7 Điều Cần Nhớ Khi Đi Phỏng Vấn (Đối Với Sinh Viên)

❌❌❌   Đối với các bạn sinh viên mới ra trường thì chắc hẳn phỏng vấn là một nỗi ác mộng. Và thường thì các bạn sinh viên, kể cả phỏng vấn đi làm part-time hay full-time thì đều mắc những lỗi giống nhau. Dưới đây là bài chia sẻ của bạn Minh Đạt về các lỗi mà sinh viên hay gặp phải, đồng thời cũng là kinh nghiệm phỏng vấn mà bạn rút ra trong 4 năm là sinh viên. Hãy cùng đọc và ngẫm xem có đúng không nhé 

✨ Hôm vừa rồi ở bài góc nhìn thế hệ Z ở chủ đề phỏng vấn công việc thì thấy chưa nhiều bạn chia sẻ nên hôm nay mạo muội tổng hợp lại chút kinh nghiệm mình có được từ khoảng 10 lần phỏng vấn tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến tập đoàn lớn. Mong mọi người sẽ coi đó như một góc nhìn để giúp các bạn chuẩn bị tốt hơn trước mỗi buổi phỏng vấn trong thời gian tới.

✨ Đầu tiên thì các bạn cần tạm quên đi cụm từ “phỏng vấn xin việc”, bây giờ thị trường việc làm đã công bằng hơn rất nhiều, ở phía người lao động và phía nhà tuyển dụng cũng đã cân bằng hơn rất nhiều so với cái thời ngày xưa lúc nào nhà tuyển dụng cũng là bề trên. Chúng ta là người lao động, chúng ta mang sức lao động và trí tuệ để đổi lấy vị trí làm việc với mức lương phù hợp từ nhà tuyển dụng. Đây là một hoạt động trao đổi ngang hàng hết sức bình thường và không có ai là bề trên ai là người ở dưới. Giữ được tâm thế như vậy trước thì mình tin bạn sẽ không bị lép về trong những buổi phỏng vấn.

✨ Tổng hợp những lưu ý chính dành cho các bạn ứng viên như sau:

▶   Hãy thành thật

❗Đừng dối lòng, lừa người khác bằng cách Fake CV quá mức về kinh nghiệm và kỹ năng, bạn có qua được vòng CV thì cũng sẽ tạch dễ dàng ở vòng phỏng vấn mà thôi, nhà tuyển dụng hỏi vài câu về kinh nghiệm thực tế là họ biết ngay.

❗Hãy hiểu bản thân trước cả về điểm mạnh và điểm yếu, khi đó đi phỏng vấn với bạn sẽ như đi cafe vui vẻ mà thôi, trong chính câu trả lời của người hiểu mình luôn thể hiện ra thần thái của sự “tự tin”. Tự tin ở đây không phải là tin vào những điều mình không có mà là tin vào bản thân mình đang thiếu gì, có gì và cần gì để mà đối đáp lại với nhà tuyển dụng. Khi bạn đã biết bản thân ở đâu rồi ý thì chẳng câu hỏi nào làm khó bạn đâu, dù không biết thì bạn cũng sẽ tự có cách ứng biến tìm ra 1 câu trả lời khéo léo mà ấn tượng thôi.

♦️Ví dụ: Thay vì trả lời “em không biết” quá ngắn gọn trước một câu hỏi thì có thể hướng đến những điều tích cực hơn rằng “…chính vì em không biết cho nên mới cần tìm đến môi trường này để chinh phục những mảng kiến thức mà em còn thiếu bằng cách tự học hỏi nhanh trong công việc,…” lúc này thì lại lái được sang một cách PR về bản thân mình dùng khá thường xuyên. Biến cái bất lợi thành có lợi thay vì để cơ hội trôi qua.

▶   Hãy chuẩn bị tâm thế tốt

❗Cái này thì bạn cần chuẩn bị không phải ngày một ngày hay mà là suốt quãng thời gian khi bạn mới lên đại học, hãy bắt đầu xây dựng lối suy nghĩ cầu tiến và thái độ chuẩn mực qua từng ngày, từng công việc, càng sớm càng tốt. Khi bạn có được tâm thế vững vàng thì bạn sẽ có được trạng thái tự tin và chân thành để đối diện với buổi phỏng vấn một cách tốt nhất. Ai cũng hiểu rằng buổi phỏng vấn là để 2 bên cùng tìm ra điểm chung bằng những gì mà bạn cần (Lương, cơ hội phát triển,…) và với nhà tuyển dụng là (Một vị trí phù hợp với văn hóa, làm được việc,…) nên là khi nắm rõ được bản thân và người đối diện cần gì thì bạn sẽ dễ dàng làm chủ buổi phỏng vấn. Chung quy lại cũng là hiểu câu hỏi: “Vì sao tôi cần vị trí này, công việc này?” hãy suy nghĩ về công việc này và chuẩn bị vài cách trả lời khéo léo nhưng đi vào đúng nhu cầu của 2 bên, đừng chỉ nói về bạn nhé.

♦️Ví dụ: Có thể trả lời vài định hướng sâu hơn như các diễn đàn tuyển dụng hay chia sẻ đó là: “Đến để đạt được vị trí này trong ngành này ngành kia, hoặc là đến để tìm kiếm một môi trường cạnh tranh với những người trẻ năng động,…”. Cái này thì phải tự tìm hiểu công ty thôi) hoặc nói chung chung cũng được, ai khéo nói thì cũng coi như nịnh khéo được công ty luôn. Nhưng chốt lại vẫn là biết mình làm công việc này để làm gì, nghĩ cho kỹ rồi đi phỏng vấn, trả lời thì đừng vòng vo mà thành thật, chân thành là được.

▶   Hãy nói về những kinh nghiệm của bạn

❗Kinh nghiệm đi làm trước kia của bạn chính là thứ quý giá nhất mà nhà tuyển dụng có thể kiểm tra ngay trong buổi phỏng vấn, mức độ ưu tiên sẽ là: Từng lập công ty, Key Person trong doanh nghiệp, Leader Project, Leader team, từng đi làm vị trí nhân viên, được học về kỹ năng của vị trí đó, có am hiểu,… Chưa có kinh nghiệm (Mình nghĩ thế)

❗Nhà tuyển dụng họ quan tâm là bạn đã làm được gì và chứng minh qua những gì, bởi vì thị trường việc làm đang thay đổi, bằng cấp đang mất đi giá trị để nhường chỗ cho những yêu cầu cao hơn giúp cho việc thanh lọc đầu vào hiệu quả nhất tránh cho doanh nghiệp mất thời gian và tiền bạc đi đào tạo nhân sự mới.

❗Hãy nói về những việc mà bạn đã làm theo những khung câu hỏi của nhà tuyển dụng, họ đã có khung câu hỏi cho vị trí của bạn nhưng bạn có quyền và cơ hội để dẫn dắt những câu trả lời của mình theo một hướng có lợi cho bạn qua những câu hỏi đó, bạn hãy tự xâu chuỗi những câu trả lời của mình lại qua từng câu hỏi để chốt ra lý do cuối cùng ở buổi phỏng vấn là họ cần nhận bạn vào, cách kể chuyện cũng là một kỹ năng quan trọng mình nghĩ ai cũng nên có. Nó giúp bạn chủ động dành lấy spotlight trong buổi phỏng vấn thay vì thụ động trả lời từng câu hỏi của nhà tuyển dụng, cơ hội là ở bạn.

▶   Deal lương như thế nào cho khéo

❗Đừng bảo bạn đi làm vì đam mê, ai cũng có nhu cầu cơ bản đó là thu nhập nuôi sống bản thân và cơ hội phát triển để nâng cao trình độ. Đôi khi bạn trả lời em đi làm vì đam mê c-còn dễ bị đánh trượt phỏng vấn hơn vì người biết coi trọng giá trị của đồng tiền thì mới biết cách kiếm ra nó. Khi bạn hiểu vì sao công ty lại trả cho bạn ngần này lương thì tức là giá trị của bản thân bạn đang ở mức tương xứng với đồng lương đó để mà cố gắng nâng cao giá trị bản thân lên.

❗Deal lương thì tùy vào cách mỗi bạn deal còn mình thỉnh thoảng deal theo hướng là lương cả năm (Với những công việc có thiên hướng sẽ làm full-time). Còn với vị trí Part-time thì bạn căn cứ vào các mức lương trung bình mà các công ty cùng ngành thường deal cho vị trí mà bạn đang phỏng vấn cũng như trong JD cũng có ghi khoảng lương rồi nên bạn sẽ tìm ra con số lương phù hợp để deal. Nhưng cũng cần hiểu bản thân đang có những kỹ năng gì đáp ứng được vị trí thì sẽ hiểu được nên deal mức lương bao nhiêu. Part-time thì cứ đi thẳng vào vấn đề chính, em muốn lương từ x-y triệu/ tháng, trong đó x là con số mà bạn hướng đến, nên cao hơn mức bạn kỳ vọng một chút nếu bạn đã có kinh nghiệm đi làm rồi.

♦️ Ví dụ: Bạn muốn lương 9tr/ tháng thì có thể nói là: “Em mong muốn mức thu nhập tại công ty là 110-130tr/ năm chưa tính thưởng”, như thế bạn làm được 3 điều đó là neo khoảng lương của bạn cho nhà tuyển dụng biết điểm max và min, min chính là con số lương mà bạn hướng đến, nhưng họ sẽ có thể sẽ deal cao hơn bạn nghĩ vì bạn đang sử dụng “hiệu ứng chim mồi”. Thứ 2 là cách deal lương như vậy không đi trực diện vào con số chính xác, giúp bạn tránh bị deal thấp so với dự tính, thứ 3 là khi bạn nói ra mức lương theo năm thì họ hiểu là bạn sẽ gắn bó lâu dài thay vì ngắn hạn, nhà tuyển dụng rất thích nhân sự gắn bó lâu dài để ổn định đội ngũ. Nước ngoài họ cũng hay deal lương theo năm nên bạn cũng nên thử deal xem sao.

▶   Thái độ chuẩn mực

❗Thái độ chuẩn mực, sống ngay thẳng, luôn tích cực và tươi tỉnh thì bạn sẽ có tư thế và phong thái phỏng vấn cực kỳ ấn tượng. Người ta nói rồi là “tâm sinh tướng”, khi bạn vững cái tâm thì tướng mặt nó thể hiện ra là người tự tin, vui vẻ, tích cực. Khi bạn đã mang tâm thế chiến thắng từ nhà đi thì dù có trượt phỏng vấn thì bạn vẫn là người chiến thắng, nhưng là chiến thắng trong những buổi phỏng vấn trong tương lai, bạn còn nhiều cơ hội mà.

▶   Đặt câu hỏi ngược lại ở cuối buổi phỏng vấn

❗Nên hỏi ở cuối buổi nhé, nên hỏi về văn hóa công ty, cách làm việc, chiến lược phát triển của công ty, định hướng vị trí của bạn,… Hỏi như vậy cho thấy bạn thực sự quan tâm đến công việc này, bạn rất cầu thị và hiểu về những gì mà bạn thân sẽ làm khi tham gia công ty, nhà tuyển dụng thích như vậy. Cuối cùng nên hỏi bao giờ em nhận được phản hồi và phản hồi qua kênh nào bạn nhé, bạn sẽ đỡ phải chờ đợi trong lo lắng và hồi hộp, ấn định ngày chốt kết quả là được.

▶   Làm gì để gây ấn tượng nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn

❗Nếu được khi phỏng vấn xong nên gửi Email ngược lại cảm ơn ngắn gọn về buổi phỏng vấn, chia sẻ thêm một vài cảm xúc và nhắc lại mong muốn của bạn. Đó là một việc đơn giản nhưng sẽ gây ấn tượng thêm cho họ, cái này không bắt buộc nhưng bạn có thể tự làm bởi vì “Thái độ quan trọng hơn trình độ” bởi vì sau buổi phỏng vấn bạn vẫn phải tranh đấu với một vài ứng viên khác cho vị trí đó, khi mà năng lực tương đương nhau thì bạn sẽ chiến thắng ở hạng mục thái độ, biết đâu đấy.

❗Mong rằng 7 điều trên sẽ giúp bạn có thêm những góc nhìn về việc phỏng vấn, phỏng vấn không đáng sợ, đáng sợ là phỏng vấn mà không có sự chuẩn bị tốt. Giống như đi thi, khi bạn học bài kỹ thì việc đi thi lại trở nên đơn giản và thoải mái. Mình rất thích đi phỏng vấn bởi vì khi đi phỏng vấn mình lại hiểu thêm về thị trường công việc này, hiểu thêm về các cách đối đáp trong buổi phỏng vấn làm sao để khéo léo và gây ấn tượng nhất. Chúc cho bạn sẽ có được những buổi phỏng vấn tốt trước những nhà tuyển dụng để có được công việc mà bạn hằng mơ ước.

Tác giả: Minh Đạt (đăng tải trong Viết lách mỗi ngày)

 ??  Chân thành cảm ơn tác giả về những lời khuyên hữu ích này. Mong rằng sau khi đọc xong, phỏng vấn sẽ không còn là nỗi sợ đối với sinh viên nữa. Hãy luôn tự tin là chính mình và cố gắng chinh phục được các nhà tuyển dụng nhé!

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=23269

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Latest breaking 24h news around the world Internet Explorer Channel Network


Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER