Làm Thế Nào Để Buông Bỏ Nhu Cầu Kiểm Soát Con Người Và Cuộc Sống?
Tôi đã ở trong những mối quan hệ không lành mạnh bởi vì tôi nghĩ rằng tôi không thể làm tốt hơn được nữa và tôi trói buộc mình trong tư tưởng đó, dẫn đến việc kiểm soát bắt đầu hoạt động từ đó — như thể chỉ có việc kiểm soát được mọi thứ mới khiến tôi hạnh phúc.
Tôi đã bị mắc kẹt trong lối mòn của sự quen thuộc, làm những điều tương tự ngày này qua ngày khác vì nó có thể dự đoán được (nói cách khác có thể thể kiểm soát được), thậm chí nó cũng có thể khó dự đoán/kiểm soát.
Nhưng tôi cũng đã mở lòng đón nhận một mối quan hệ hạnh phúc, sau khi rời xa một người đã từng lừa dối tôi cho lần đầu tiên, thay vì chờ đợi người ấy rời bỏ tôi.
Và tôi đã mở ra cho mình những khả năng mới — tôi đã tham gia các lớp học diễn xuất, viết kịch bản với một người cố vấn điện ảnh và thử sức với một lĩnh vực kinh doanh mới mà tôi hoàn toàn không biết gì về nó.
Tôi biết cảm giác khi kiểm soát chặt chẽ cuộc sống sẽ như thế nào, và tôi cũng biết sự tự do của sự buông bỏ. Ngay cả khi tôi làm điều đó không nhất quán và không hoàn hảo. Tôi là một người không hoàn hảo và tôi đoán bạn cũng vậy.
Vì vậy, những người theo chủ nghĩa cầu toàn nhưng không hoàn hảo của tôi ơi, những người muốn kiểm soát ít hơn và tận hưởng nhiều hơn, điều này là dành cho bạn:
Làm thế nào để Buông bỏ Nhu cầu Kiểm soát Con người và Cuộc sống?
1. Tự kiểm kê để đánh giá thói quen kiểm soát của bạn
Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi biết quá rõ các dấu hiệu của nhu cầu kiểm soát con người và cuộc sống. Có bao nhiêu dấu hiệu trong các dấu hiệu dưới đây nghe có vẻ quen thuộc với bạn?
- Bạn lớn lên trong một môi trường không thể đoán trước/không an toàn và học cách kiểm soát môi trường xung quanh và những người khác như một phương tiện để bảo vệ bản thân.
- Bạn là người cầu toàn và cảm thấy lo lắng khi mọi thứ không như ý.
- Khi mọi thứ không diễn ra như bạn nghĩ, bạn tự chỉ trích bản thân thậm tệ vì bạn tin rằng đó hoàn toàn là lỗi của bạn.
- Bạn luôn cần có kế hoạch để mọi thứ diễn ra một cách suôn sẻ theo những gì bạn đã sắp xếp và bạn cảm thấy căng thẳng khi không biết điều gì sẽ xảy ra vào lúc nào.
- Bạn thường xuyên tưởng tượng ra các tình huống xấu nhất và bỏ rất nhiều công sức và sức lực để tránh chúng.
- Bạn có những kỳ vọng và tiêu chuẩn cao đối với bản thân và những người khác, và dễ dàng cảm thấy thất vọng.
- Bạn tin vào câu ngạn ngữ cổ “nếu bạn muốn làm điều gì đó đúng đắn, hãy tự mình làm” và cảm thấy không thoải mái khi giao cho người khác làm điều gì đó quan trọng đối với bạn.
- Bạn muốn làm mọi việc một cách độc lập thay vì làm nhóm, vì chỉ có bạn mới có thể kiểm soát nỗ lực của chính mình.
- Bạn tin rằng bạn biết điều gì tốt nhất — cho bạn và có thể cho cả những người khác.
- Bạn kiểm soát mọi thứ của người khác và cố gắng khiến họ làm theo lời khuyên của bạn (thường là không được yêu cầu).
- Bạn tin rằng bạn cần phải làm cho mọi thứ xảy ra hoặc không có gì sẽ xảy ra với bạn.
- Bạn có một định nghĩa rất cứng nhắc về ý nghĩa của việc mọi thứ “diễn ra tốt đẹp”.
- Bạn muốn thể hiện “một hình ảnh cụ thể” với thế giới, nhưng lại khiến bản thân căng thẳng khi phải cố gắng đảm bảo rằng đó là cách người khác nhìn nhận về bạn.
- Bạn đang căng thẳng và khó thư giãn vì bạn thường xuyên tìm kiếm ‘đám cháy’ _ (những rắc rối/những thứ có nguy cơ gây khó khăn cho bạn) để dập tắt _ (giải quyết) và để đảm bảo không có điều gì xấu xảy ra.
- Những người khác nói rằng họ cảm thấy ngột ngạt khi ở xung quanh bạn, giống như họ phải làm mọi thứ hết sức cẩn trọng, chờ đợi những lời chỉ trích hoặc một cuộc tấn công của bạn vậy.
2. Xác định thành quả của hành vi kiểm soát của bạn
Chúng ta sẽ không làm bất cứ điều gì trừ khi có cảm giác thành tựu. Thành quả lớn nhất đối với tôi là ảo tưởng về sự an toàn.
Trong quá khứ, có nhiều lúc, người ta làm tổn thương tôi, tôi cảm thấy bất lực và mất kiểm soát. Kiểm soát cuộc sống của mình là cách tôi cố gắng đảm bảo không một ai và không điều gì có thể làm tổn thương tôi một lần nữa.
Kiểm soát cũng cho phép tôi cảm thấy thoải mái hơn với những điều chưa biết — bởi vì kiểm soát không đáng sợ bằng nếu tôi có thể biến những điều chưa biết thành những gì tôi nghĩ.
Cuối cùng, kiểm soát cho phép tôi tránh những cảm giác mà tôi không muốn cảm thấy.
Nếu tôi có thể kiểm soát cảm xúc của người yêu tôi, thì tôi sẽ không phải cảm thấy khó chịu khi tiếp nhận tình cảm của anh ấy, như tôi thường làm với tư cách là một người thấu cảm. Và tôi không phải cảm thấy tội lỗi vì đã gây ra chúng, như tôi thường cho rằng tôi đã làm không đúng cách.
Nếu tôi có thể kiểm soát những nhận định của người khác về mình, tôi sẽ không cảm thấy lo sợ về việc mình không đủ tốt, hoặc đau đớn khi nhớ lại tuổi thơ xấu hổ của chính mình, khi tôi thường xuyên bị gọi là “một con điếm vô giá trị”.
Nếu tôi có thể kiểm soát kết quả của những nỗ lực của mình, tôi sẽ không phải cảm thấy bất an về bất kỳ thiếu sót nào có thể dẫn đến thất bại hoặc mâu thuẫn về việc liệu tôi có lựa chọn “đúng” hay không.
3. Xác định hậu quả tiêu cực của hành vi kiểm soát của bạn
Bên cạnh những thành quả trên thì cũng có những hậu quả tiêu cực.
Cố gắng kiểm soát cuộc sống và những người khác có thể làm tổn thương chúng ta…
-
Về mặt thể chất
Chúng ta có thể thấy các biểu hiện của chứng lo âu như đau đầu, khó thở, tim đập nhanh và thậm chí cảm thấy cơ thể căng thẳng liên tục (vai, hàm hay toàn bộ cơ thể chúng ta giống như bị một bàn tay to lớn nào đó siết chặt và chúng ta đang cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi sự trói buộc này). Hơn nữa, chúng ta có thể khó ngủ, vì khi chuẩn bị ngủ, chúng ta thường căng thẳng về những gì ta không thể kiểm soát và lo lắng về tất cả những điều tồi tệ có thể xảy ra.
-
Về mặt tình cảm
Mặc dù kiểm soát có thể cho phép chúng ta tránh một số cảm xúc, nhưng nó cũng gây ra căng thẳng và thất vọng (khi chúng ta chống lại thực tế), tức giận, phẫn nộ và thất vọng (khi chúng ta cố gắng ép buộc người khác phải đáp ứng ý muốn của mình), có thể xấu hổ và tự ghê tởm (khi chúng ta tự cho rằng bản thân đã không kiểm soát được những thứ mà ta tin rằng lẽ ra chúng ta có thể kiểm soát).
-
Về mặt tinh thần
Khi chúng ta chú ý vào những suy nghĩ méo mó (mà tôi sẽ trình bày ngay sau đây), chúng ta có thể bị lo lắng và cuối cùng chìm vào trầm cảm.
-
Về mặt xã hội
Khi những người khác cảm thấy bị đánh giá, bị thao túng, bị hạn chế hoặc trong trường hợp xấu nhất là bị lạm dụng, họ có thể xa lánh chúng ta vì sự lành mạnh và tự do của chính họ.
-
Về tính chuyên nghiệp
Khi chúng ta cố gắng kiểm soát đồng nghiệp hoặc cộng sự hoặc những người làm việc cùng ta và kết quả của nỗ lực nhóm, chúng ta có thể làm cho đồng nghiệp xa lánh hoặc bỏ lỡ cơ hội vì mọi người không muốn làm việc cùng với chúng ta nữa.
4. Nhận biết những suy nghĩ, nỗi sợ hãi và niềm tin thúc đẩy thói quen kiểm soát của bạn
Tôi đã từng nói rằng tôi là một kẻ thích kiểm soát, như thể đó chỉ là một phần bản chất của tôi, nhưng kiểm soát không phải là con người của tôi, và tôi không được sinh ra theo cách đó. Đó là một hành vi có thể học được và là thứ mà tôi hướng đến để đáp lại những suy nghĩ nhất định (lệch lạc về nhận thức, như đã đề cập ở trên), nỗi sợ hãi và niềm tin.
Dưới đây là một số sai lệch về nhận thức thường xảy ra trước hành vi kiểm soát của tôi mà bạn có thể nghe quen thuộc:
- Filtering (Bộ lọc tư duy) _ chỉ thấy hay nghĩ về những cái tiêu cực hoặc tích cực tùy theo khuynh hướng và thiên vị tư duy: trong một tình huống nào đó, chỉ nhìn thấy tiêu cực và cố gắng kiểm soát để chống lại nó. Ví dụ, bạn có thể chỉ thấy tiêu cực trong công việc của mình và kết quả là tạo ra rất nhiều căng thẳng xung quanh quá trình tìm kiếm việc làm của bạn.
- Black-and-white/all-or-nothing thinking (Tư duy Nhị Nguyên hay còn gọi lối suy nghĩ “Đen trắng rạch ròi”/ “Được ăn cả hoặc ngã về không”) – lối suy nghĩ hay cách nhìn sự việc theo hướng tuyệt đối: nghĩ rằng điều gì đó phải làm theo cách này, nếu không mọi thứ sẽ sụp đổ.
- Overgeneralization (Suy rộng thái quá): hình thành một kết luận tiêu cực dựa trên một vài bằng chứng nào đó; mong đợi điều gì đó tồi tệ xảy ra lặp đi lặp lại vì nó đã xảy ra một lần, sau đó kiểm soát nhằm tránh điều tồi tệ đó.
- Catastrophizing (Thảm họa hóa/Phóng đại): phóng đại tình huống hiện tại của bạn một cách tiêu cực, mong đợi thảm họa ập đến và cố gắng kiểm soát tương lai để tránh nó. Đây là chuyên môn của tôi! “ÔI KHÔNG! Doanh số bán hàng đang giảm. Chúng ta sẽ mất tất cả! Tôi phải xoay chuyển tình thế NGAY BÂY GIỜ! ”
- Control fallacies (Các ngụy biện về khả năng kiểm soát): nghĩ rằng chúng ta có nhiều quyền kiểm soát hơn chúng ta; ví dụ, nghĩ rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về nỗi đau và hạnh phúc của người khác, và nếu họ buồn, thì có nghĩa là chúng ta đã làm sai điều gì đó — chúng ta cần thay đổi hoặc sửa chữa điều gì đó để kiểm soát cảm xúc của người khác
- Shoulds (Phải thế này/Phải thế kia): nghĩ rằng chúng ta biết mọi người phải cư xử như thế nào, kể cả bản thân mình.
- Fallacy of change (Ngụy biện về sự thay đổi): nghĩ rằng chúng ta sẽ hạnh phúc nếu người khác thay đổi và gây áp lực cho họ.
Dưới đây là một số nỗi sợ hãi thường thúc đẩy hành vi kiểm soát:
- Nếu X không xảy ra, mọi thứ sẽ sụp đổ, hoặc mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn bây giờ.
- Nếu họ không làm những gì tôi nghĩ họ nên làm, họ sẽ bị tổn thương (hoặc tổn thương nặng hơn bây giờ).
- Nếu tôi không thể làm điều này xảy ra, tôi sẽ bị thương.
- Nếu mọi thứ không diễn ra như tôi tưởng, tôi sẽ bị bỏ rơi hoặc bị từ chối.
- Nếu tôi không thể kiểm soát được tương lai, tôi có thể sẽ không thể xoay sở.
Và cuối cùng, đây là một số niềm tin thường thúc đẩy hành vi kiểm soát:
- Tôi biết điều gì tốt nhất, cho bản thân và những người khác.
- Mọi người sẽ tốt hơn khi họ cho phép tôi can thiệp hoặc kiểm soát.
- Người khác không thể được tin tưởng để làm điều đúng đắn hoặc đưa ra quyết định tốt cho mình.
- Tôi kiểm soát 100% sự thành công hay thất bại của mình.
- Mọi thứ phải đi đúng kế hoạch nếu không sẽ có những điều tồi tệ xảy ra.
5. Thực hành tự nhận thức và thách thức suy nghĩ, niềm tin và nỗi sợ hãi của bạn
Mục tiêu: nắm bắt được chính mình khi chúng ta đang kiểm soát và nhận ra những suy nghĩ, nỗi sợ hãi và niềm tin đang thúc đẩy chúng ta — và điều này đang tác động tiêu cực đến chúng ta và những người xung quanh như thế nào. Tuy nhiên từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết điều đó khó khăn như thế nào để nắm bắt được chính mình trong một khoảnh khắc, nhận ra hành vi của bản thân và đưa ra một lựa chọn khác.
Vì vậy, bây giờ, hãy thực hành bằng cách nghĩ về khoảng thời gian gần đây khi bạn cố gắng kiểm soát một tình huống hoặc ai đó và cố gắng xác định những suy nghĩ, nỗi sợ hãi và niềm tin đang thúc đẩy bạn.
Đây là một ví dụ từ kinh nghiệm gần đây của chính tôi: Tôi hiện đang chờ đợi để chuyển đến một ngôi nhà và nó đã không sẵn có để ở như tôi nghĩ vì người thuê hiện tại đang ở lâu hơn dự kiến.
Tôi đã nhiều lần cố gắng thúc đẩy mọi thứ xảy ra sớm hơn có thể vì tôi đang mang thai; và tôi lo lắng về việc “làm tổ” (việc dọn vào nhà mới ở) vì tôi muốn con tôi làm quen với môi trường mới trước khi anh trai của nó đến, và cũng để tìm một vị bác sĩ mới cho tôi gần nơi ở mới này.
Tôi biết mình đã bị lôi kéo vào lối suy nghĩ “đen trắng rạch ròi” và phóng đại, tự nhủ rằng: “Chúng ta phải vào nhà mới thật sớm nếu không tôi không thể tìm được bác sĩ phù hợp, hoặc có thể tôi phải sinh con trong một ngôi nhà tạm thời nào đó, hoặc tình trạng thiếu ngủ của con trai tôi có thể trở nên tồi tệ hơn vì anh ấy vẫn chưa được ở trong phòng riêng của mình… ”
Tôi biết tôi sợ tình cảm sẽ kiệt quệ nếu chúng tôi ở trong tình trạng lấp lửng lâu hơn nữa (trớ trêu thay, vì tôi đã cạn kiệt cảm xúc với sự lo lắng và kiểm soát!)
Và tôi cũng biết tôi đã hành động dựa trên niềm tin sai lầm rằng tôi biết điều gì tốt nhất – rằng chúng tôi sẽ đạt được điều đó càng sớm càng tốt – và không có gì khác là thỏa đáng.
Và kết quả là tôi đang khiến bản thân căng thẳng và lo lắng, đồng thời cũng khiến người yêu của tôi căng thẳng, anh ấy chỉ có thể làm được như vậy.
Thách thức những suy nghĩ, nỗi sợ hãi và niềm tin này là chìa khóa để bạn buông bỏ. Và điều đó trông như thế này:
– Chúng tôi không phải làm gì cả. Luôn có nhiều lựa chọn có sẵn và chấp nhận đây là chìa khóa để tìm ra chúng.
– Ngay cả khi chúng tôi không chuyển đến sau khi tôi sinh con, mọi thứ sẽ ổn, bởi vì chúng tôi sẽ được đáp ứng mọi nhu cầu của mình, tất cả chúng tôi sẽ có nhau và chúng tôi đủ mạnh mẽ để xử lý một tình huống bất ngờ nào đó hoặc bất cứ tình huống nào.
-Có lẽ tôi không biết điều gì là tốt nhất. Có lẽ chúng tôi sẽ thích những kế hoạch tạm thời. Có thể điều gì đó tuyệt vời sẽ xảy ra chỉ vì sự thay đổi kế hoạch. Đơn giản là tôi không biết, nên cứ an nhiên mà buông tay.
Thực tế là tôi cần phải thử thách những suy nghĩ và niềm tin này nhiều lần vì chúng thường xuất hiện. Buông tay đối với tôi không phải là lựa chọn một lần. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm. Trong khoảnh khắc đó, tôi ngừng thúc giục. Tôi ngừng căng thẳng. Tôi ngừng gây căng thẳng cho những người xung quanh tôi. Và tôi thực sự tạo ra một khả năng nào đó hiện diện ở thời điểm hiện tại, nơi có nhiều điều đúng hơn là sai, và còn rất nhiều điều để tận hưởng nếu tôi sẵn sàng nhận ra điều đó.
Có ai đó hoặc điều gì đó mà bạn đang cố gắng kiểm soát không? Điều gì đằng sau nó? Bạn đang nghĩ gì, bạn sợ hãi điều gì, bạn đang nuôi dưỡng niềm tin nào? Bạn sẽ làm gì khác nếu bạn nghĩ khác? Và điều gì sẽ thay đổi xung quanh bạn nếu bạn thực hiện thay đổi này bên trong bạn — và hành động theo nó?
———————————————————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Nguồn: tinybuddha.com
- Người dịch: Đặng Ngọc Yến Duy
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Đặng Ngọc Yến Duy – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=80802
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com