Kỹ Năng Phân Tích Tín Dụng
?Tại sao kỹ năng phân tích tín dụng lại quan trọng?
Phát triển các kỹ năng trong phân tích tín dụng có thể giúp bạn tiến xa hơn trong lĩnh vực quản lý rủi ro, tài chính và kinh tế. Nó là nền tảng để nâng cao các kỹ năng trong lĩnh vực tài chính và đầu tư.?Các kỹ năng phân tích tín dụng
Dưới đây là những kỹ năng quan trọng tốt nhất cho một nhà phân tích tín dụng và có thể rất hữu ích khi nộp đơn xin việc và thăng tiến trong sự nghiệp:- Kỹ năng kế toán
- Kiến thức về ngành
- Kỹ năng tin học
- Kỹ năng giao tiếp
- Giải quyết vấn đề
- Sự chú ý đến chi tiết
- Kỹ năng nhập liệu và tổ chức
- Kiến thức về phân tích rủi ro
- Tư duy phân tích
- Kỹ năng phân tích định lượng
Hầu hết các nhà phân tích tín dụng có bằng cử nhân về tài chính, kế toán, kinh tế, quản lý rủi ro và các lĩnh vực liên quan khác, một số nhà phân tích tín dụng lại xây dựng nền tảng kế toán của họ thông qua đào tạo tại chỗ và kinh nghiệm làm việc.
2. Kiến thức về ngành
Để đưa ra đánh giá và khuyến nghị phù hợp, điều quan trọng là các nhà phân tích tín dụng phải có nền tảng về ngành mà họ làm việc. Các ngành khác nhau có các yêu cầu và các phương pháp điều tra khác nhau. Do đó, một nhà phân tích tín dụng phải có kiến thức trong ngành mà họ làm việc để tạo ra các báo cáo và phân tích đáng tin cậy. Các nhà phân tích tín dụng nên cập nhật kiến thức về ngành để có thể đưa ra các quyết định sáng suốt nhất.
3. Kỹ năng tin học
Nhiều doanh nghiệp sử dụng các chương trình tài chính và kế toán cụ thể để xử lý một lượng lớn dữ liệu.
Nhiều công ty đào tạo về chạy các chương trình máy tính khác nhau, việc có kiến thức cơ bản về máy tính có thể giúp dễ dành hiểu các phần mềm phức tạp.
4. Kỹ năng giao tiếp
Một phần trách nhiệm của chuyên viên phân tích tín dụng liên quan đến việc chuẩn bị các báo cáo về xếp hạng, tình hình tài chính và phân tích, điều này đòi hỏi kỹ năng viết tốt.
Ngoài ra, các nhà phân tích tín dụng thường làm việc với ban quản lý công ty và khách hàng để thảo luận các vấn đề và giải thích một số thông tin nhất định. Họ cũng thường làm việc trong một nhóm nên cần phải giao tiếp và tương tác liên tục với các nhân viên khác.
5. Giải quyết vấn đề
Một số nhiệm vụ của nhà phân tích tín dụng liên quan đến việc giúp khách hàng đáp ứng các yêu cầu và mục tiêu tài chính. Nhiệm vụ này đòi hỏi kỹ năng phân tích sâu rộng, sự tháo vát, kiến thức nền tảng chắc chắn trong lĩnh vực này và thái độ tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp, tất cả đều là một phần của giải quyết vấn đề. Nếu thành công trong việc giúp đỡ khách hàng, các nhà phân tích có thể xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Có kỹ năng giải quyết các tình huống phức tạp cũng rất hữu ích trong việc giảm thiểu rủi ro trong doanh nghiệp.
6. Sự chú ý đến chi tiết
Các nhà phân tích tín dụng thường xuyên xử lý các thông tin khác nhau như dữ liệu tài chính, lý lịch cá nhân của khách hàng và hơn thế nữa. Thông tin mà nhà phân tích tín dụng xử lý là nhạy cảm và quan trọng đối với doanh nghiệp, đó là lý do tại sao một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở một chuyên viên phân tích tín dụng là khả năng chú ý đến chi tiết.
7. Kỹ năng nhập liệu và tổ chức
Trong hầu hết các trường hợp, các nhà phân tích tín dụng được yêu cầu phải cập nhật hồ sơ thông tin của khách hàng.
Họ cần sắp xếp tất cả các tài liệu của mình để có thể cung cấp thông tin nhanh chóng cho người quản lý hoặc khách hàng ngay khi họ cần. Kỹ năng tổ chức cũng giúp họ đảm bảo tuân thủ bất kỳ quy định hoặc hướng dẫn nào trong ngành.
8. Kiến thức về phân tích rủi ro
Kiến thức về phân tích rủi ro giúp một nhà phân tích tín dụng thấy trước tất cả những thách thức có thể xảy ra trong khi xử lý dữ liệu và đưa ra các báo cáo, khuyến nghị.
Một nhà phân tích tín dụng phải có khả năng giải thích cặn kẽ về lý do tại sao một khoản vay hoặc khoản đầu tư nên được phê duyệt để các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp có một cái nhìn rõ ràng về những rủi ro liên quan. Điều này giúp chủ sở hữu tránh được những rủi ro không đáng có và tăng vốn đầu tư.
9. Tư duy phân tích
Một nhiệm vụ phổ biến khác của nhà phân tích tín dụng là hỏi khách hàng để thu thập thêm thông tin và xác minh tính trung thực của câu trả lời của họ.
Một nhà phân tích tín dụng thường quản lý một lượng lớn thông tin để đưa ra đánh giá hợp lý với các khuyến nghị của họ. Ví dụ, một nhà phân tích tín dụng trong lĩnh vực bất động sản thu thập bằng chứng thông qua điều tra lý lịch và các tài liệu hỗ trợ để đảm bảo khách hàng có thể thanh toán khoản vay trong một khoảng thời gian nhất định.
10. Kỹ năng phân tích định lượng
Nhiệm vụ hàng ngày của một chuyên viên phân tích tín dụng chủ yếu xoay quanh việc phân tích các số liệu từ thu nhập thường xuyên của khách hàng đến dữ liệu thống kê. Những nhiệm vụ này yêu cầu toán học cao cấp và khả năng phân tích định lượng.
?Cách cải thiện kỹ năng phân tích tín dụng
Dưới đây là một số cách bạn có thể cải thiện kỹ năng phân tích tín dụng của mình:
- Xác định mức độ kỹ năng của bạn và lập checklist.
- Tận dụng tất cả các nguồn có sẵn.
- Thi bằng hoặc tham gia các chương trình đào tạo.
- Tham gia các seminar hay workshop.
- Trải nghiệm thực tế.
1. Xác định trình độ kỹ năng của bạn và lập checklist
Bạn có thể bắt đầu bằng cách lập checklist các kỹ năng cần thiết để trở thành nhà phân tích tín dụng và so sánh nó với các kỹ năng bạn hiện có. Bằng cách đó, bạn có thể tạo ra các mốc quan trọng để theo dõi sự tiến bộ của mình và có thể hình dung mức độ các kỹ năng của bạn.
2. Sử dụng tất cả các nguồn sẵn có
Sử dụng tất cả các nguồn sẵn có bạn có thể tìm thấy để giúp xây dựng kỹ năng phân tích tín dụng của bạn. Có những cuốn sách mà bạn có thể đọc để giúp bạn nghiên cứu về tài chính, kinh tế và phân tích định lượng. Bạn cũng có thể tải ebook và các chương trình hỗ trợ học tập nếu bạn muốn học online.
Bạn cũng có thể thử truy cập các trang web phát trực tuyến video để tìm kiếm các kỹ năng cụ thể mà bạn muốn cải thiện để biết thêm các tip và thông tin để từng bước cải thiện chúng.
3. Thi bằng hoặc tham gia các chương trình đào tạo
Một cách khác để phát triển kiến thức và kỹ năng là tham gia các chương trình đào tạo, giáo dục thích hợp. Bạn có thể lấy bằng Cao đẳng hoặc Cử nhân về Kế toán, Tài chính hoặc Quản trị Kinh doanh để học các kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà phân tích tín dụng. Để mở rộng hơn cơ hội việc làm và tăng khả năng có thu nhập cao hơn, bạn có thể lấy bằng thạc sĩ.
Bạn cũng có thể ghi danh vào các chương trình đào tạo online hoặc tự học. Bạn có thể tìm thấy các chương trình đào tạo dạy bạn nhiều kỹ năng và kỹ thuật phân tích tín dụng. Một số chương trình đào tạo có thể được tính là tín chỉ đối với bằng đại học, vì vậy hãy kiểm tra hướng dẫn để xem liệu bạn có thể chuyển môn nào của chương trình đào tạo sang tín chỉ đại học hay không.
4. Tham gia các seminar và workshop
Các seminar và workshop được tổ chức rộng rãi nhằm thúc đẩy một số chủ đề nhất định, bao gồm kiến thức về tài chính và hiểu biết về điểm tín dụng. Tham gia các seminar và workshop liên quan đến tài chính và phát triển kỹ năng đem lại lợi ích lớn cho bạn, đặc biệt là có những người làm trong lĩnh vực bạn quan tâm.
5. Trải nghiệm thực tế
Có được kinh nghiệm thực tế liên quan đến phân tích tín dụng rất hữu ích trong việc phát triển các kỹ năng của bạn. Trải nghiệm trực tiếp có thể giúp phát triển phản xạ của bạn, đó là điều mà bạn thường chỉ có thể học được khi bắt tay vào làm.
Đăng ký thực tập là một cách tốt để bạn có được kinh nghiệm. Các chương trình thực tập thường cung cấp các khóa đào tạo để giúp bạn thực hiện các công việc hàng ngày và cũng có thể là cơ hội để có được một mentor. Nó cũng sẽ là một khóa thực hành các kỹ năng lý thuyết trước khi đảm nhận toàn bộ trách nhiệm của một nhà phân tích tín dụng.
?Ứng dụng các kỹ năng phân tích tài chính tại công sở
Có nhiều cách mà kỹ năng phân tích tín dụng có thể hữu ích ở nơi làm việc:
?Kỹ năng kế toán
Các nhà phân tích tín dụng thường sử dụng các kỹ năng kế toán của họ để thực hiện phân tích tỷ số, hiểu thống kê và phân tích báo cáo tài chính. Kinh nghiệm và những gì họ được đào tạo về tài chính và kinh tế cũng làm cho họ có giá trị đối với các công ty tài chính.
?Kiến thức về ngành
Kiến thức chuyên sâu về ngành mà một nhà phân tích đang làm việc là điều quan trọng. Ví dụ, đối với những người làm việc trong lĩnh vực bất động sản, nhận thức được xu hướng thị trường trong quá khứ và hiện tại cho phép họ đưa ra quyết định sáng suốt về tính khả thi của một phần bất động sản nhất định. Kiến thức sâu sắc về các diễn biến tài chính cũng giúp các nhà phân tích tín dụng đưa ra các đề xuất có lợi cho công ty.
?Kỹ năng tin học
Phần lớn công việc của các nhà phân tích tín dụng đòi hỏi phải sử dụng máy tính và phần mềm chuyên dụng. Họ phải có một mức độ kinh nghiệm nhất định về phần mềm tài chính, đặc biệt là những phần mềm được sử dụng trong phân tích tín dụng. Các nhà phân tích cũng có thể được yêu cầu trình bày các số liệu thống kê và xây dựng các mô hình dự báo tài chính, cả hai đều đòi hỏi kỹ năng máy tính.
?Những kỹ năng cơ bản
Các nhà phân tích tín dụng sẽ cần phải có các kỹ năng tổng hợp sâu rộng để có thể làm việc ở bất kỳ đâu. Họ cần có cái nhìn tổng quát để có thể xác định dễ dàng hơn thông tin không chính xác hoặc thiếu trên báo cáo tài chính và báo cáo tín dụng. Họ cũng nên có sự tổ chức tốt để có thể theo dõi các tài liệu và dữ liệu cần thiết. Khả năng đa nhiệm cũng có lợi, vì nó giúp các nhà phân tích tín dụng quản lý một số tác vụ đồng thời mà không ảnh hưởng đến chất lượng và độ chính xác.
?Cách làm nổi bật các kỹ năng phân tích tín dụng
Làm nổi bật kỹ năng phân tích của bạn là điều cần thiết để giúp bạn nổi bật so với những ứng viên khác. Dưới đây là hai cách bạn có thể làm nổi bật các kỹ năng của mình trong quá trình tuyển dụng:
?Kỹ năng phân tích tín dụng cho sơ yếu lý lịch
Hãy đảm bảo đặt các kỹ năng tốt nhất của bạn được để ở đầu phần của mục “Kỹ năng” để người quản lý tuyển dụng có thể thấy được mức độ thành thạo của bạn. Bạn cũng có thể xem lại JD để xem liệu có bất kỳ kỹ năng cụ thể nào được liệt kê mà bạn có thể thêm vào sơ yếu lý lịch của mình hay không.
Trong phần kinh nghiệm làm việc, hãy ưu tiên các công việc liên quan đến tài chính, đánh giá rủi ro và kế toán, như vậy nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ biết ngay rằng bạn có kiến thức nền tảng về một số khía cạnh của phân tích tín dụng.
?Kỹ năng phân tích tín dụng trong phỏng vấn xin việc
Trong khi phỏng vấn của, người quản lý tuyển dụng có thể hỏi những câu hỏi nhằm xác định cách bạn đối mặt với áp lực và các tình huống phân tích tín dụng cụ thể như thế nào. Chuẩn bị câu trả lời trước bằng cách nắm rõ các khái niệm phân tích như tính toán tỷ lệ bao phủ lãi suất, xác định rủi ro tín dụng và phê duyệt các khoản vay dài hạn.
Hãy sẵn sàng trả lời các câu hỏi về cách bạn xử lý các tình huống trong thế giới thực. Người quản lý tuyển dụng có thể hỏi bạn cách bạn xử lý những khách hàng bị từ chối khoản vay.
_______________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: indeed
- Người dịch: Lê Ngọc Minh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Ngọc Minh – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=71117
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
-
iVolunteer - Cơ hội tình nguyện cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam
- Website: https://ivolunteervietnam.com/
- Email: connect@ivolunteer.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/pg/iVolunteerVietnam
- Instagram: https://www.instagram.com/ivolunteervietnam
- Group: https://www.facebook.com/groups/thongtintinhnguyen
- Youtube: https://www.youtube.com/c/iVolunteerVietnam
- TikTok: https://www.tiktok.com/@ivolunteervietnam.com