Đâu Là Bước Quan Trọng Nhất Trong Việc Ưu Tiên Mục Tiêu?

✨ Nếu bạn đã từng vinh dự được tham gia một buổi hội thảo của Tony Robbins, bạn có thể đã nghe ông ấy chia sẻ rằng “Những người thành công hỏi những câu hỏi hay hơn, và kết quả là họ sẽ có được những câu trả lời hay hơn”. Tôi nhận ra rằng ông ấy đã hoàn toàn chính xác trong việc phản ánh cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Là một chuyên viên tư vấn về hiệu quả, một trong những điều mà tôi thường hỏi khách hàng của mình là “Đâu là bước quan trọng nhất trong việc ưu tiên mục tiêu?”

✨ Việc đặt ra mục tiêu hợp lý cũng là một nghệ thuật. Một ý tưởng mơ hồ trong tâm trí không phải là mục tiêu, nó cũng chẳng phải là một danh sách những việc bạn muốn thực hiện. Có phương pháp lên kế hoạch đúng đắn sẽ giúp bạn dễ dàng thành công hơn. Hãy nhớ đến câu nói của Brian Tracy “Thất bại trong việc lập kế hoạch là lên kế hoạch cho việc thất bại của mình”.

✨ Dành cho những ai khao khát thành công, nắm vững được nguyên tắc để lập ra một chiến lược hành động hợp lý không chỉ quan trọng, mà còn vô cùng cấp thiết. May mắn thay, công việc này lại cực kì dễ dàng.

1. Phương pháp Ivy Lee

Ivy Lee là giám đốc điều hành, một doanh nhân và cũng là một người quản lý khá nổi tiếng. Phương pháp của ông đã được Charles M. Schwab – chủ tịch của tập đoàn thép Bethlehem công nhận là lời khuyên hữu ích nhất mà ông ấy từng được nhận.

Phương pháp Ivy Lee như sau:

  • Vào cuối mỗi ngày, hãy viết xuống 6 điều quan trọng nhất mà bạn muốn hoàn thành vào ngày hôm sau.
  • Xác định thứ tự ưu tiên của 6 công việc trên.
  • Vào ngày kế tiếp, khi đến nơi làm việc, hãy chỉ bắt tay vào làm công việc đầu tiên. Hãy làm cho tới khi hoàn thành rồi mới chuyển sang các công việc tiếp theo.
  • Lặp lại quá trình này mỗi ngày.

Giới hạn bản thân với 6 mục tiêu cụ thể đảm bảo rằng bạn sẽ bỏ qua tất cả những mục tiêu không quan trọng. Việc làm mỗi công việc theo thứ tự ưu tiên cũng bảo đảm rằng bạn sẽ hoàn thành được những mục tiêu quan trọng hơn đầu tiên.

2. Phương pháp Jim Rohn

Jim Rohn là bậc thầy trong việc làm mọi thứ trở nên đơn giản hơn, và phương pháp thiết lập mục tiêu của ông ấy là một ví dụ hoàn hảo cho điều này.

  • Xác định thứ mà bạn muốn làm
  • Viết chúng vào 1 tờ giấy và lập 1 danh sách
  • Thêm thời gian bạn nghĩ mình có thể hoàn thành công việc đó bên cạnh mỗi mục tiêu
  • Bắt tay vào làm việc và gạch bỏ dần những thứ bạn đã hoàn thành trong danh sách trên

Như bạn có thể thấy đó, phương pháp này rất đơn giản. Điều mấu chốt ở đây là xác định chính xác thứ mà bạn muốn làm là gì.

3. Phương pháp WOOP (Wish – Outcome – Obstacle – Plan)

WOOP là sự kết hợp viết tắt của 4 chữ: Wish (Mong muốn), Outcome (Kết quả), Obstacle (Trở ngại) và Plan (Lên kế hoạch)

  • Mong muốn (Wish) – Có mục tiêu cụ thể, thực tế và thú vị
  • Kết quả (Outcome) – Tưởng tượng bản thân đạt được mục tiêu và cảm xúc
  • Trở ngại (Obstacle) – Chú ý tới thách thức tiềm ẩn có thể khiến bạn thất bại
  • Lên kế hoạch (Plan) – Lập ra một kế hoạch hành động chi tiết để đối mặt với mỗi trở ngại.

Không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo cách mà bạn mong muốn, nhưng nhiều người thường mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng mọi thứ sẽ luôn diễn ra tốt đẹp và trôi chảy. Tuy nhiên, chúng ta đều không thể tránh khỏi những điều không mong muốn, và sự hỗn loạn sẽ xảy ra sau đó. Chính vì vậy, bước 4 của phương pháp này cực kỳ quan trọng. Lên kế hoạch đối phó với mọi thách thức bạn có thể gặp sẽ giúp bạn thoát khỏi hàng vạn sự tiêu cực và hoảng loạn.

4. Phương pháp SMART

Phương pháp này rất dễ nhớ, vì vậy nó hoàn toàn phù hợp với những người mới bắt đầu. SMART là sự kết hợp của Specific (Tính cụ thể), Measurable (Có thể đo lường được), Attainable (Tính khả thi), Relevant (Tính thực tế), Time – bound (Khung thời gian)

  • Tính cụ thể (Specific) – Bạn biết chính xác mục tiêu của mình là gì
  • Có thể đo lường đc (Measurable) – Bạn có thể đo lường và theo dõi tiến độ mục tiêu của mình
  • Tính khả thi (Attainable) – Mục tiêu của bạn mang tính thực tế và không quá xa vời tầm với
  • Tính thực tế (Relevant) – Mục tiêu của bạn đem lại động lực cho bạn
  • Khung thời gian (Time – bound) – Bạn xác định deadline cụ thể cho mục tiêu của mình

Mục đích của phương pháp này là giúp bạn đưa ra một mục tiêu có tính khả thi, cụ thể và có thể đo lường được. Ví dụ, bạn cần phải đi phân phát tờ rơi. Mục tiêu của bạn không nên là “Phân phát 1000 tờ rơi trong 2 giờ”. Lý do là bởi bạn không thể hy vọng rằng tất cả mọi người đều nhận tờ rơi của bạn. Chính vì thế, khi không đạt được mục tiêu, bạn sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái chán nản và bỏ cuộc.

Thay vào đó, bạn nên đặt mục tiêu của mình là “Tôi sẽ đi phân phát tờ rơi trong 2 giờ và sẽ chào đón những vị khách của mình bằng một nụ cười”. Bạn sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu này bởi cách hành xử và số lượng thời gian bạn bỏ ra để hoàn thành công việc hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn.

5. Phương pháp HARD

HARD là sự kết hợp của Heartfelt (Chân thành), Animated (Hoạt họa), Required (Cấp thiết) và Difficult (Khó khăn). Không giống như mục tiêu SMART tập trung vào mục tiêu thực tế và có thể đạt được, mục tiêu HARD là đem lại thử thách và trải nghiệm cho bạn. Bạn sẽ phải bước ra vùng an toàn và đạt tới giới hạn của chính bản thân mình.

Chính vì thế, phương pháp này sẽ không quá thích hợp với những người mới học cách thiết lập mục tiêu. Tuy nhiên nó lại vô cùng hữu ích đối với những người đã từng sử dụng các phương pháp khác và đã đạt được một vài thành tựu, đồng thời muốn tiếp tục thúc đẩy bản thân lên một tầm cao mới.

  • Chân thành (Heartfelt) – Mỗi mục tiêu cần có một sự gắn kết cảm xúc
  • Hoạt họa (Animated) – Tưởng tượng hình ảnh bản thân thật sự đã đạt được thành công
  • Cấp thiết (Required) – Hãy đặt ra cảm giác khẩn cấp cho mỗi mục tiêu của bạn
  • Khó khăn (Difficult) – Có những mục tiêu thách thức giới hạn bản thân

6. Phương pháp Brian Tracy

Phương pháp này gồm có 6 bước

  • Chuẩn bị 1 tờ giấy trắng và viết chữ “Mục tiêu” ở đầu trang, cùng với thời gian
  • Đưa ra ít nhất 10 mục tiêu bạn muốn hoàn thành trong năm
  • Mỗi mục tiêu hãy viết theo cấu trúc “Tôi + 1 động từ”
  • Mô tả mỗi mục tiêu tại thì hiện tại đơn như thể bạn đã thực sự đạt được nó. Ví dụ: “Tôi kiếm được $100,000 vào cuối năm nay”
  • Mỗi câu phải viết dưới dạng khẳng định. Thay vì viết “Tôi sẽ dừng ăn sô cô la”, hãy viết “Tôi ăn đồ ăn lành mạnh”
  • Hãy thiết lập các danh sách mục tiêu cho công việc, cuộc sống cá nhân, tài chính và sức khỏe

✨ Câu trả lời

Bạn có thể thấy rằng các phương pháp đều có vài sự tương đồng. Bây giờ, hãy đưa ra câu trả lời cho câu hỏi ban đầu: “Đâu là bước quan trọng nhất trong việc ưu tiên mục tiêu?”

Bạn có thể sử dụng bất kỳ phương pháp nào để thiết lập mục tiêu, nhưng bạn phải hiểu lý do tại sao bạn lại làm thế. Friedrich Nietzche đã từng nói: “Khi bạn có đủ lý do để làm, bạn có thể sẵn sàng vượt qua mọi nghịch cảnh để thực hiện chúng”. Những mục tiêu lớn cần sự quyết tâm to lớn, đó là lý do tại sao chỉ có số ít người thực sự đạt được chúng.

Những người quản lý, những doanh nhân thành đạt và các giám đốc điều hành đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu, nhưng không phải ai trong số họ cũng thực sự “đặt bút” để lên kế hoạch.

Ý tưởng luôn tồn tại trong tâm trí chúng ta. Nhưng chúng chỉ có thể trở thành hiện thực khi chúng xuất hiện ngay trước mắt ta, giấy trắng mực đen. Một khi chúng được viết xuống, chúng trở nên chân thật và rõ ràng, và chỉ có vậy, chúng ta mới có thể tìm ra đâu là mục tiêu cần phải ưu tiên.

—————————————————————————————

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.

  • Tác giả: Adrian Shepherd
  • Bài viết gốc: Tại đây
  • Người dịch: Ánh Dương
  • Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Người dịch: Ánh Dương  – Nguồn: iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=63874

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Latest breaking 24h news around the world Internet Explorer Channel Network


Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER