Làm Thế Nào Để Viết Một Sơ Yếu Lý Lịch Dựa Trên Kỹ Năng Chỉ Với 5 Bước?

Có đa dạng các loại hồ sơ sơ yếu lý lịch và cách định dạng chúng. Một trong các loại sơ yếu lý lịch phổ biến là loại tập trung chủ yếu vào các kỹ năng chuyên môn của bạn và cách bạn vận dụng chúng sau khi bước vào công việc mới. Việc tìm hiểu thêm loại sơ yếu này có thể giúp bạn xác định xem chúng có phù hợp với trình độ học vấn và các kinh nghiệm làm việc trước đó của bạn hay không. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng là gì, cách viết chúng và mẫu ví dụ cho dạng này.

✏ Sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng là gì?

Sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng, hay còn được gọi là CV chức năng, tập trung vào các kỹ năng chuyên môn mà các ứng viên có hơn là mảng giáo dục như là trình độ học vấn. Bạn có thể làm nổi bật các khía cạnh riêng biệt về kinh nghiệm làm việc của mình, nhưng chỉ chọn nếu chúng có liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển. Cách tiếp cận này làm cho sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng khác với sơ yếu lý lịch theo trình tự thời gian hoặc ngược trình tự – những loại CV chú trọng vào lịch sử công việc của bạn.

Hầu hết các sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng bao gồm bản tóm tắt về trình độ học vấn, thành tích và quá trình làm việc của ứng viên kèm các thông tin chi tiết như mô tả công việc và thành tích không được đề cập trong phần tóm tắt ban đầu.

Bạn nên sử dụng sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng trong các trường hợp sau:

  • Quá trình làm việc của bạn chỉ có những công việc, dự án ngắn hạn hoặc là đi thực tập
  • Bạn có những khoảng trống đáng kể trong quá trình làm việc
  • Bạn thích nhảy việc và không có nhiều kinh nghiệm liên quan đến công việc đang ứng tuyển
  • Bạn thường làm những việc dựa trên sở thích hoặc đam mê cá nhân
  • Hầu hết kinh nghiệm liên quan của bạn là công việc tình nguyện hoặc không được trả lương
  • Bạn là sinh viên mới tốt nghiệp có ít hoặc không có kinh nghiệm làm việc.
  • Bạn đã từng làm việc ở một số vị trí tương tự và muốn tránh liệt kê quá nhiều trong sơ yếu lý lịch của mình.

✏ Làm thế nào để viết một sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng?

Dưới đây là các bước để tạo một sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng để đạt được hiệu quả:

1. Xác định kỹ năng nào cần làm nổi bật

Khi quyết định các kỹ năng cần làm nổi bật, trước tiên bạn nên xác định các kỹ năng quan trọng nhất cho công việc bạn đang ứng tuyển. Chia chúng thành ba hoặc bốn nhóm kỹ năng và điền cụ thể vào từng nhóm trình độ của bạn. Những kỹ năng này sẽ chiếm tỷ lệ phần trăm lớn nhất trong sơ yếu lý lịch của bạn.

Nói chung, hầu hết các kỹ năng có thể được nhóm thành một trong ba loại:

Các kỹ năng liên quan đến công việc

Đây là những kỹ năng mà hầu hết mọi người thường học ở trường hoặc khi đi làm. Chúng thường liên quan trực tiếp đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Nếu bạn đang nộp đơn xin việc làm người thiết kế web, các kỹ năng nền tảng  liên quan đến công việc là Photoshop hoặc một chương trình thiết kế web nào đó.

Kỹ năng chuyển giao

Những kỹ năng này có thể áp dụng cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau và thường phù hợp với những người đang có kế hoạch đổi việc. Các kỹ năng có thể chuyển giao có thể rất cụ thể, chẳng hạn như kỹ năng quản lý nhóm hoặc kỹ năng đàm phán. Nhưng chúng cũng có thể bao quát chung hơn, chẳng hạn như kỹ năng nghiên cứu.

Kỹ năng thích ứng

Còn được gọi là “kỹ năng cá nhân”, những kỹ năng này thường bao gồm các đặc điểm tính cách hoặc tính cách không thể xác định được nhưng hữu ích cho một vị trí cụ thể trong công việc. Những đặc điểm tính cách như trung thực và là một thành viên nòng cốt trong đội có thể được coi là kỹ năng thích ứng.

Tùy thuộc vào vị trí bạn đang ứng tuyển, nếu bạn định liệt kê các kỹ năng mà bạn có, bạn có thể muốn nêu từ  5 đến 10 kỹ năng có liên quan trong sơ yếu lý lịch của mình.

2. Tạo một danh sách các kỹ năng để mô tả

Khi bạn có ý tưởng tốt về các nhóm kỹ năng và các kỹ năng chuyên ngành mà bạn muốn trình bày, bạn có thể bắt đầu kể chi tiết theo từng gạch đầu dòng. Mỗi gạch đầu dòng thì gồm các câu mô tả kinh nghiệm có liên quan của bạn trong từng loại kỹ năng.

Đối với phần này, bạn có thể có hoặc không nêu thông tin chi tiết các công ty bạn đã làm việc hoặc các vị trí bạn đã làm. Tuy nhiên, nói chung là tốt nhất nên tập trung vào thành tích và kết quả hơn là đi vào quá chi tiết về những công ty cũ.

Bạn cũng nên lựa chọn từ ngữ của mình một các hiệu quả cho một ngành cụ thể. Ví dụ: nếu bạn đang chuyểni từ ngành chăm sóc sức khỏe sang nghề bán hàng, hãy gọi bệnh nhân của bạn là khách hàng. Làm như vậy sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng xác định khả năng áp dụng các kỹ năng của bạn vào vị trí đã chọn hơn là liên tưởng vị trí đó  với một lĩnh vực không liên quan.

3. Liệt kê thành tích của bạn

Việc trình bày chi tiết những thành tích của bạn có thể cho phép các nhà tuyển dụng tiềm năng thấy các kỹ năng bạn đã liệt kê trước đó được áp dụng vào môi trường làm việc như thế nào. Trong phần này, điều đặc biệt quan trọng là chỉ nên bao gồm những thành tích phù hợp với vị trí bạn đang tìm kiếm. Bạn có thể nêu một số khó khăn đã khiến bạn tốn thời gian trong quá trình đạt được thành tựu đó trong phần này, nhưng hãy đảm bảo rằng chúng sẽ hợp cho vị trí ứng tuyển. Ví dụ: nếu bạn quan tâm đến vị trí nhân sự, bạn có thể nhấn mạnh những thành tích liên quan đến giao tiếp hoặc quản lý thời gian.

Khi trình bày thành tích của bạn, hãy luôn liệt kê chúng kèm với số, chẳng hạn như số tiền, thời gian tiết kiệm được hoặc tỷ lệ phần trăm. Một lần nữa, điều này giúp nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá giá trị thành tích của bạn trong môi trường làm việc. Bạn có thể trình bày thành tích của mình theo cách sau:

Tình huống cụ thể + hành động của bạn = kết quả trực tiếp

Thách thức liên quan đến công việc + hành động của bạn = kết quả trực tiếp

4. Phác thảo quá trình làm việc của bạn

Nếu cần, bạn có thể dành phần còn lại của sơ yếu lý lịch để phác thảo sơ lược về quá trình làm việc của mình. Không giống như sơ yếu lý lịch dựa trên kinh nghiệm, bạn không cần phải nêu quá chi tiết trong phần này. Hãy liệt kê tên công ty, ngày bạn làm việc ở đó, vị trí làm việc và một bản tóm tắt ngắn gọn về nhiệm vụ của bạn. Bạn cũng có thể bao gồm các vị trí thực tập và tình nguyện, miễn là chúng liên quan đến vị trí mục tiêu.

5. Thêm chi tiết bổ sung

Cân nhắc thêm các chi tiết có thể giúp nâng cao sự tin cậy và tăng giá trị hồ sơ của bạn. Một số phần bạn có thể thêm vào là:

  • Học vấn
  • Thông tin liên hệ liên kết công việc
  • Ý kiến ​​đánh giá từ các người tham chiếu có uy tín
  • Các dự án bạn đã làm hoặc đã hoàn thành
  • Các khóa học phát triển bạn đã tham dự
  • Hoạt động cộng đồng
  • Ấn phẩm đã xuất bản

Trong phần “học vấn”, hãy đề cập đến trường học, bằng cấp và năm bạn lấy được bằng. Bạn cũng có thể liệt kê bất kỳ hội thảo liên quan, các khóa học trực tuyến, các khóa học giáo dục thường xuyên và các lớp đào tạo mà bạn đã tham dự.

Mẫu sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng

Sử dụng mẫu này như là một bản hướng dẫn khi viết sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng của bạn:

[Tên của bạn]

[Thông tin liên hệ của bạn, chẳng hạn như số điện thoại, email và địa chỉ]

[Tóm tắt thông tin cá nhân]

Kỹ năng

• [Kỹ năng liệt kê với tóm tắt ngắn có liên quan.] • [Kỹ năng liệt kê với tóm tắt ngắn có liên quan.] • [Kỹ năng liệt kê với tóm tắt ngắn có liên quan.] • [Kỹ năng liệt kê với tóm tắt ngắn có liên quan.]

• [Liệt kê kỹ năng với câu kết luận ngắn gọn có liên quan.]

Thành tích

• [Liệt kê thành tích với các số liệu hoặc thống kê, nếu có thể.] • [Liệt kê thành tích với các số liệu hoặc thống kê, nếu có thể.]

• [Liệt kê thành tích với các số liệu hoặc thống kê, nếu có thể.]

Kinh nghiệm

[Công ty] | [Chức danh] | [Ngày làm việc]

• [Bao gồm một bản tóm tắt ngắn gọn về các nhiệm vụ và thành tích.]

[Công ty] | [Chức danh] | [Ngày làm việc]

• [Bao gồm một bản tóm tắt ngắn gọn về các nhiệm vụ và thành tích.]

Học vấn 

[Tên trường] | [Bằng cấp] | [Ngày tốt nghiệp]

Ví dụ về sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng

Dưới đây là một ví dụ về sơ yếu lý lịch dựa trên kỹ năng:

Lamya Khalidi

687-234-9034 | lkhalidi@email.com | Bloomington, IN

Đang tìm kiếm một vị trí trợ lý nhân sự mà tôi có thể áp dụng các kỹ năng và trình độ học vấn của mình để đóng góp cho môi trường làm việc của công ty.

Kỹ năng

• Giao tiếp: Làm việc với nhiều người trực tiếp, qua điện thoại và qua email để hoàn thành dự án đúng hạn

• Quản lý thời gian: Xây dựng một lịch trình nghiêm ngặt để học tập cho các kỳ thi, hoàn thành các dự án và các bài đọc được yêu cầu

• Hợp tác: Hợp tác với các sinh viên và giáo sư đồng nghiệp để thiết kế và trình bày các dự án

• Dịch vụ khách hàng: Hỗ trợ các sinh viên khác trong việc tìm kiếm tài nguyên trong quá trình sinh viên làm việc tại thư viện trường đại học

• Kỹ năng máy tính: Học nhiều chương trình và phần mềm trực tuyến cho các lớp học khác nhau và việc làm của sinh viên

Thành tích

• Dean’s List 2012-15 • Giải thưởng Viết lách xuất sắc — Bài thơ hay nhất 2014

• Giảm 17% thời gian phản hồi đối với các yêu cầu email của thư viện trường đại học

Kinh nghiệm

Nhà hàng  Blue Mockingbird | Phục vụ bàn | 2015

• Sắp xếp chỗ ngồi, giải thích thực đơn và đặt đơn và phục vụ món ăn cho khách

Thư viện Lilly | Cộng tác viên | 2013-2015

• Hỗ trợ sinh viên và giáo sư các câu hỏi liên quan đến sách và tài liệu

Học vấn

Đại học Indiana | Cử nhân ngành Quản lý nhân sự | 2015

—————————————————————————————————

Xin chân thành cám ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.

–     Bài viết gốc: https://www.indeed.com/career-advice/resumes-cover-letters/write-skills-resume

–     Người dịch: Nguyễn Hồng Thảo

–     Khi chia sẻ cần trích dẫn nguồn là ”Người dịch: Nguyễn Hồng Thảo – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=77241

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Latest breaking 24h news around the world Internet Explorer Channel Network


Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER