Cách Quản Lý Và Giải Quyết Thành Công Xung Đột Trong Nhóm Của Bạn

Xung đột trong làm việc nhóm có thể làm tê liệt hiệu quả của những nhiệm vụ và dự án trong tổ chức của bạn. Bất cứ khi nào có 2 hoặc nhiều người tham gia vào một hoạt động nào đó, thì mâu thuẫn xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Nó không đến một cách ngay lập tức, và các sự cố có thể xảy ra ít lần – nhưng bạn không thể tránh xung đột mãi mãi. Với tư cách là chủ doanh nghiệp hoặc người quản lý, một phần công việc của bạn là xác định, quản lý và giải quyết xung đột để nhân viên của bạn có thể làm việc hiệu quả và năng suất hơn.

Khi xung đột xuất hiện trong một nhóm, nó có thể khiến mọi thứ dừng lại. Vì vậy, bạn càng sớm giải quyết được xung đột thì càng tốt.

Dưới đây là một số gợi ý.

1. Nói chuyện riêng với từng bên

Giải quyết xung đột bắt đầu bằng việc tìm ra sự thật. Và cách tốt nhất để bắt đầu tìm ra sự thật là nói chuyện riêng với từng bên.

Tìm một nơi an toàn và riêng tư để nói chuyện với từng người có liên quan. Hỏi họ một loạt câu hỏi và thăm dò xem nguồn gốc của vấn đề là gì (theo ý kiến ​​của họ), điều đó khiến họ thất vọng như thế nào và họ tin rằng giải pháp thích hợp là gì.

Khi bạn nói chuyện riêng với những người khác nhau, một vài điều thú vị sẽ thường xảy ra. Trước hết, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy rằng các chi tiết của tình huống mỗi lần khác nhau. Đó thường không phải là vì mọi người đang nói dối. Trong hầu hết các trường hợp, đó là do mỗi người diễn giải các sự kiện khác nhau dựa trên vị trí thuận lợi của họ.

Điều thứ hai bạn sẽ nhận thấy là hầu hết mọi người thực sự muốn kết quả tương tự. Cách thức diễn ra xung đột có thể khác nhau, nhưng tất cả các cá nhân thường đồng ý rằng kết quả đôi bên cùng có lợi là tốt nhất. Nếu bạn có thể tập trung vào điều này, nó sẽ làm cho công việc của bạn dễ dàng hơn rất nhiều.

2. Đóng vai trò là người hòa giải

Một khi bạn có cơ hội để nói chuyện riêng với từng bên và tổng hợp ý kiến xung quanh sự việc đang diễn ra, đây là thời điểm thích hợp để kết nối mọi người lại với nhau. Phụ thuộc vào mức độ của xung đột, đây chắc hẳn là một môi trường khá khốc liệt và nhạy cảm. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là hãy cứ vượt qua.

Đặt kỳ vọng ngay từ đầu. Nói chung, tốt nhất bạn nên đặt mình là người hòa giải chứ không phải quan tòa. Mọi người có nhiều khả năng làm chủ bất kỳ quyết định nào được đưa ra và tuân theo các bước hành động cần thiết nếu họ tham gia vào việc đưa ra quyết định. Nếu bạn chỉ cần khắc một sắc lệnh lên đá và yêu cầu họ làm điều gì đó, ít nhất một bên (và có khả năng là cả hai) sẽ bỏ đi với một mức độ bực bội nào đó. Họ cũng sẽ không học được gì về cách giải quyết xung đột và sẽ phụ thuộc vào bạn để giải quyết các vấn đề của họ trong tương lai.

3. Xoa dịu bằng những thỏa hiệp nhỏ

Bởi vì bạn đã gặp riêng từng bên, bạn đã có ý tưởng hợp lý về bức tranh tổng thể . Bạn cũng biết nơi mà một bên sẵn sàng nhượng bộ bên còn lại. Thăm dò những khu vực này và nhờ ai đó thực hiện một thỏa hiệp nhỏ báo trước là một điềm báo tốt cho phần còn lại của quá trình giải quyết.

Ví dụ, nếu bạn có thể yêu cầu một người nhường nhịn một chút về một vấn đề nhỏ nào đó, điều ấy khiến người kia cảm thấy biết ơn và họ cũng làm tương tự. Và một khi cả hai người đã thỏa hiệp, nó sẽ loại bỏ rất nhiều sự giả tạo và cái tôi tự phụ, mở ra cánh cửa cho những thỏa hiệp lớn hơn ở những nơi khác.

4. Dự phòng xung đột trong tương lai

Xung đột lấy đi rất nhiều thứ từ nhóm của bạn. Hãy sử dụng điều này làm ví dụ và để nó truyền cảm hứng cho bạn để ngăn chặn xung đột trong tương lai.

Một trong những cách tốt nhất để tránh xung đột trong tương lai là xây dựng một đội mạnh hơn, nơi mọi người thấu hiểu và quan tâm đến nhau. Các bài tập liên kết nhóm đơn giản hoạt động cực kỳ hiệu quả. Nếu bạn đang ở trong một bối cảnh ảo, hãy cân nhắc thiết lập “ngày” ăn trưa mù hàng tuần trong đó bạn ghép đôi ngẫu nhiên các nhân viên để chia sẻ bữa trưa qua video (điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nó hoạt động thực sự hiệu quả).

Việc yêu cầu nhân viên làm một vài bài kiểm tra tính cách cũng rất hữu ích. Điều này không chỉ giúp họ biết được điểm mạnh, điểm yếu và yếu tố kích thích sợ hãi mà còn cung cấp cho bạn những hiểu biết sâu sắc về cách họ làm việc.

Xung đột không phải lúc nào cũng là điều xấu. Nếu bạn xử lý tốt khi nó xảy ra, xung đột thực sự tạo ra một số thay đổi và tăng trưởng tích cực. Nhưng để có lợi từ xung đột, bạn không thể để nó kéo dài. Khi một vấn đề được giải quyết, hãy cho nó ngủ yên. Đừng cho phép nó trở thành một điều nhức nhối trong tương lai. Đây là một trong những chìa khóa để duy trì một đội nhóm mạnh.

————————————

Xin cảm ơn những chia sẻ bổ ích của tác giả!

  • Bài viết gốc: entrepreneur.com
  • Người dịch: Trịnh Mai Lan
  • Khi chia sẻ cần trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trịnh Mai Lan – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=87681

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Latest breaking 24h news around the world Internet Explorer Channel Network


Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER