Tìm Hiểu Về Người Chăm Sóc
- Luôn ưu tiên giữ an toàn cho bệnh nhân và đảm bảo sức khỏe của họ lên hàng đầu
- Hỗ trợ bệnh nhân với các vấn đề chăm sóc cá nhân, như tắm, mặc quần áo, uống thuốc, ăn uống và gặp mặt bác sĩ
- Theo dõi tình trạng thuốc men của bệnh nhân, báo cáo bất cứ thay đổi nào trong sức khỏe của họ và thường xuyên cập nhật bảng sức khỏe
- Trao đổi với gia đình bệnh nhân và bác sĩ khi có bất cứ lo lắng nào về thuốc men hay tình trạng sức khỏe tâm lý của họ
Người chăm sóc có thể chọn cách để trau dồi kiến thức bằng cách nhận bằng cấp trong các ngành liên quan, bao gồm bằng y tá, bằng điều dưỡng được cấp phép (LPN) hay các dịch vụ y tế và nhân sinh. Một số nhà tuyển dụng và doanh nghiệp sẽ thích những các tấm bằng được cấp riêng để chuẩn bị cho người chăm sóc khi đối mặt với những thử thử thách thực tế. Một số loại hình bằng cấp khác có thể bao gồm cả chăm sóc bệnh nhân, nhân viên cấp cứu hoặc hỗ trợ y tế.
Những người chăm sóc không có bằng cấp vẫn có thể tham gia các khóa học về kỹ thuật cung cấp cho họ những kỹ năng cần có để trở thành một người chăm sóc thực thụ, bao gồm giao tiếp, ghi chép tài liệu, quan sát, chuẩn bị đồ ăn và tư vấn tâm lý. Tuy các các cơ hội học tập này là tự chọn, nhưng hầu hết các vị trí làm việc được đề nghị từ các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải được trải qua đào tạo từ các khóa học được tiểu bang thông qua trước khi người chăm sóc có thể làm việc mà không cần người giám sát.
Đào tạo
Các trợ lý làm việc cho các tổ chức được nhận ngân quỹ nhà nước phải hoàn thành khóa đào tạo chính thức. Đào tạo cho một người chăm sóc thường bao gồm làm việc dưới quyền một người chăm sóc có kinh nghiệm khác hoặc một chuyên gia chăm sóc sức khỏe và thực hiện nhiệm vụ dưới sự giám sát của họ cho tới khi có thể thoải mái tự mình hoàn thành công việc được giao. Những người đi trước với các kinh nghiệm liên quan có thể chia sẻ các kỹ năng của họ ví dụ như khả năng làm việc nhóm hiệu quả, kỹ năng giao tiếp tốt, sự nhiệt huyết và khả năng quản lý thời gian của họ với nhân viên mới.
Chứng chỉ
Người chăm sóc tập sự thường yêu cầu phải có Chứng chỉ Công nhận Hỗ Trợ Điều Dưỡng (CNA) ngoài việc trải qua quá trình đào tạo được nhà nước phê duyệt. Một số cơ quan có thể yêu cầu người chăm sóc phải có một số bằng cấp cụ thể, ví dụ như CPR, sơ cứu và bằng lái xe hợp lệ của bang.
Người chăm sóc có thể nhận thêm các chứng nhận để có thêm cả kiến thức thực hành lẫn lý thuyết chính xác về nghĩa vụ của họ, kiểm tra lại các kỹ năng và mở ra con đường thăng tiến trong sự nghiệp của họ. Một số chứng chỉ phổ biến mất cho công việc này bao gồm:
- Chứng chỉ Chứng nhận Điều hành viên chăm sóc Gia đình & Nhà an dưỡng (CHCE)
Được quản lý bởi Hiệp hội chăm sóc gia đình và nhà an dưỡng quốc gia (NAHC), chứng chỉ CHCE luôn sẵn sàng cho những nhà lãnh đạo đạt tiêu chuẩn trên lĩnh vực chăm sóc gia đình và nhà an dưỡng, bao gồm quản lý điều hành, cố vấn, các nhà khảo sát quy định và các hiệp hội chăm sóc tại nhà. Bài kiểm tra chứng chỉ bao gồm 223 câu hỏi xoay quanh các chủ đề như yêu cầu pháp lý, tuân thủ quy định, quản lý tài chính, marketing và xây dựng kế hoạch, nhân lực, đánh giá năng suất, đánh giá rủi ro, quan hệ công chúng, huấn luyện và giáo dục thường xuyên, đạo đức, chính sách và luật sư. Chứng chỉ hết hạn sau bốn năm.
- Chứng nhận Trợ lý Y tế Tại nhà (HHA)
Hiệp hội chăm sóc gia đình và nhà an dưỡng quốc gia (NAHC) cung cấp chứng chỉ này nhằm chứng minh năng lực thực hiện các thủ tục y tế cơ bản như quản lý thuốc men, băng bó vết thương, kiểm tra huyết áp và nhịp tim cùng các hoạt động liên quan khác chúng đều yêu cầu phải có một mức độ năng lực nhất định trong việc sử dụng các thiết bị y tế và thực hiện các thủ tục cần có. Chứng chỉ này sẽ hướng dẫn các cá nhân cách để ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh truyền nhiễm và hỗ trợ tinh thần cho các bệnh nhân. Để nhận được chứng chỉ này, thí sinh phải hoàn thành ít nhất 75 giờ đào tạo và vượt qua bài thi tự luận.
Kỹ năng
Người chăm sóc sẽ cần có một số kỹ năng cứng và mềm khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ của mình ở các nhà an dưỡng hay chăm sóc sức khỏe tại gia. Một số kỹ năng đó bao gồm:
- Tổ chức
Người chăm sóc cần biết nơi cất giữ vật tư y tế và các đồ vật cần thiết khác, chẳng hạn như lúc nào cũng phải biết chìa khóa xe và thuốc men ở đâu. Khả năng sắp xếp, tổ chức rất quan trọng đối với một người chăm sóc, nhất là khi xảy ra các trường hợp cần cấp cứu y tế.
- Quản lý thời gian
Người chăm sóc phải ưu tiên các nhiệm vụ của mình và chọn cách hiệu quả nhất để hoành thành các nhiệm vụ đó trong khoảng thời gian đã được phân bổ. Họ cũng cần phải sử dụng những kỹ năng này để tính toán thời gian hoàn thành nhiệm vụ sao cho phù hợp, đảm bảo rằng tất cả đều được hoàn thành khi hết ca làm việc.
- Giao tiếp
Người chăm sóc đặc biệt phải có kỹ năng viết và giao tiếp bằng lời nói. Bởi vì các khách hàng của họ có thể không thể tự mình giao tiếp, người chăm sóc sẽ thay mặt họ trao đổi trực tiếp với bác sĩ, y tá hay các chuyên gia y tế khác đồng thời người chăm sóc cũng cần phải trao đổi các hướng dẫn chăm sóc cần thiết và cập nhật cho gia đình người bệnh hay với những người chăm sóc khác.
- Thể lực
Người chăm sóc sức khỏe thường phải nâng các bệnh nhân, mang theo hàng hóa, dọn dẹp nhà cửa và thực hiện các hoạt động khác cần có sự dẻo dai và thể lực tốt. Những người chăm sóc thường đứng trong một thời gian gài, đôi khi gần như là cả ngày. Một mức độ thể lực bền bỉ nhất định rất cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng trong lúc đảm bảo sức khỏe của bệnh nhân.
- Chủ động
Thường xuyên phải làm việc ở nhà bệnh nhân một mình, người chăm sóc cần phải đưa ra các quyết định và hành động trong các tình huống gấp gáp.
- Kỹ thuật
Người chăm sóc cần phải thành thạo trong việc sử dụng các trang thiết bị y tế ví dụ như máy đo huyết áp và nhịp tim, bộ dụng cụ sơ cứu, dụng cụ hỗ trợ di chuyển ( xe lăn, nạng, gậy, khung tập đi), giường có điều khiển, các bộ phận giả hoặc dụng cụ chỉnh hình và các thiết bị kỹ thuật số để hoàn thành công việc của họ đúng cách.
Môi trường làm việc của người chăm sóc
Môi trường làm việc cố định của người chăm sóc rất đa dạng, có thể là nhà của khách hàng, cơ sở nhà an dưỡng và trung tâm cai nghiện với các tính chất chung như sau:
- Đi lại hay đứng trong vài giờ liên tục
- Sử dụng thành thạo các thiết bị y tế và thiết bị kỹ thuật số
- Trao đổi với những người chăm sóc khác, các chuyên gia y tế và gia đình của khách hàng
- Theo dõi nhịp tim, nhịp thở và huyết áp của khách hàng
Cách để trở thành một người chăm sóc
Dưới đây là các bước cơ bản nhất để trở thành một người chăm sóc có đủ năng lực sẵn sàng làm việc:
1. Lấy bằng tốt nghiệp trung học của bạn
Xem qua danh sách các công việc ở địa phương của bạn để biết trình độ học vấn cần có đối với vị trí mà bạn mong muốn. Nhập học và hoàn thành trình độ học vấn được quy định, nếu có. Tuy không bắt buộc, nhưng bạn vẫn có thể hoàn thành một số chứng chỉ liên quan tới nghề nghiệp mà bạn hướng tới để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường việc làm và gia tăng mức lương tiềm năng của bạn.
2. Tiếp thu kinh nghiệm làm việc
Bạn có thể tiếp thu kinh nghiệm làm việc qua quá trình tập huấn hay các vị trí hỗ trợ bán thời gian để học hỏi về trách nhiệm công việc của mình dưới sự giám sát của một y tá hay người chăm sóc đã có kinh nghiệm đi trước. Bạn thường có thể thực hiện vai trò này khi còn là học viên trong khi học lấy bằng cư nhân hay các chứng chỉ khác.
3. Nhận các chứng chỉ về kỹ thuật
Ngoài trình độ học vấn và kinh nghiệm, bạn có thể cân nhắc đăng ký các chứng chỉ về kỹ thuật như CPR, sơ cứu hay hỗ trợ y tế để chuẩn bị sẵn sàng cho những trách nhiệm thường nhật của một người chăm sóc.
4. Chuẩn bị hồ sơ của bạn
Bạn nên ghi trình độ học vấn cao nhất, các chứng chỉ liên quan và kinh nghiệm làm việc trong hồ sơ của mình. Phần mục về kinh nghiệm làm việc nên gồm có tên công ty, thời gian làm việc và tóm tắt công việc chính của bạn cũng như các đóng góp và thành tựu đã đạt được. Chia sẻ niềm tâm huyết muốn giúp đỡ mọi người của bạn cũng có thể giúp bạn tìm được công việc làm người chăm sóc mà bạn mong muốn.
5. Ứng tuyển hỗ trợ các chuyên gia chăm sóc
Một khi bạn đã nhận được bằng cấp hay chứng chỉ của mình, có đủ giấy chứng nhận và kinh nghiệm, hãy tham khảo thị trường làm việc ở địa phương hay các khu vực mong muốn khác. Ứng tuyển vào vị trí bạn cảm thấy đáp ứng đủ yêu cầu sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng yêu cầu kinh nghiệm và trình độ học vấn ở đó. Hiểu rõ các tố chất của mình sẽ giúp bạn tối ưu hóa tìm kiếm việc làm và khả năng bạn được được liên hệ phỏng vấn của bạn sẽ cao hơn. Hãy viết một lá thư ứng tuyển trong đó tóm tắt các các khả năng cho thấy bạn phù hợp với vị trí này.
Mẫu mô tả công việc tuyển người chăm sóc
Viện dưỡng lão KindCare hiện đang tìm kiếm một nhân viên chăm sóc giàu kinh nghiệm và lòng nhân ái, một người cam kết có thể đáp ứng đủ các yêu cầu về y tế, thể chất và tâm lý của bệnh nhân, giúp họ duy trì một đời sống chất lượng cao. Ứng viên tiềm năng đặc biệt phải có kỹ năng giao tiếp và có thể làm việc ngay lập tức mà không cần sự giám sát. Người chăm sóc của chúng tôi phải có đủ khả năng duy trì danh tiếng của chúng tôi đó là luôn tích cực và hiểu biết rộng khi họ chăm sóc khách hàng. Vị trí này yêu cầu luôn cẩn trọng, cảm thông và chuyên nghiệp để tạo điều kiện tương tác tích cực nhất với cư dân xung quanh cũng như các gia đình để đảm bảo sự hài lòng của họ.
————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
- Bài viết gốc: Indeed.com
- Tên người dịch: Nguyễn Thanh Hiền
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thanh Hiền – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=88614
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com