Series Bắt Đầu Kinh Doanh Phần 2: Cơ Cấu Kinh Doanh Và Đăng Ký Doanh Nghiệp

Tiếp theo trong loạt bài về cách để bắt đầu kinh doanh, chúng ta sẽ xem xét lựa chọn cơ cấu kinh doanh phù hợp cho bạn, cũng như cách đăng ký doanh nghiệp.

Các bước tiếp theo của bạn tập trung vào việc chọn cách thức tổ chức doanh nghiệp phù hợp, cũng như cách đăng ký. Đây là hai quyết định có thể định hình cách thức hoạt động của công ty bạn trong tương lai.

Các cơ cấu kinh doanh khác nhau là gì?

Có lẽ quyết định lớn nhất mà bạn cần đưa ra sớm khi thành lập công ty là loại cấu trúc mà công ty sẽ thực hiện. Có một số tuyến đường khác nhau để bạn lựa chọn, mỗi tuyến đường đều có ưu và nhược điểm riêng, cũng như các tác động đối với những thứ như thuế và trách nhiệm pháp lý.

Để cho dễ hiểu, chúng tôi sẽ đề cập đến bốn loại cơ cấu doanh nghiệp phổ biến nhất. Có những lựa chọn sẵn có khác, nhưng những lựa chọn này thường phức tạp hơn. Ví dụ, một công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng (PLC) yêu cầu chủ sở hữu huy động một lượng vốn đáng kể trên thị trường chứng khoán.

Những lựa chọn được nêu dưới đây có thể thiết lập và đăng ký tương đối dễ dàng:

1) Công ty tư nhân

Nhiều người làm nghề tự do và những người tự kinh doanh khác đăng ký doanh nghiệp với tư cách là công ty tư nhân. Khởi đầu phương pháp này khá đơn giản vì bạn chỉ cần đăng ký với HMRC. Từ đó, bạn có thể giữ tất cả lợi nhuận mà mình kiếm được sau khi bạn đã nộp thuế và bảo hiểm quốc gia (NI).

Về vấn đề thuế, bạn sẽ cần phải ghi chép lại tất cả các doanh thu và chi phí của doanh nghiệp. Sau đó mỗi năm, bạn sẽ phải điền vào biểu mẫu thuế tự đánh giá của mình và thanh toán những khoản thuế và NI mà bạn nợ. Ngoài việc chịu trách nhiệm về thuế, bạn cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân về mọi khoản nợ hoặc hành động pháp lý chống lại bạn.

Dành cho ai

Đối với những người chỉ muốn bắt đầu kinh doanh và không có nhiều tiền mặt, đăng ký làm công ty tư nhân là một lựa chọn tốt. Đó là con đường thường được các chuyên gia tự kinh doanh như nhiếp ảnh gia, người viết quảng cáo tự do, thợ làm tóc độc lập, v.v. lựa chọn.

✔️ Ưu điểm

  • Thiết lập và duy trì nhanh chóng, dễ dàng, không tốn kém.
  • Bạn được giữ toàn quyền kiểm soát các quyết định.
  • Chi phí kinh doanh được khấu trừ thuế, chẳng hạn như chi phí đi lại và thiết bị.
  • Linh hoạt, vì bạn có thể hành động mà không cần đối tác hoặc cổ đông cho phép.

✔️ Nhược điểm

  • Bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn cho bất kỳ khoản nợ hoặc các vấn đề pháp lý phát sinh.
  • Bạn có thể phải trả nhiều thuế hơn khi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn.
  • Một số công ty lớn hơn sẽ không giao dịch với các công ty tư nhân.
2) Quan hệ đối tác

Như tên gọi, đây là một công ty hợp danh bao gồm hai hoặc nhiều thực thể (một người hoặc một công ty trách nhiệm hữu hạn) cùng chia sẻ trách nhiệm kinh doanh và lợi nhuận. Mỗi đối tác được coi là tư nhân và trả thuế dựa trên phần lợi nhuận của họ. Mỗi bên cũng phải đăng ký với HMRC, mặc dù ‘đối tác được chỉ định’ chịu trách nhiệm giải quyết tờ khai thuế hàng năm.

