Bật Mí 5 Cách Để Phát Triển Kỹ Năng Xã Hội Của Bạn

Chúng tôi đã thường xuyên nghe được những điều khó khăn mà các bạn đã và đang gặp phải với vấn đề về giao tiếp xã hội. Cho dù, bạn là một người mắc chứng rối loạn lo âu hay có thể bạn không biết làm sao để giao tiếp với mọi người thì bạn cũng đừng lo, nếu các bạn cải thiện được những kỹ năng này thì các mối quan hệ xã hội mà bạn đang có sẽ càng tiến xa hơn rất nhiều đấy. Vì thế, hãy cùng xem qua những cách giúp các bạn học hỏi cũng như thúc đẩy bản thân để nâng cao khả năng giao tiếp trong xã hội nhé!

✔ Học cách đọc ngôn ngữ cơ thể 

Bạn có biết 97% giao tiếp không cần qua lời nói không nhỉ? Tất cả điều này bao gồm vẻ bề ngoài, ngôn ngữ cơ thể và cách ứng xử trong xã hội của tất cả chúng ta. Mọi người thường sẽ gặp khó khăn với câu hỏi “Liệu mình có hiểu chính xác ý mà đối phương đang muốn nói hay ngược lại, liệu đối phương có đang hiểu ý mình không?”. Có rất nhiều điều chúng ta đã làm mà không hề hay biết gì đấy.

Tôi đã từng được một người chỉ ra rằng khi quá tập trung suy nghĩ về vấn đề nào đó, tôi sẽ trông như đang đảo mắt với mọi người vậy. Có thể nói, hành vi này sẽ vẫn tiếp diễn nếu như mình không được ai mách bảo sẽ tạo cho mọi người xung quanh cảm giác không được tôn trọng. Các bạn hãy thử nghiên cứu về “Sự biểu lộ biểu cảm cực nhỏ” (micro-expressions), đây là những biểu hiện lướt qua, cực kỳ khó để nhận biết trong giao tiếp giúp chúng ta thấy rõ được sự thay đổi biểu cảm chân thật nhất cũng như giúp hiểu rõ mọi người hơn.

✔ Cách ứng xử trong các buổi phỏng vấn

Lỗi mà đa số chúng ta thường mắc phải là quá chú tâm tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp mình ứng tuyển hay chuẩn bị sẵn câu trả lời cho các câu hỏi thường thấy trong các buổi phỏng vấn, nhưng không hề nghĩ đến các quy tắc ứng xử xã hội mà chúng ta sẽ phải thể hiện. Mách nhỏ với bạn, thông thường, các nhà tuyển dụng chỉ mất tầm 60 giây đầu tiên tiếp xúc với bạn nhưng đã có thể quyết định rằng bạn có được nhận vào vị trí đó hay không.

Phần quan trọng nhất trong mục này chính là khả năng ứng xử và ngôn ngữ cơ thể. Nếu chúng ta bước vào buổi phỏng vấn với một cái bắt tay thật thiếu sức sống, tỏ vẻ sợ hãi khi phải nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng hay ấp úng, sử dụng quá nhiều từ “ừm”, “ờ”, tất cả những điều trên dẫn đến khả năng nhận được công việc của bạn có lẽ sẽ rất thấp đấy.

✔ Hãy chuẩn bị vài chủ đề “dắt túi”

Đây chính là một kỹ năng rất tuyệt dành cho những người mắc chứng rối loạn lo âu hay sợ hãi khi đối diện trước những tình huống chưa từng trải qua trước đó. Nếu bạn đang trong các trường hợp này, đơn giản thôi, hãy chuẩn bị cho mình vài chủ đề hay ho hoặc những mẩu chuyện thú vị, vì có thể điều này sẽ khiến bạn bớt đi phần nào cảm giác lo lắng khi không thể hòa hợp với mọi người trong các cuộc hội thoại dù lớn hay nhỏ.

Như bạn thấy, kỹ năng này giúp chúng ta tránh được những khoảng không im lặng khó xử, gắn kết mọi người với nhau. Do đó, bạn sẽ cảm thấy tự tin khi giao tiếp hơn sau vài lần “thực hành” cũng như khiến bạn nhận ra đây là một lời khuyên cực kì cần thiết.

✔ Học cách trở thành một người biết lắng nghe

Theo chúng tôi, kỹ năng này rất quan trọng cần phải tập trung phát triển trong giao tiếp xã hội. Nếu bạn không học được cách lắng nghe, thể hiện sự quan tâm đến người khác thì đây sẽ là tảng đá chắn ngang con đường sau này của bạn đó. Vậy thì, làm sao để thể hiện được mình biết cách lắng nghe với mọi người xung quanh? Câu trả lời cho bạn chính là hãy thường xuyên sử dụng giao tiếp bằng ánh mắt, lặp lại những điều đối phương nói với bạn, cho đối phương thấy rằng bạn đang lắng nghe hay bày tỏ quan điểm chung, sự quan tâm của bạn đối với họ.

Đừng thể hiện mình không biết cách lắng nghe bằng việc đợi đến lúc đối phương ngừng nói mới nói những điều mình định nói hay cố gắng chơi trò “hơn thua” với họ khi kể một câu chuyện thái quá, kỳ quặc hơn xảy ra với bạn. Lưu ý rằng đây không phải một cuộc thi, hãy thể hiện bạn đang lắng nghe và rất chú tâm vào nó nhé!

✔ Tránh xa những điều gây sao nhãng

Ngày nay, chúng ta đã quá phụ thuộc vào việc “giao tiếp” với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng,.. mà vô tình quên đi mất những cuộc đối thoại thật sự. Chuyện bắt gặp một nhóm bạn đang ăn chung với nhau nhưng mắt họ chỉ “dán” vào điện thoại hay quên mất mục đích chính của những kỳ nghỉ mà bận rộn “check in”. Vậy nên, để tận hưởng một bữa ăn hay một kỳ nghỉ đúng nghĩa, hãy đặt những thiết bị công nghệ xuống và tập trung vào mọi thứ đang có xung quanh bạn.

Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên bởi những trải nghiệm, sự gắn kết mình có được một khi bạn tránh xa chiếc điện thoại thân yêu và lắng nghe mọi thứ hiện hữu quanh bạn. Hãy tin chúng tôi, kết nối với mọi người, tạm quên đi công nghệ, sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể các kỹ năng ứng xử trong xã hội và cuộc sống của mình đấy!

———————————————————————

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Nguồn: everydaypower.com
  • Người dịch: Đặng Thi Thu Hằng
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Đặng Thị Thu Hằng – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=65145

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Tin công nghệ, điện thoại, máy tính, ô tô, phân khối lớn, xu hướng công nghệ cập nhật mới nhất
Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER