Làm Cách Nào Để Có Thể Sống Trong Thực Tại Và Bình Tâm Khi Bạn Không Thể Ngừng Suy Nghĩ

“Thay vì chìm trong những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, hãy nhận thức về điều đó’’ – Eckhart Tolle

Lần đầu tiên bắt đầu với bộ môn Thiền (hay được hiểu như một cách tĩnh tâm ở thực tại), tôi từng tin rằng tôi có thể rũ bỏ hoàn toàn mọi suy nghĩ. Dọn giường, không suy nghĩ. Rửa tay, không suy nghĩ. Đi dạo, không suy nghĩ. Hình dung những trải nghiệm từ tâm hồn!

Nhưng điều đó không giống với những gì tôi nghĩ.

Thực tế thì, tâm trí tôi luôn vận hành hết công suất. Bất kể tôi làm gì, sẽ có hàng tỷ những suy nghĩ nảy ra trong đầu và cản trở tôi không có nổi một giây phút bình tâm nào. Và tôi hét với bản thân mình rằng. ”Thôi được, đủ rồi. Mau biến ra khỏi đầu đi! Đừng có nghĩ nữa!’’

Trong cơn hoảng loạn, tôi nghĩ về tất cả những khái niệm mình đã học được. “Giờ tôi sẽ dùng kỹ thuật nào nhỉ?’’, tôi tự nghẫm, “Một Thiền sư sẽ làm gì lúc này? Tôi phải làm gì đó để giữ tâm trí mình yên tĩnh…”

Càng ép buộc bản thân, tâm trí tôi lại càng thêm hỗn loạn. Tôi cố gắng rất nhiều, chỉ là không thể làm được. Thực sự thì nó chỉ khiến mọi thứ trở nên tệ hơn. Những suy nghĩ và đối thoại nội tâm bên trong tôi thậm chí càng thêm hoang dại. Tôi cảm thấy thật thất vọng và tức giận về bản thân.

Trong suốt những năm đầu tập luyện Thiền định, tôi chưa bao giờ cảm thấy thanh thản. Thậm chí ở ngưỡng rất gần cũng chưa. Nhưng tôi không từ bỏ nó.

Khi tôi tìm hiểu thêm về tâm linh, cuối cùng tôi đã tìm ra câu trả lời. Tôi đã quá chán nản với việc giết chết những suy nghĩ của mình. Tôi bị ám ảnh bởi chúng, mặc dù chúng là những thứ mà tôi đang cố gắng loại bỏ. Ngay sau khi tôi nhận ra điều đó, cuối cùng tôi đã buông tay, và bây giờ tôi cảm thấy tự do.

Đây là những gì tôi đã học được và cách bạn có thể làm theo

1. Hãy hiểu rằng giữ tâm trí yên tĩnh là điều không thể

Có suy nghĩ mới đúng là con người. Điều đó có nghĩa là trí não của bạn khỏe mạnh và hoạt động tốt. Chúng ta không cần phải xóa bỏ những suy nghĩ của mình. Tại sao vậy?

Giống như mắt chúng ta nhìn, tai chúng ta nghe, mũi chúng ta ngửi, cơ thể chúng ta cảm nhận, thì tâm trí chúng ta suy nghĩ. Nếu bạn muốn loại bỏ một chức năng , bạn sẽ phải phá hủy cơ quan tương ứng. Thông điệp để lại ở đây rất đơn giản: Không một ai có tâm trí nhưng lại không có suy nghĩ, trừ phi người đó đã chết.

Khi tôi cố gắng dừng tâm trí của mình lại, thực sự tôi đã làm điều không thể. Giống như việc tôi không thể làm cho đôi mắt không nhìn thấy và đôi tai không nghe được gì, không có cách nào khiến đầu óc thôi suy nghĩ lại được.

2. Đừng phán xét bản thân

Tâm tĩnh không có nghĩa là tâm vô nghĩ. Nói cách khác, đó là quyết định bạn sẽ đưa ra để nắm bắt từng cảm xúc và suy nghĩ của mình

Điều trớ trêu là: Khi bạn ôm lấy tất cả những suy nghĩ trong lòng mà không một lời phán xét, cho dù chúng có gây khó chịu đến đâu. tâm trí bạn sẽ bình tĩnh trở lại.

Vậy nên, đừng chống lại những suy nghĩ của chính mình. Đừng hạ gục bản thân vì suy nghĩ quá nhiều. Nếu làm vậy, bạn đang tạo cho mình những căng thẳng và lo lắng không cần thiết. Suy nghĩ là chức năng cốt lõi trong tâm trí, và bạn sẽ nghe thấy những cuộc đối thoại trong tâm thức cho dù muốn hay không.

Nếu bạn cố gắng chiến đấu với nó, thì bạn đang chống lại điều không thể tránh khỏi. Bạn càng đấu tranh với suy nghĩ của mình, bạn càng khuếch đại chúng thêm. Không phán xét là chìa khóa của sự tĩnh lặng. Hãy cảm thấy ổn với bất kỳ suy nghĩ nào bạn có, thì sự bình yên thực sự bên trong sẽ đến một cách tự nhiên mà thôi.

3. Tách việc phân tích ra khỏi hành động

Tôi thích đi leo núi. Khi tôi đặt chân đến chân núi, tôi không hề nghĩ về điều gì. Thứ tôi duy nhất tập trung là những bước chân đã dẫn lối tôi đến đích. Trên từng dấu chân tôi đi, mỗi khoảnh khắc trôi qua tôi lại chiêm ngưỡng cảnh vật và thưởng thức hương vị của đất trời. Quả là một cách tuyệt vời để tĩnh tâm.

Lý do tôi có thể làm được điều này là vì tôi hiểu nơi mình thực sự muốn đi, đến bằng cách nào và mục đích cho chuyến đi đã chuẩn bị trước đó của mình. Bằng cách này, tôi gột sạch tâm trí mình ra khỏi mọi suy nghĩ phân tích — về quá khứ và tương lai — và tôi có thể tiến vào thực tại dễ dàng hơn.

Bất cứ khi nào bạn phân tích, bạn sẽ luôn nghĩ về quá khứ và tương lai. Điều này sẽ lấy đi của bạn vẻ đẹp ở thời khắc hiện tại.

Tất nhiên, những thử thách và những điều bất ngờ sẽ xảy ra. Nhưng khi bạn đối phó với chúng khi đã xác định được mục đích, suy nghĩ của bạn sẽ ở trong hiện tại thay vì suy nghĩ trước sau, lo lắng và khiến bản thân căng thẳng không mong muốn.

Tách suy nghĩ phân tích ra khỏi hành động. Lên kế hoạch trước. Biết chính xác những gì cần làm trước khi bạn bắt đầu. Có mục đích rõ ràng và các bước xác định điều bạn sẽ thực hiện.

4. Tập trung vào những gì bạn đang làm

Bạn có thiền không?

Khi bạn thiền, bạn cần tập trung. Đó có thể là hơi thở của bạn hoặc một câu thần chú. Điều này ngăn giữ tâm trí của bạn bay thơ thẩn. Giống như lời của Đức Phật, tâm trí của bạn như một con khỉ đang nhảy múa. Nó luôn tìm mọi cách để thoát khỏi thực tại. Mặt khác, sự tâp trung cũng giống như một cái cây sồi trồng ở chính bản thân bạn hiện tại.

Để ngăn khỉ chạy mất, bạn buộc một sợi dây chun vào giữa hai con. Bất cứ khi nào con khỉ đi quá xa, sợi dây sẽ kéo nó trở lại thân cây.

Làm thế nào để làm điều này trong cuộc sống hàng ngày của mình? Không giống như thiền, những công việc thường ngày của chúng ta là theo thói quen. Chẳng hạn như việc sử dụng phòng tắm, tắm vòi sen, ăn uống và đi lại đều rất khó tập trung.

Điều này là do não của bạn tự động hóa các nhiệm vụ này để tiết kiệm năng lượng. Đây không phải là một điều xấu, nhưng bây giờ tâm trí của bạn đã được giải phóng, nó bắt đầu lảm nhảm một cách vô nghĩa. Nó bắt đầu lang thang vô định cả trong quá khứ lẫn tương lai.

