến những người mà bạn sẽ cùng làm việc.

Những câu hỏi mà bạn đưa ra phải cụ thể liên quan đến công việc mà bạn ứng tuyển. Bạn cũng sẽ muốn bày tỏ sự hứng thú với nhà tuyển dụng của mình và hỏi những câu hỏi cho thấy rằng bạn mong muốn được hiểu rõ hơn về họ.

Những câu hỏi của bạn cũng nên đặt vấn đề về việc đào tạo và cơ hội phát triển, và cách mà công ty đánh giá kết quả làm việc. Cuối cùng, hãy dành chút thời gian để hỏi về quy trình những bước bạn cần thực hiện sau buổi phỏng vấn đó.

Những Câu Hỏi Hay Để Hỏi Về Công Ty:
  1. Xét về tương lai của công ty, anh/chị hứng thú về mặt nào nhất?
  2. Tôi đã từng đọc về….. của công ty (hãy thêm vào một thứ gì đó cụ thể như nhà sáng lập, sứ mệnh, hoặc lịch sử phát triển) nhưng anh/chị có thể nói rõ cho tôi hơn về….. được không?
  3. Hiện tại công ty có đang nghiên cứu sản phẩm mới hoặc có kế hoạch mở rộng hoặc một dự án khác không?
Những Câu Hỏi Trực Tiếp Liên Quan Đến Văn Hóa Làm Việc:
  1. Nhân viên thường tham gia những hoạt động team-building hay những hoạt động nào khác, và tần suất ra sao?
  2. Có truyền thống văn phòng hay những câu chuyện hài hước nào mà tôi cần biết hay không?
  3. Anh/chị nghĩ điều gì khiến văn hóa của công ty mình khác với những tổ chức khác mà anh/chị đã từng làm việc?
Những Câu Hỏi Giúp Bạn Hiểu Hơn Về Cách Làm Việc:
  1. Những nhân viên ở đây đã làm việc cùng nhau được bao lâu rồi?
  2. Tôi sẽ phải báo cáo trực tiếp với ai?
  3. Anh/chị nghĩ điểm mạnh lớn nhất của mọi người ở trong công ty là gì, và cơ hội phát triển của nhân viên ở đây như thế nào?
Những Câu Hỏi Liên Quan Đến Công Việc:
  1. Một ngày làm việc ở vị trí của anh/chị diễn ra như thế nào?
  2. Thử thách lơn nhất mà người làm việc ở vị trí này sẽ phải đương đầu trong sáu tháng tới là gì?
  3. Anh/chị nghĩ phẩm chất quan trọng nhất mà một người làm việc ở vị trí này cần có để thành công là gì?
Hiểu Rõ Hơn Về Người Đang Phỏng Vấn Bạn:
  1. Điều gì ở công ty khiến anh/chị quyết định làm việc ở đây?
  2. Vị trí công việc của anh/chị đã thay đổi như thế nào kể từ khi anh/chị vào làm việc?
  3. Thành tựu hay đóng góp nào của anh/chị khiến anh/chị tự hào nhất?
Những Câu Hỏi Về Đào Tạo Và Phát Triển:
  1. Có những cơ hội thăng tiến hoặc phát triển nghề nghiệp nào mà công ty khuyến khích?
  2. Những người trước đây từng làm công việc này hiện tại họ đã thăng tiến như thế nào trong tổ chức?
  3. Quá trình đào tạo sẽ diễn ra trong bao lâu và phương pháp đào tạo nào sẽ được sử dụng?
Những Câu Hỏi Về Cách Đánh Giá Và Đo Lường Công Việc:
  1. Công ty có sử dụng quy trình đánh giá không? Tần suất tôi sẽ nhận đánh giá hay đóng góp từ cấp trên của tôi là như thế nào?
  2. Có những KPI hay tiêu chí nào được sử dụng để đánh giá công việc của tôi?
  3. Kết quả cụ thể nào mà công ty muốn ứng viên đạt được trong 30, 60 và 90 ngày sau khi nhận việc?
Những Câu Hỏi Về Tình Hình Hiện Tại:
  1. Có điều gì khác mà tôi có thể cung cấp hay không? (Và cho họ biết những gì bạn có, ví dụ như một số người tham khảo khác của bạn, hoặc thư giới thiệu.)
  2. Bước tiếp theo sau buổi phỏng vấn là gì?
  3. Anh/chị có câu hỏi gì thêm cho tôi không?

“Đừng e sợ bò ra khỏi cành cây. Đó chính là nơi có trái ngọt.” – H. Jackson Brown

Tất nhiên, bạn sẽ không muốn hỏi tất cả những câu hỏi này, vì sẽ tốn rất nhiều thời gian. Hãy điểm qua từng mục và chọn cái quan trọng nhất hoặc cái bạn hứng thú nhất. Hãy suy nghĩ xem câu trả lời của họ sẽ là gì, và ghi lại bất cứ thứ gì bạn cảm thấy nên tránh, hoặc thứ gì bạn muốn đào sâu hơn. Dành thời gian để nghĩ ra những câu hỏi tiếp theo dựa vào những câu trả lời của nhà tuyển dụng mà bạn đã dự đoán.

Chỉ cần nhớ rằng, đây không những là cơ hội để họ hiểu bạn hơn mà cũng là cơ hội để bạn chắc chắn rằng đây là nơi bạn muốn làm việc. Vòng phỏng vấn là một trong những giai đoạn của quá trình tìm việc mà bạn có nhiều khả năng để trở thành ứng viên hàng đầu.  Bạn có sự lựa chọn và họ cần phải thuyết phục bạn rằng công ty họ là nơi tốt nhất để bạn đến làm việc.

Hãy biết giá trị của bản thân, kỹ năng của bạn thân và điều gì khiến bạn khác biệt. Đừng e ngại để tỏa sáng và hãy hỏi những câu hỏi giúp bạn thu thập được những thông tin bạn cần và gây ấn tượng được với cấp trên tương lai của bạn.

________________________________________________________________

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Theo: everydaypower.com
  • Người dịch: Hoàng Thị Minh Hạnh
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Hoàng Thị Minh Hạnh – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=69652

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Tin công nghệ, điện thoại, máy tính, ô tô, phân khối lớn, xu hướng công nghệ cập nhật mới nhất
Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER