Sự Trầm Cảm Của Tôi Đến Từ Đâu Và Làm Cách Nào Để Tôi Vượt Qua Nó?

“Cách mà bạn làm một việc là cách mà bạn làm mọi thứ” – Vô danh

Một buổi chiều, trong một khoảnh khắc mà tâm trạng đang tụt dốc, tôi bước ra khỏi bồn tắm. Khi đang nhanh chóng với lấy một thứ gì đó trên bồn rửa, tôi va phải chiếc ly thủy tinh trên kệ, làm nó vỡ tung tóe trên sàn nhà.

Thông thường, một người khi vô tình làm vỡ đồ đạc của mình sẽ trở nên căng thẳng, thất vọng hay buồn bã. Họ thậm chí có thể cảm thấy kích động bởi tâm trạng vốn đã tồi tệ của mình. Nhưng vào khoảnh khắc ly thủy tinh bị vỡ, tôi cảm thấy thật sự nhẹ nhõm ngay lập tức.

Đó là một món đồ cũ mà tôi mua ở cửa hàng tiết kiệm, và những hình ảnh trên ly đã bị nhòe đi hết. Trong thâm tâm mình, tôi muốn bỏ tất cả các ly thủy tinh đi, và việc chiếc ly bị vỡ này như một lời xác nhận chắc chắn rằng đã đến lúc tôi phải buông bỏ.

Trong khoảnh khắc nhẹ nhõm không ngờ tới đó, tôi nhận ra lý do tôi giữ những chiếc ly vì một nghĩa vụ kỳ lạ mà bản thân tự đặt ra và nỗi sợ hãi rằng mình sẽ không có tiền để thay thế những thứ mà mình vứt bỏ.

Tôi ngạc nhiên trước suy nghĩ mới lạ này trong tâm trí của mình mà trước đây tôi không hề nhận ra, và tự hỏi: “Tôi còn giữ chiếc ly này làm gì nữa? Còn có bao nhiêu thứ trong cuộc đời tôi là những gánh nặng khó thấy mà tôi vẫn cứ chịu đựng vì một cảm giác nghĩa vụ mơ hồ nào đó? Liệu việc cứ chịu đựng, cứ mang theo những hồi ức của quá khứ có khiến tôi trở thành một người tốt hơn hay không?”

Đột nhiên, tôi nhận ra điều mà tôi đã học được gần đây từ một người cố vấn của mình về trầm cảm: Chúng ta phải ngừng ngay hành động bám víu vào những con người, những nơi và những thứ đã không còn đem lại cho mình niềm vui như ban đầu. Và quan trọng hơn, là phải buông bỏ những thứ vốn sẽ không bao giờ mang lại niềm vui cho mình, cho dù chúng ta nghĩ rằng nó sẽ mang lại.

Bài học giá trị này đã bị đánh giá quá thấp. Chúng ta phải loại bỏ những điều thừa thãi trong cuộc sống này, cho dù nó khiến chúng ta đau khổ. Cho dù đó là một mối quan hệ độc hại, một công việc mà bạn cảm thấy không được tôn trọng, một thói quen gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, hoặc thậm chí chỉ là vài món đồ mà bạn không còn cần dùng nữa trong nhà và đang chiếm quá nhiều chỗ.

Đó là sự cố chấp bướng bỉnh của chúng ta, cảm giác sợ hãi khi buông bỏ, điều đó luôn giữ chúng ta tại chỗ ngày qua ngày. Trong những trường hợp này, chúng ta đang chờ đợi những điều không thể. Chúng ta đợi một điều kỳ diệu sẽ tự đến mà chúng ta không cần phải làm gì cả.

Dù cho bản thân ở trong tâm trạng tồi tệ, nhưng tôi đã cảm thấy biết ơn chiếc ly bị vỡ vì bài học của nó. Tôi đã chợt nhận ra rằng bản thân mình luôn là người cố chấp bám víu – người luôn mắc kẹt với những con người, với nơi chốn, với những thứ vốn đã không còn thuộc về mình nữa.

Và quả như câu nói: “Cách mà bạn làm một việc là cách mà bạn làm mọi thứ”. Chiếc ly thủy tinh mà vốn không còn cần thiết với tôi nữa chính là dấu hiệu cho thấy tôi là người luôn giữ lại mọi thứ. Tôi cứ giữ mọi thứ cho đến khi cuộc sống khắc nghiệt tước đoạt chúng khỏi bàn tay của tôi.

Tôi thường bám víu vào những điều đó vì nỗi sợ của bản thân. Tôi sợ cảm giác bị bỏ lại, nên tôi tự tạo cho mình một thói quen thỏa hiệp. Và như tất cả chúng ta đều biết, thỏa hiệp không phải là cách mà chúng ta thực sự sống, hay hưởng thụ cuộc sống.

Khi chúng ta thỏa hiệp, phần mong muốn phát triển trong con người ta sẽ bị từ chối. Chúng ta vô thức tự nhủ với mình rằng nó không xứng đáng – mình không xứng đáng với điều đó.

Thói quen thỏa hiệp đã cuốn tôi vào những ràng buộc mà tôi thậm chí còn không thể đếm được – một công việc lương thấp hơn những gì đã cống hiến, một mối quan hệ không phù hợp, những chuỗi ngày nhàm chán, và những đêm không ngủ vì suy nghĩ rằng bản thân nên làm gì. Tại sao những điều tốt đẹp hơn không đến với tôi?

Câu trả lời rất đơn giản, bởi vì tôi đã không lựa chọn những điều tốt đẹp hơn. Đúng hơn, là tôi không biết cách.

Khi chúng ta không hiểu chính mình, ta không hiểu bản thân mình cần gì và muốn gì. Và khi chúng ta tự nghi ngờ bản thân mình liệu có xứng đáng, hay liệu có đủ khả năng với một điều gì đó, ta đang tự ngăn cách mình với những điều tốt đẹp khiến ta hạnh phúc. Và đây chính là khi trầm cảm, kiệt sức, căng thẳng và thơ ơ lên ngôi.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này? Và nếu bạn đã thấy mình bị mắc kẹt ở đây, bạn phải làm thế nào để vượt qua?

1. Đánh giá lại mọi thứ

Có những thứ, dù cho bạn có cố gắng như thế nào đi chăng nữa, cũng không thể thay đổi? Vậy đây là lúc mà bạn nên đưa ra quyết định. Hãy để điều đó đi qua đi, hoặc đưa ra một quyết định nào đó để có thể cảm thấy tốt hơn.

2. Tìm kiếm hy vọng

Cảm thấy vô vọng là một trong những biểu hiện của trầm cảm. Vấn đề là, con người ta thường tự thuyết phục bản thân tin vào những niềm tin viển vông (ví dụ như một mối quan hệ đã không còn có thể cứu vãn). Thay vì cứ bám víu vào những điều đó, hãy buông bỏ chúng và tìm kiếm những điều mới thực sự có thể là niềm hy vọng cho bạn.

Từ bỏ vốn không phải là một điều dễ dàng, đặc biệt là từ bỏ những mối quan hệ, và hơn hết là khi bạn nghĩ rằng không có một mối quan hệ nào khác tốt hơn cho bạn. Hãy tự hỏi bản thân mình rằng: “Tại sao mình lại nghĩ rằng đây là điều tốt nhất mà mình có thể làm hay xứng đáng nhận được?” và “Mình cần phải làm gì để có thể từ bỏ những thứ không tốt cho mình và mở lòng cho những thứ tốt đẹp hơn?”

3. Thay đổi

Khi chúng ta cứ dậm chân tại chỗ, có nghĩa là mọi thứ đã diễn ra theo một trật tự quá lâu. Kiên định với thói quen có thể là một liều thuốc độc, hoặc một liều thuốc chữa lành, tùy từng trường hợp. Nếu bạn cảm thấy bị bế tắc, hãy tìm một cách khác để thực hiện một việc ngày nào cũng làm nhưng không hiệu quả. Đôi khi, chỉ một sự thay đổi nhỏ vô tình cũng có thể giúp bạn thoát ra khỏi guồng quay đó.

Sự thay đổi có thể chỉ là tìm một con đường đi làm mới, hay làm một điều gì đó sáng tạo khi đang xem Netflix. Đôi khi, chỉ những sự thay đổi nhỏ như vậy có thể khiến bạn ngạc nhiên với những góc nhìn mới và khiến ta tự hiểu bản thân mình hơn.

4. Cuối cùng, thừa nhận những điều mà bạn thật sự mong muốn

Nếu bạn không mạo hiểm hy vọng và hành động theo những điều mà bạn thật sự muốn, bạn mặc định sẽ có một cuộc sống an toàn thật bi thảm. Bạn sẽ luôn phải trốn tránh sự thật, bám víu vào những thứ không thuộc về mình. Trớ trêu thay, bạn phải chấp nhận rủi ro để có thể có được những điều giá trị trong cuộc sống của mình.

Nên bắt đầu từ bây giờ, bạn hãy bắt đầu bằng cách dũng cảm thừa nhận những gì bạn thật sự mong muốn trong mọi khía cạnh của cuộc sống, và có lẽ quan trọng hơn, đó là những gì bạn thật sự cần. Điều gì sẽ khiến bạn cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc với cuộc sống này một lần nữa.

Chúng ta thường nghĩ rằng trầm cảm là một căn bệnh cướp đi niềm vui và sức sống. Nhưng khi chúng ta bắt đầu nhìn nhận cuộc sống của mình một cách sâu sắc hơn, ta có thể thấy rằng trầm cảm thực sự lại là: một sứ giả.

Tôi thích lối suy nghĩ coi trầm cảm là giai đoạn đầu tiên của sự giác ngộ — một cái nghiệp mà ta phải trả để có thể nhìn ra được thế giới bên kia một cách rõ ràng. Khi ngừng đẩy những cảm xúc tiêu cực ra xa, chúng ta có thể khám phá ra lý do tại sao chúng tồn tại và các bước giải quyết chúng.

Đối với tôi, điều này có nghĩa là buông bỏ cách tôi nghĩ cuộc sống của tôi phải như thế nào và đón nhận nó ra sao. Thay vì than thở về quá khứ đã qua hay ám ảnh về tương lai sắp tới, tôi bắt đầu thực hiện các hành động thực sự để thay đổi hiện tại. Điều này bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, từ bỏ một công việc không còn phù hợp với mình và thay đổi phong cách để cải thiện các mối quan hệ. Càng hành động nhiều, tôi càng cảm thấy có nhiều hy vọng và được tiếp thêm sức mạnh.

Con đường dẫn đến hạnh phúc vốn không trải đầy hoa hồng như những gì chúng ta mong muốn, nhưng điều này giúp cho chúng ta có cơ hội được hiểu những gì chúng ta thực sự mong muốn từ trước đến nay: tự hiểu, tự chấp nhận và tự trao quyền. Trầm cảm không phải là một vấn đề, mà là một dấu hiệu chỉ đường. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta sẽ bỏ qua nó, hay xem nó là một lời hướng dẫn để bước tiếp?

———————————————————————–

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Nguồn: tinybuddha.com
  • Người dịch: Phạm Thanh Thủy
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Phạm Thanh Thủy – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=77516

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Latest breaking 24h news around the world Internet Explorer Channel Network


Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER