Nghệ Thuật Xoa Dịu Bản Thân: Khả Năng Phục Hồi Bền Bỉ
Một điều mà bạn sẽ muốn dạy cho bạn bè, con cái, cha mẹ bạn và cả kẻ thù của bạn. Chiều thứ hai của khả năng phục hồi là tự xoa dịu bản thân.
Tôi được nuôi dưỡng trong gia đình của Ông Bà Căng thẳng. Khi lớn lên, tôi đã chứng kiến họ lặn sâu vào những vực sâu (có thể là không cần thiết) của căng thẳng. Luôn có điều gì đó không ổn, điều gì đó cần phải sửa, không đủ tiền hoặc không đủ thời gian.
Đây là một hình ảnh kinh điển thời trẻ của tôi: Khi một thiết bị, chẳng hạn như máy giặt, bị vỡ, cả gia đình chúng tôi phải chịu đựng một phần của nỗi buồn, sự tức giận và lo lắng liên quan đến một sự kiện không may như vậy. Nhưng nó sẽ không được sửa ngay lập tức (vì nó có thể… tự lành, không thể đúng không?) Khi hoàn toàn nhận thức được không còn hy vọng nào cho chiếc máy giặt tội nghiệp, trọng tâm sẽ chuyển sang hoảng sợ về số tiền cần thiết để thay thế nó. .
Sau khi máy giặt được thay thế, vấn đề có lẽ sẽ là nó sẽ không hoạt động tốt như máy trước hoặc có thể chiếm nhiều dung lượng hơn hoặc kêu to hơn. Không bao giờ có thể thư giãn, vì luôn sợ hãi mọi thứ không hoàn hảo. Bắt buộc phải tìm kiếm các vấn đề tiềm ẩn, quét từng chi tiết nhỏ nhất với “Tầm nhìn Kẻ hủy diệt”.
Cuối cùng khi chúng tôi có thể chắc chắn rằng mọi thứ đều ổn, chúng tôi lại chuyển sang thứ tiếp theo cần được sửa chữa.
Tôi đã bị căng thẳng mãn tính trong hầu hết thời thơ ấu và thiếu niên của mình. Tôi chưa từng tận hưởng mọi thứ, nhưng tôi không biết tại sao. Tôi không có từ ngữ nào cho nó, và tôi không có khái niệm nào để hiểu nó. Tôi không biết rằng tôi có thể sống khác. Hoặc tốt hơn, tôi biết các bậc cha mẹ khác thoải mái hơn, nhưng tôi chỉ nghĩ họ là những người may mắn hơn.
Khi tôi chuyển ra ngoài, ở tuổi hai mươi, tôi rời đất nước và chuyển đến Hà Lan, đến một thành phố sinh viên nhỏ bé với những con kênh xinh xắn đầy thiên nga và vịt, và nơi hầu hết các ngôi nhà đều có mảnh sân trước dễ thương và được chăm chút cẩn thận. Tôi nhìn những đứa trẻ trên những chiếc xe đạp nhỏ bé đi cùng cha mẹ đến trường, và mọi người ở mọi lứa tuổi ngồi uống cà phê trong những quán cà phê được trang trí bằng gỗ. Nó không giống như một đô thị đầy căng thẳng mà tôi đã từng sống, và mọi người đối với tôi dường như rất bình tĩnh.
Tôi yêu thích nó ngay lập tức và tôi cảm thấy hạnh phúc tràn ngập trong mình, nhưng tôi không biết tại sao. Trong suốt những năm sau đó, tôi cũng sống ở những nơi khác. Có vài lần, tôi thậm chí còn quay trở lại ngôi nhà thời thơ ấu của mình.
Mãi đến mười năm sau lần đầu tiên chuyển ra ngoài, tôi cuối cùng mới có thể học được những cái tên và khái niệm xác định sự phân đôi cảm xúc mà tôi luôn trải qua khi đi và về.
Sự hiểu biết đến từ hai hướng. Trong thời gian học thạc sĩ, khi nghiên cứu về não, tôi đã học được cách hoạt động của vỏ não trước trán như một mô phỏng các trải nghiệm. Tất cả chúng ta, là con người, đều có khả năng tưởng tượng rất chi tiết về điều gì đó chưa xảy ra và biến nó thành sự thật giống như điều gì đó đã xảy ra ngày trước.