May mắn thay, bạn có thể sử dụng các thủ thuật này để tăng sự tập trung và sống trong thực tại:

  • Tự nhắc nhở bản thân về hành động hiện tại của bạn.
  • Sử dụng cách tự nói chuyện để hướng sự tập trung của bạn trở lại thời điểm hiện tại. Ví dụ, khi rửa tay, hãy lặp lại trong đầu, “Tôi đang rửa tay. Tôi đang rửa tay. Tôi đang rửa tay. ”
  • Tập trung vào các giác quan của bạn.
  • Hướng sự chú ý của bạn trở lại cơ thể và ra khỏi đầu. Ví dụ, khi đang tắm, hãy quan sát cách nước chảy xuống bề mặt da của bạn. Hít mùi thơm của xà phòng. Tận hưởng sự ấm áp. Lắng nghe âm thanh của nước chảy.
  • Làm những việc khác biệt.
  • Làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Một kỹ thuật truyền thống mà tất cả các Thiền sư sử dụng là làm mọi thứ thật chậm. Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng không phải vậy. Bạn sẽ trải qua khoảng thời gian khó khăn để làm mọi việc theo cách mà bạn muốn. Kết quả là, bạn buộc phải hành động một cách có ý thức thay vì hành động theo quán tính.

5. Tập trung trở lại bất cứ khi nào bạn lang thang ra khỏi tâm trí

Hãy quay lại hình ảnh ví von giữa cây sồi và con khỉ.

Khi bắt đầu luyện tập, khả năng tập trung của bạn có thể còn yếu. Thay vì một cây sồi, nó sẽ giống như một mầm cây; và một con khỉ có thể dễ dàng nhổ nó đi.

Nhưng đừng bỏ cuộc. Hãy trồng một cái cây khác. Đưa ý thức của bạn về lại sự tập trung bất cứ khi nào tâm trí bạn rời xa nó.

Đúng là, cái cây có thể cũng sẽ bị bật gốc. Nhưng mỗi cái cây bạn trồng sẽ có rễ sâu hơn, thân của nó cũng chắc hơn lúc trước. Tương tự như vậy, sự tập trung của bạn trở nên mạnh mẽ hơn mỗi khi bạn quay lại thời điểm hiện tại.

Có nghĩa rằng, sự náo nhiệt trong tâm trí thực sự là một điều tốt. Đây là cơ hội để bạn có nhận thức và củng cố sự tĩnh tâm của mình.

Thực tại là sự lựa chọn đơn giản

Nhiều khả năng, tất cả những điều đó sẽ gây khó khăn cho bạn lúc này. Mọi khái niệm, kỹ thuật và cách giảng dạy bạn được học đang khiến mọi thứ phức tạp hóa đến mức chúng không còn giúp ích gì cho bạn. Tệ hơn nữa, chúng còn khiến bạn căng thẳng hơn.

Nếu bạn thực sự muốn bình tâm, bạn phải vứt bỏ tất cả những khái niệm này đi, ít nhất là tại thời điểm bây giờ. Thay vào đó, hãy bắt đầu biến mọi thứ trong cuộc sống của bạn đi vào thực tiễn. Học cách không đánh giá bản thân. Học cách ổn định với bất cứ điều gì xảy ra và thư giãn.

Lần đầu, bạn có thể không làm được, nhưng rồi nó sẽ đến. Và khi điều đó xảy ra, bạn sẽ cảm nhận một cú nhấp chuột trong não của mình. Nhìn bề ngoài bạn vẫn sẽ là bạn. Nhưng ở bên trong bạn sẽ tràn ngập sự bình yên.

Đây không phải là vì bạn đã làm cho tâm trí mình tĩnh lặng. Không phải vì bạn đã xua tan mọi suy nghĩ tiêu cực của mình. Không phải vì bạn đã thành thạo rất nhiều kỹ thuật.

Đó là bởi vì bạn cảm thấy ổn với tất cả mọi thứ. Bạn cảm thấy ổn với những suy nghĩ tiêu cực. Bạn cảm thấy ổn với tâm trí hỗn loạn. Bạn cảm thấy ổn với việc gián đoạn và mất tập trung. Và khi bạn thấy ổn với bất cứ điều gì xảy ra, bạn sẽ không còn bám víu vào chúng nữa. Nói cách khác, bạn đang học cách buông tay.

Cho đến lúc đó? Hãy thay đổi cách bạn nhìn nhận suy nghĩ của mình và thay đổi cách bạn đối phó với chúng. Tất cả những gì cần làm là một chút cam kết và thực hành. Đây chính là bước đầu tiên của bạn. Một lựa chọn đơn giản.

Và chẳng bao lâu nữa, bạn sẽ nhận lấy sự bình yên bên trong mà bạn hằng mơ ước.

———————————————————————

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Nguồn: tinybuddha.com
  • Người dịch: Lê Quỳnh Anh
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Quỳnh Anh – Nguồn iVolunteer Vietnam’’

 

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=85215

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Latest breaking 24h news around the world Internet Explorer Channel Network


Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER