Bạn Đang Cảm Thấy Tổn Thương Trong Mối Quan Hệ? Cách Để Đạt Được Những Mong Muốn Và Trở Nên Gần Gũi Hơn
Hãy biến sự xa cách thành thân mật
Hãy để tôi đưa bạn trở lại khoảnh khắc này… Tôi khó chịu, nằm trên giường bên cạnh người ấy của tôi. Buổi tối hôm đó, chúng tôi đã tham dự một bữa tiệc sinh nhật, và người yêu cũ của bạn trai tôi đã ở đó. Thật lòng mà nói, tôi đã cảm thấy ghen tị. Nhìn lại, tôi không có lý do thực sự để ghen, nhưng đó là bản chất bẩm sinh của ghen tuông – nó không bao giờ là lý trí, mà là tình cảm. Theo bản năng, tôi xử lý tình huống như tôi thường làm khi cảm thấy ghen tị, kém cỏi hoặc bị đe dọa. Tôi im lặng, cáu kỉnh và lạnh lùng, và im lặng với anh ta. “Có chuyện gì vậy?” bạn trai của tôi đã hỏi và đây có lẽ đã là lần thứ một trăm vào buổi tối hôm đó. (Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống mà người yêu của bạn hỏi bạn cùng một câu hỏi lặp đi lặp lại và bạn lặp đi lặp lại cùng một câu trả lời, và vẫn thầm ước rằng anh ấy sẽ đọc được suy nghĩ của bạn?) “Không có gì đâu,” tôi đáp với một giọng lạnh lùng, và quay lưng lại với anh ta. Đó là lúc tôi bắt đầu tự hỏi bản thân điều gì đang thực sự xảy ra. Điều tôi nhận ra là: Về cốt lõi, tôi không thực sự tức giận, khó chịu hay cáu kỉnh. Tôi đã bị tổn thương và sợ hãi. Tôi cảm thấy bị vạch trần và bị từ chối.Vì vậy, tôi đã đưa ra một lựa chọn mới. Tôi nói với anh chuyện gì đang thực sự diễn ra: tôi cảm thấy không đủ xinh, không đủ đáng yêu, sợ rằng anh ấy sẽ chọn người khác và rời bỏ tôi. Và tin tôi đi, thật vô cùng đáng sợ khi bị tổn thương và vạch trần bản thân như vậy. Tôi đã bước ra ngoài vùng an toàn của mình, nhưng nó thực sự đáng giá.
Khi tôi cản đảm dám nói thật từ trái tim mình, tôi đã nhận được những gì tôi cần: tình yêu, sự kết nối và sự xác nhận. Sự thay đổi này mà tôi thực hiện trong cuộc xung đột đã thay đổi mọi thứ và khiến chúng tôi, với tư cách là một cặp đôi, trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Nó đã mở ra cánh cửa cho một cấp độ giao tiếp và sự thân mật mới.
Ngày nay, thay vì đổ lỗi cho nhau, chúng ta nên cố gắng chịu trách nhiệm về những suy nghĩ, hành động và cảm xúc của chính mình. Hãy luôn thành thật, ngay cả khi những cơn mưa cảm xúc tiêu cực cố gắng chia cắt chúng ta và cố gây ra những xung đột một cách tuyệt vọng.
Giả sử bạn đang có một mối quan hệ lành mạnh với một người không bao giờ cố ý làm tổn thương bạn, bạn cũng có thể biến xung đột thành sự thân thiết sâu sắc hơn và không chỉ cảm thấy gần gũi hơn với họ mà còn có thể thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của bạn. Đây là các bước mà tôi làm theo để biến những tình huống gây tổn thương thành sự thân mật:
1. Dừng lại và để ý cảm xúc của bạn
Bước đầu tiên là nhận thức về cảm xúc của bạn. Hãy dừng lại và xem bản thân liệu đang cảm thấy bị tổn thương, tức giận, thất vọng, ghen tuông, cáu kỉnh, cô đơn,… Đừng đổ lỗi cho bản thân khi có những cảm xúc đó. Nhận thức về chúng là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình này.
Đối với tôi, đó là cảm giác ghen tuông, bực bội, tức giận và chia ly tràn ngập trong tôi.
2. Tự hỏi bản thân về câu chuyện của tình huống đang diễn ra
Bạn đang có những suy nghĩ và niềm tin như thế nào? Sẽ rất hữu ích nếu bạn tự viết ra câu chuyện của mình. Câu chuyện trong đầu bạn sẽ tạo ra cảm xúc trong cơ thể bạn, và do đó, điều quan trọng là bạn phải nhận thức được câu chuyện cụ thể của mình.
Trong trường hợp của tôi, câu chuyện như sau: “Bạn trai tôi vẫn còn tình cảm với người yêu cũ. Anh ấy xấu tính và không tôn trọng tôi. Tôi không muốn gần gũi anh ấy. Tôi muốn trừng phạt anh ta và làm cho anh ta đau khổ. Ngoài ra, tôi biết rằng, tôi không thể tin tưởng mọi người, họ luôn bỏ đi và làm tổn thương tôi ”.
3. Xem xét kỹ lưỡng câu chuyện của bạn
Những câu chuyện mà chúng ta mường tượng trong tâm trí của mình thường bị ảnh hưởng bởi những kỷ niệm và kinh nghiệm trong quá khứ. Và chúng có xu hướng kích hoạt cảm xúc mạnh, khiến chúng ta bị che mắt; chúng ta không có khả năng hành động hoặc suy nghĩ một cách có lý trí.
Vì vậy, điều chúng ta cần làm là xem xét kỹ lưỡng và tự vấn câu chuyện của mình. Điều này có thực sự đúng? Tôi có biết chắc chắn rằng nó là như vậy không? Phỏng đoán, giả định, và dự đoán, và thực tế là gì?
Trong trường hợp của tôi, tôi có rất ít dữ kiện. Bạn trai tôi chưa bỏ tôi, cũng chưa nói hay làm gì ám chỉ rằng anh ấy còn tình cảm với người yêu cũ. Khi tôi xem xét kỹ lưỡng câu chuyện tiêu cực và tồi tệ của mình, tôi nhận ra rằng có rất ít bằng chứng để chứng minh điều đó.
4. Xác định nguyên nhân gốc rễ
Hãy tự hỏi bản thân xem vấn đề thực sự là gì. Điều gì bạn không muốn nhìn thấy hoặc cảm thấy cần được nhìn thấy hay cảm nhận?
Trong trường hợp của tôi, nguyên nhân sâu xa là tôi cảm thấy không đủ xinh đẹp, không đủ đáng yêu và sợ rằng anh ấy sẽ chọn người khác và rời bỏ tôi.
Điều này có thể sẽ khó khăn, nhưng hãy dành cho bản thân một chút tình yêu và sự tín nhiệm vì đã đủ dũng cảm để thừa nhận cái bóng của bạn. Điều quan trọng là phải tử tế với bản thân, bởi vì giai đoạn này có thể sẽ có sự tổn thương. Hãy tin tưởng ở tôi, phần thưởng của việc làm như vậy là vô cùng lớn!
5. Thổ lộ mong muốn thực sự của bạn
Khi bạn đã biết nguyên nhân thực sự, hãy tự hỏi bản thân: “Những mong muốn mà bạn không được đáp ứng ngay bây giờ là gì?” Điều đó có phải là được yêu không? Là cảm thấy kết nối? Là cảm thấy đặc biệt và quan trọng? Là cảm thấy an toàn? Là cho biết trái tim bạn đang trải qua điều gì?
Ngoài ra, hãy tách biệt mong muốn xuất phát từ nỗi sợ hãi và mong muốn xuất phát từ tình yêu.
Theo bản năng, tôi sẽ trả lời rằng tôi cần không gian và thời gian ở một mình để suy nghĩ và nghiền ngẫm. Điều đó nghe có vẻ hợp lý và đúng đắn, nhưng đó chỉ là bản ngã của tôi cố gắng tránh đối mặt với vấn đề thực sự và sự đau đớn. Điều đó chỉ làm tăng thêm khoảng cách và sự xa cách giữa tôi và người yêu của mình. Để giúp bạn định hướng và tìm ra mong muốn thực sự, hãy tự hỏi bản thân, “Mong muốn này dựa trên tình yêu hay nỗi sợ hãi?”
Đối với tôi, mong muốn thực sự là tình yêu và sự kết nối. Tôi cần cảm nhận được tình yêu và sự hiện diện của bạn trai mình. Điều tôi khao khát vô cùng là một cái ôm từ anh ấy. Một cái ôm chân thành khiến tôi cảm thấy an toàn và được nhìn thấu. Một cái ôm yêu thương cuối cùng đã khiến tôi cảm thấy được yêu thương, có ý nghĩa. và đặc biệt.
6. Dám thể hiện sự tổn thương với người kia
“Dễ bị tổn thương không phải là vấn đề thắng thua; đó là sự can đảm để được nhìn thấu khi chúng ta không kiểm soát được kết quả. Dễ bị tổn thương không phải là điểm yếu; đó là thước đo lòng dũng cảm lớn nhất của chúng ta. “ ~ Brené Brown
Nếu đây là người mà bạn thực sự mong muốn gắn bó trong cuộc đời, bạn thích hoặc yêu họ rất nhiều, thì bạn phải chấp nhận rủi ro dễ bị tổn thương. Bạn phải cởi mở và nói với đối phương những gì bạn thực sự cảm thấy. Nhưng hãy thực sự dành thời gian và suy ngẫm về điều này. Không phải ai cũng xứng đáng với sự tổn thương của bạn.
Tôi biết rằng điều này có thể rất đáng sợ. Lần đầu tiên tôi làm điều này, tôi đã lắp bắp và không thể nhìn thẳng vào mắt bạn trai của mình. Tôi đã cảm thấy rất sợ hãi. Nhưng dù sao thì tôi cũng đã làm được. Và phần thưởng rất xứng đáng.
Vì vậy, hãy hít thở sâu và nói thật lòng mình, nói cho người khác biết bạn đang trải qua tình huống như thế nào và dám bày tỏ (những) mong muốn thực sự của bạn.
7. Chịu trách nhiệm và làm chủ suy nghĩ, cảm xúc của bạn
Hãy xem tình huống như một cơ hội để thừa nhận những gì bạn cần phải nỗ lực trong cuộc sống. Hãy xem đó là cơ hội để bạn gần gũi hơn với bản thân và những người xung quanh. Quan trọng nhất, đừng mong đợi người khác thay đổi bạn.
Về phía tôi, tôi nhận ra rằng mình đã gặp khó khăn trong việc yêu chính bản thân mình. Nhưng đó không phải là vấn đề mà bạn trai của tôi cần thay đổi. Cuối cùng thì, tôi cũng phải tìm cách để yêu bản thân mình, dù có tình yêu của anh ấy hay không.
Lần tới, nếu bạn rơi vào tình huống mà bạn cảm thấy bị tổn thương, hãy dừng lại và suy ngẫm. Hãy thực hiện các bước nêu trên để chuyển sự xa cách thành thân thiết với những người bạn yêu thương.
Và hãy nhớ yêu thương và tử tế với bản thân trong khi bạn làm điều đó. Không ai là hoàn hảo, và bạn đã thể hiện sự dũng cảm bằng cách nhìn tình hình từ một góc độ mới. Vì vậy, hãy luôn tò mò và từ bi đối với bản thân và những người khác. Bạn hiểu rồi đấy!
———————————————————————-
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Nguồn: tinybuddha.com
- Người dịch: Phạm Thanh Thủy
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Phạm Thanh Thủy – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=78810
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com