Từ nhà tâm lý học Dan Gilbert, tôi biết được rằng bộ não cũng có khả năng tổng hợp hạnh phúc (hoặc hỗn hợp các chất hóa học mà chúng ta hiểu là hạnh phúc). Và một bộ não hoạt động tốt sẽ đưa bạn trở lại trạng thái hạnh phúc trong vòng vài tháng hoặc trong vòng một năm ngay cả sau những sự kiện rất đau buồn.
Trong một bài diễn thuyết hấp dẫn trên TED (Khoa học ngạc nhiên về hạnh phúc), Gilbert trình bày dữ liệu từ hai nhóm người: những người trúng số và những người mất khả năng sử dụng chân. Một năm sau sự kiện này, mức độ hạnh phúc của hai nhóm là giống hệt nhau.
Chúng ta rất thường xuyên nghe mọi người (hoặc thậm chí chính bản thân của chúng ta) nói rằng bằng cách nào thì, dù nhận thức muộn màng, sự kiện khủng khiếp nào cũng đều che giấu mặt hạnh phúc ẩn sâu trong nó. Điểm mấu chốt là không quan trọng nguyên nhân của hạnh phúc là gì; nếu nó giống như hạnh phúc, nó chính là hạnh phúc.
Bộ não có khả năng tổng hợp hạnh phúc (hoặc buồn, hoặc căng thẳng, hoặc hoảng sợ, hoặc thậm chí tức giận, đối với vấn đề đó) một cách độc lập với các điều kiện bên ngoài. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Nếu bạn nghĩ về nó, những gì chúng ta cố gắng đạt được thông qua thiền định không gì khác ngoài việc giữ vững sự ổn định của bộ não, sau đó sẽ đưa chúng ta (hoặc giữ chúng ta) về trạng thái cân bằng nội môi, một trạng thái cân bằng thể chất. Đây là lý do tại sao thiền định mang lại nhiều lợi ích và cũng là lý do tại sao rất khó để bắt đầu thiền khi tâm trí của bạn đang ở khắp nơi nếu như bạn không để bản thân thoải mái đi vào nó.
Khi tôi nắm bắt được những khái niệm này, tôi đã có bước nhảy vọt đầu tiên để hiểu về đời sống tình cảm. Tôi thấy những người như cha mẹ tôi liên tục rèn luyện trí óc của họ để nhìn ra lỗi và vấn đề, luyện tập cảm giác tiêu cực, và do đó hoàn toàn bỏ mặc để có cơ hội phản ứng hiệu quả với những vấn đề quan trọng hơn.
Bước nhảy vọt thứ hai xảy ra vài năm sau đó. Tôi đã hoàn thành việc học của mình và đang lo lắng tung hứng nhiều thứ khác nhau trong cuộc đời.
Trong vòng chưa đầy một năm, tôi bị mất việc làm trong lĩnh vực học thuật. Tôi đã không thể tìm được một việc mới (thất bại 1). Tôi bị một người mà tôi luôn coi là bạn (thất bại 2) đuổi ra khỏi ngôi nhà mà tôi rất yêu thích (thất bại 3). Người đàn ông mà tôi từng yêu trở thành một con người khác (thất bại 4), và tôi đã tự làm mình bị thương đến mức không thể sử dụng cánh tay phải trong nhiều tháng (thất bại 5). Quên mất cách đánh máy — tôi sẽ nộp đơn vào công việc mới như thế nào?
Ngay khi có thể, tôi thu dọn đồ đạc, chuyển về với bố mẹ để được chăm sóc và điều trị cánh tay cho lành.
Sự thất bại này xảy ra khi tôi ba mươi ba đang bước vào tuổi ba mươi tư. Sau những tháng đầu tiên cảm thấy mất mát và thương tiếc cho cuộc sống trước đây của mình, tôi nhận ra rằng tôi đã không thoải mái với bản thân. Tôi đã kéo dài cơn giận dữ, ám ảnh về mọi điều nhỏ nhặt không đúng và bị tàn phá bởi tất cả những điều lớn lao không phù hợp chút nào.
Sau đó, mọi thứ trở nên rõ ràng dần. Hoàn cảnh của tôi không khác gì việc lo lắng các thiết bị gia dụng bị hỏng, căng thẳng về thuế, cảm thấy bị xúc phạm bởi những cuốn sách hoặc bộ phim tồi tệ, bị khó chịu bởi các chính trị gia hay đơn giản là lạc mất đôi tất.
Tôi đã phải xoa dịu bản thân mình. Tôi phải tìm ra tình huống trớ trêu trong mọi vấn đề và dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về những gì đang diễn ra.
Tôi muốn “giải độc” bản thân khỏi tâm lý nạn nhân. Tôi bắt đầu nhìn cuộc sống của mình như một mảnh đất trống. Và cảm thấy phấn khích vì điều này.
Trên thực tế, cuộc sống của tôi thậm chí còn tốt hơn một phiến đá trống. Tôi có đủ các cả kỹ năng, kiến thức và sức khỏe ổn định. Tôi không có ràng buộc, không nợ nần, không có hợp đồng, và không có đồ đạc rải rác khắp nơi. Cuối cùng, tôi đã có một gia đình luôn ủng hộ tôi và là nơi để tôi lưu trú tạm thời ở Rome, một trong những thành phố đẹp nhất trên thế giới.
Giờ đây, danh sách những mặt tích cực rất dễ thực hiện và tôi có thể tiếp tục liệt kê thêm. Hiện tại, tôi dễ dàng thấy rằng trước đây tôi đã khiến bản thân đau khổ như thế nào khi tập trung vào tất cả những gì đang xảy ra. Nhưng tôi vẫn có thể nhớ rất rõ cảm giác của nó như thế nào và dường như không thể ngăn được quả cầu tuyết đó lăn xuống và trở nên cay đắng hơn.
Từ trạng thái nhận thức rõ ràng, cân bằng và hạnh phúc mới của mình, tôi quyết định nghĩ ra các thủ thuật để ngăn bản thân không bao giờ rơi vào tiêu cực như vậy nữa. Nếu tôi quan tâm đến cảm giác của mình hằng ngày và phát triển các kỹ thuật thực tế để làm chệch hướng sự chú ý của tôi khỏi những vấn đề nhỏ nhặt xung quanh, có lẽ tôi sẽ ngày một phát triển hoàn thiện hơn để đối mặt với những vấn đề lớn sẽ xảy ra.
Vì vậy, tôi đã tổ chức một “lớp học riêng cho bản thân mình”. Tôi học về những điều làm tôi cười, những điều thu hút sự chú ý của tôi, những điều giúp tôi thư giãn. Biết rõ những điều này sẽ giúp bất cứ ai ngăn chặn quả cầu tuyết tiêu cực trước khi nó chiếm đoạt hoàn toàn suy nghĩ của bạn.
Tôi có niềm đam mê lớn với hài kịch và tôi nhận ra rằng, bất kể trạng thái tinh thần của tôi như thế nào, việc nghe nghệ sĩ hài yêu thích sẽ giúp tôi khôi phục tâm trạng 100%. Tôi biết rằng những bộ phim tài liệu về thiên nhiên (đặc biệt là những bộ phim về Không gian) sẽ thôi miên tôi và khiến tôi hơi tách rời khỏi cơ thể, vì vậy khi tôi ốm hoặc đau, đây là những việc tôi nên làm. Tôi biết rằng khi tôi cảm thấy bối rối hoặc tâm trí tôi cảm thấy bị phân tán, đi bộ và nghe một số bản nhạc sẽ đưa tôi quay về sự bình tĩnh.
Đưa ra danh sách các tài nguyên sẵn sàng sử dụng như những ví dụ trên, điều chỉnh sao cho phù hợp với bản thân, như vậy là bạn đã có một trong những tài nguyên tuyệt vời nhất. Và càng có nhiều tài nguyên này để ứng dụng mỗi khi cần, thì cuộc sống của bạn sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. Đối với tôi, ngày nay, nghe hài kịch khi tôi bực mình cũng tự nhiên như việc uống nước khi khát. Và hằng ngày, tôi vẫn đang bổ sung thêm các phương pháp mới vào kho vũ khí của mình.
Có hai lưu ý cho những điều này: Hãy nhận biết nguyên nhân khiến bạn cảm thấy tồi tệ và đề phòng chủ nghĩa trốn tránh.
Nếu bạn bị trầm cảm kinh niên, tôi sẽ không bao giờ khuyên bạn nên xem phim hài từ sáng cho đến khi đi ngủ. Nếu bạn thường xuyên gặp phải vấn đề với tức giận, tôi không khuyên bạn nên bỏ chúng lại phòng gym. Bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia. Tương tự, tìm kiếm những thứ giúp bạn vui vẻ là điều tuyệt vời, nhưng dành cả ngày để tìm cách giải trí có thể không phải là cách xây dựng tốt nhất để tiếp tục cuộc sống của bạn.
Tự điều chỉnh là một trong những trách nhiệm mà mọi người phải có và đó là một trách nhiệm tuyệt vời để đảm nhận. Một nguyên tắc chung là: Nếu bạn vẫn thích bất cứ thứ gì mà bạn đang tự làm dịu bản thân thì thật tuyệt. Nếu bạn trung lập về vấn đề này, thì đã đến lúc phải tiếp tục tìm kiếm. Và nếu bạn nhận ra rằng mình không thích những thứ khác mà lẽ ra bạn có thể thích thú, thì việc tự xoa dịu bản thân đã vượt quá tầm tay. Đừng cảm thấy thất bại; lần sau bạn sẽ làm tốt hơn.
Nói chung, tất cả những gì chúng ta cần làm là khiến bản thân đủ phân tán tư tưởng / ký ức tiêu cực về một sự kiện nào đó. Đôi lúc, bạn có thể muốn củng cố một số tích cực cho vùng ký ức đó. Có nhiều cách (từ kỹ thuật NLP đến kỹ thuật thiền định đến thôi miên, v.v.), nhưng đối với cuộc sống giản dị hằng ngày, quy trình ba bước dưới đây tôi thấy nó có thể mang lại hiệu quả:
1) Cho phép bản thân có thời gian để phản ứng tức thì tự bộc lộ. Tôi không muốn kìm nén bất cứ điều gì, nhưng tôi không muốn trạng thái phản ứng đó trở thành nơi tôi ẩn náu.
2) Tôi sẽ tiếp tục với những cách tự xoa dịu mà mình đã chọn và cố gắng giảm thời gian mà tâm trí của tôi suy nghĩ về các vấn đề.
3) Sau một thời gian ngắn trôi qua, tôi sẽ chọn chủ đề và thảo luận ngắn gọn với một người bạn đáng tin cậy. Một người không có bất kỳ liên quan nào với vấn đề đó, người sẽ không bị kích động bởi nó và có thể đưa ra cả những nhận xét mang tính xây dựng và tích cực.
Nếu bạn thông thạo các phương pháp tự xoa dịu cơ bản, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện ngay lập tức trong cách xử lý những cơn nấc nhỏ hàng ngày. Và với một ít thời gian (thực sự không cần nhiều), bạn sẽ có thể xử lý các vấn đề lớn hơn và phức tạp hơn với ít nỗ lực hơn.
Điều tuyệt vời ở kỹ năng này là nó sẽ tiếp tục phát triển cùng bạn. Khi bạn bổ sung thêm nhiều mảnh ghép từ hành trình phát triển cá nhân của mình, chúng cũng sẽ củng cố kỹ năng mới này.
Thực hành tự xoa dịu bản thân thường xuyên sẽ giúp bạn có thể giúp đỡ và từ bi với những người xung quanh. Nó cũng sẽ lan truyền đến con bạn, cung cấp cho chúng một trong những nguồn tài nguyên lớn nhất mà chúng có thể nhận được từ bạn.
______________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: tinybuddha
- Người dịch: Bùi Hoàng Thảo Vy
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là: “Người dịch: Bùi Hoàng Thảo Vy – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=79688
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com