Nếu Bạn Bất An Và Sợ Bị Từ Chối Như Tôi…
Một cô gái bị những đứa trẻ hàng xóm trêu chọc vì kỳ lạ.
Một cô gái có bạn thân mở ra câu lạc bộ “Tôi ghét Shannon” vào năm lớp bốn.
Một cô gái luôn thấy bạn bè mình thông minh hơn, xinh đẹp hơn, ngầu hơn và dễ mến hơn.
Một cô gái đã tuyệt vọng để được chấp nhận.
Những vết thương đã ăn sâu này cần được thừa nhận để chữa lành.
Khi chúng ta cảm thấy bị tổn thương hoặc đau đớn, chúng ta có xu hướng đóng cửa trái tim mình, buôn chuyện, chuyển sang trạng thái tức giận hoặc bỏ chạy hơn là giải quyết sự khó chịu. Không có hành vi nào trong số này sẽ chữa lành vết thương tình cảm của chúng ta. Chúng chỉ là phương tiện tạm thời để giảm bớt cơn đau. Để phá vỡ những khuôn mẫu cũ kỹ, trước tiên chúng ta phải xác định được những cảm xúc này đến từ đâu.
Khi chúng ta cảm thấy bị từ chối
Hãy đối mặt với nó, mọi người có thể xấu tính. Bản thân chúng ta có thể xấu tính.
Điều đó có thể dẫn đến tổn thương và để lại sẹo nếu mãi bị bỏ mặc, bị từ chối hoặc khi nhận được những nhận xét hoặc hành vi gay gắt của người khác. Nhưng thường thì nó không mang tính cá nhân như chúng ta nghĩ. Thông thường, những người khác làm tổn thương chúng ta bởi vì chính họ đang bị tổn thương. Có lẽ nó thậm chí không cố ý và người kia không biết rằng họ đang tạo ra nỗi đau.
Khi nhìn bên sâu vào bề mặt của sự từ chối, cuối cùng chúng ta phát hiện ra cảm giác sợ hãi và bị bỏ rơi. Nhưng chúng ta có thể chọn thay đổi cách chúng ta nghĩ về việc bị từ chối, ví như, chúng ta cảm thấy thế nào.
Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát những gì người khác nghĩ, nói hoặc làm, thế nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách chúng ta tiếp nhận và cảm nhận. Chúng ta có thể chọn xem chúng ta có cho phép nhận xét của người khác xác định ta là ai hoặc ta cảm thấy như thế nào về bản thân.
Có một số tình huống mà hành động rời bỏ là điều nên làm. Nhưng không phải vì sợ hãi, dè bỉu hay bênh vực, mà là buông xuôi và chấp nhận.
Chúng ta có thể chuyển hướng năng lượng của mình đến mọi người với sự tích cực đơn cử như các mối quan hệ yêu thương lẫn nhau và các tình huống mà chúng ta đối xử với nhau bằng sự tử tế, hỗ trợ và khuyến khích, động viên. Ở đó, thay vì xé nát nhau (hoặc chính chúng ta), chúng ta nâng nhau lên thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Có vô số tình huống có thể tạo ra cảm giác không xứng đáng, nhưng tôi muốn tập trung vào hai tình huống cụ thể đặc biệt khó khăn đối với tôi.
Khi một mối quan hệ kết thúc
Cho dù chúng ta có quyết định rời đi hay không, chúng ta thường có cảm giác mất mát sâu sắc khi một mối quan hệ kết thúc. Những cảm giác mất mát này có thể xuất hiện lại bất cứ lúc nào sau khi chúng ta nghĩ rằng mình đã bước tiếp, đặc biệt là khi chúng ta chứng kiến bản thân bị người khác thế chỗ, mối quan hệ mà đã từng khiến ta cảm thấy đặc biệt, có giá trị và được yêu mến.
Tôi đã trải qua điều này khi chứng kiến bạn gái mới của người yêu cũ chuyển đến ngôi nhà đã từng là của tôi. Tôi cảm giác bản thân như đồ vật, có thể thay thế được. Ngay cả khi tôi nhận thức được mối quan hệ không tốt cho tôi và không còn là điều tôi mong muốn cho tương lai của mình, thì việc chứng kiến một người nào đó bước tiếp có thể mang đến sự đau buồn và bất an.
Thay vì đắm chìm trong những cảm giác này, chúng ta có thể chọn cách chúc phúc cho đối phương. Hạnh phúc vì họ đã tìm thấy tình yêu và sự thoải mái ở một người khác. Hạnh phúc với khả năng tự chữa lành và tiến lên trong cuộc sống của họ.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng khi chúng ta không tìm thấy cảm giác được yêu thương hoặc sự thoải mái ở người khác, chúng ta chưa hàn gắn và không tiến về phía trước trong cuộc sống của chính mình. Điều khó khăn hơn nữa là chúng ta thường từ chối bản thân khi chúng ta cảm thấy bị người mình yêu từ chối. Thuốc giải độc? Tập trung vào việc tìm kiếm tình yêu và sự thoải mái trong bản thân để củng cố rằng chúng ta vẫn xứng đáng được yêu thương và chúng ta không đáng hoặc cảm thấy bị từ chối — bởi bất kỳ ai, kể cả chính chúng ta.
Khi chúng ta so sánh mình với người khác
Ghen tị là một loại cảm xúc hủy hoại và có thể được kích hoạt bởi một bình luận phiến diện, một cái liếc nhìn hoặc một bài đăng trên mạng xã hội.
Chúng ta rất vui và mãn nguyện trong giây phút này, ngay sau đó người yêu cũ của chúng ta cập nhật trạng thái Facebook của họ thành “đang trong một mối quan hệ” hoặc chúng ta thấy một bài đăng từ một người có vẻ đang làm tốt hơn trong cuộc sống và chúng ta bị đưa vào một vòng xoáy đi xuống liên quan đến việc theo dõi hồ sơ, so sánh bản thân với người khác, tức giận, đặt câu hỏi về quyết định của chúng ta, cảm giác hối tiếc, vân vân.
Để vượt qua con quái vật vô hình này, chúng ta phải ngừng so sánh mình với người khác và trân trọng sự độc nhất của riêng mình như một món quà tạo hóa ban tặng.
Thông thường, mong muốn trở thành một ai đó đặc biệt sẽ thúc đẩy các hành vi và lối suy nghĩ không lành mạnh. Hãy xem xét điều này: Bạn đã là người đặc biệt. Bạn đã và đang đủ tốt rồi. Bạn không cần phải thay đổi hoặc làm bất cứ điều gì khác biệt. Bạn có thể ngừng cố gắng trở nên đủ tốt và cho phép bản thân được như vậy.
Khi tôi vừa trải qua sự xung đột trong một số mối quan hệ giữa cá nhân, tôi đã nói chuyện với mẹ và tôi nói với mẹ trong cảm giác thất bại, “Con thực sự đã cố gắng rất nhiều để trở thành một người tốt.”
Mẹ nói với tôi, “Vậy thì thôi đừng cố nữa. Con đã là một người tốt. Con không cần phải cố gắng, đó là bản chất con người của con.”
Sự thật là, không ai đến trước bạn hoặc sẽ đến sau bạn với những phẩm chất chính xác của bạn. Bạn không cần phải chứng tỏ bản thân với bất kỳ ai khác hoặc với chính mình. Thực tế là bạn thậm chí còn tồn tại đã là một điều kỳ diệu. Đó là một món quà. Hãy cho phép bạn là ai tỏa sáng và cho phép người khác tỏa sáng mà không có bất an, ghen tị hay sợ hãi. Quà tặng thực sự của chúng ta sẽ được bộc lộ khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta là mỗi người hoàn hảo như chính chúng ta của hiện tại.
Đã đến lúc viết một câu chuyện mới
Những câu chuyện cũ thời thơ ấu, những lời lẽ căm thù trên sân chơi hay sự từ chối của người khác, chúng không còn phù hợp nữa. Và chúng chưa bao giờ phù hợp. Thật không may, chúng ta đã cho phép chúng có ý gì đó về ta và chúng ta cũng cho phép chúng ở lại thật lâu trong tâm trí. Khi trưởng thành, chúng ta có khả năng và nhận thức để nhìn thấu và phá vỡ những khuôn mẫu cũ này.
Chỉ cần nhận ra những câu chuyện cũ của chúng ta là một bước đầu tiên tuyệt vời. Bước tiếp theo là tạo những câu chuyện mới phù hợp hơn với con người chúng ta muốn trở thành và cách chúng ta muốn cảm nhận. Và bước cuối cùng là hỗ trợ những câu chuyện mới đó bằng nhận thức và diễn giải.
Thay vì coi việc chia tay hoặc sa thải là bằng chứng về sự không xứng đáng của chúng ta, chúng ta có thể tự nhủ rằng có điều gì đó tốt hơn ở ngoài kia đang chờ đợi — và chúng ta xứng đáng với điều đó. Thay vì mong đợi mọi người từ chối, chúng tôi có thể tập trung vào tất cả những lý do mà ta nếu họ không chấp nhận, đó là thiệt hại của họ.
Chúng ta cũng có thể giúp bản thân khắc sâu những câu chuyện mới này bằng cách vât quanh bản thân với những người ủng hộ, coi trọng và khuyến khích ta.
Khi tôi tiếp tục con đường chữa bệnh của riêng mình, tôi rất biết ơn một người bạn trai, mạng lưới bạn bè và gia đình luôn ủng hộ một cách đáng kinh ngạc (bao gồm cả chị gái tôi, người đã trở thành bạn thân nhất của tôi trong nhiều năm), cũng như một chú chó con đã dạy tôi ý nghĩa của tình yêu thương vô điều kiện hàng ngày. (Tôi thực sự khuyên bạn nên nuôi một chú chó để chữa lành vết thương tình cảm). Ngay cả khi tôi rút lui hoặc rơi vào khuôn mẫu cũ, tôi vẫn tiếp tục được bao quanh bởi những người chấp nhận tôi, thử thách tôi, nâng đỡ tôi và truyền cảm hứng để tôi trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Ước mơ mới của tôi diễn ra như thế này: Tôi đến lớp để dạy yoga và các học viên đến lớp đã trong trạng thái sẵn sàng tập luyện. Họ gắn bó và hào hứng khi được ở đó, và tôi cũng vậy, tôi không còn bất an và sợ hãi bị từ chối hay lạc lõng trong lớp học. Trong giấc mơ mới này, tôi cho đi tất cả những gì tôi có và cho phép những chất riêng của tôi tỏa sáng. Khi làm điều này, tôi cho phép những người khác làm điều tương tự.
Chúng tôi là tác giả của câu chuyện của chính mình. Câu chuyện mà chúng ta có thể sống cuộc sống với phiên bản tốt nhất. Chúng ta có thể viết lại câu chuyện của mình nếu nó không còn phù hợp khi ta tiếp tục phát triển và phát triển trên con đường của mình. Câu chuyện của bạn sẽ nói gì về bạn?
———————————————————————-
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Nguồn: tinybuddha.com
- Người dịch: Chu Anh Trà
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Chu Anh Trà – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=84157
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com