Quan hệ đối tác phổ biến khi hai cá nhân hợp tác chặt chẽ để xây dựng một doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có một thỏa thuận về cách chia sẻ những thứ như lợi nhuận, quyền sở hữu và trách nhiệm pháp lý. Trong quan hệ đối tác tiêu chuẩn, tất cả các thành viên hợp danh đều phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ mà doanh nghiệp mắc phải, bất kể cá nhân nào đã vay chúng.

Dành cho ai

Đối với những người muốn chia sẻ quyền quản lý và rủi ro trong việc điều hành doanh nghiệp thì quan hệ đối tác là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, sự tin tưởng là một điều cần thiết khi quyết định hợp tác với ai. Ví dụ, nhiều cặp vợ chồng sẽ chọn cơ cấu này khi thành lập công ty cùng nhau.

Các chuyên gia với kinh nghiệm có thể chia sẻ được thường hình thành quan hệ đối tác, vì họ có thể đưa ra quyết định cùng nhau trong khi chia sẻ lợi nhuận. Các bác sĩ, nha sĩ và luật sư đôi khi sẽ sử dụng cơ cấu này, mặc dù quan hệ đối tác trách nhiệm hữu hạn phổ biến hơn (LLP, xem bên dưới).

✔️ Ưu điểm

  • Đối với một công ty tư nhân, chi phí thiết lập và duy trì quan hệ đối tác khá thấp và không phức tạp.
  • Báo cáo tài chính rất đơn giản, vì mỗi đối tác sẽ được coi là tự kinh doanh.
  • Nếu cần vốn để phát triển công việc kinh doanh, các bên có thể chia sẻ trách nhiệm.

✔️ Nhược điểm

  • Trách nhiệm đối với các khoản nợ và các vấn đề pháp lý vẫn còn ràng buộc với tài chính cá nhân của mỗi đối tác.
  • Khi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn, bạn thường sẽ phải trả nhiều tiền thuế hơn so với các cơ cấu khác.
  • Có thể khó để kết thúc mọi việc với nhiều đối tác.
?3) Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn (LLP)

Cơ cấu doanh nghiệp này đã giải quyết được vấn đề trách nhiệm vô hạn đối với từng đối tác. Nhìn bề ngoài, cơ cấu này áp dụng hầu hết các quy tắc tương tự như với quan hệ đối tác thông thường. Mỗi đối tác phải đăng ký với HMRC dưới tư cách là doanh nghiệp tự do. Tương tự, cần có hai ‘thành viên được chỉ định’ chịu trách nhiệm khai báo tài khoản.

Tuy nhiên, tài sản của các đối tác được bảo vệ tốt hơn. Trách nhiệm nợ được giới hạn tùy thuộc vào số tiền mà mỗi đối tác đã đầu tư hoặc đảm bảo trong quá trình thiết lập ban đầu. Với sự bảo vệ này, các đối tác phải đăng ký với Cục quản lý Công ty và công khai thu nhập của họ mỗi năm.

Dành cho ai

LLP giống như sự kết hợp giữa công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân (Ltd, xem bên dưới). Do đó, cơ cấu này trở thành một lựa chọn tốt cho những người cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp đang hy vọng sẽ phát triển để thu hút các chuyên gia khác. Ví dụ, những người trong ngành dịch vụ tài chính và luật thường chọn cấu trúc này nhờ vào sự bảo vệ bổ sung.

✔️ Ưu điểm

  • LLP cung cấp rất nhiều tính linh hoạt.
  • Kết hợp những lợi thế của quan hệ đối tác với những lợi thế của một công ty trách nhiệm hữu hạn.
  • Thỏa thuận của các thành viên nêu rõ phần lợi nhuận mà mỗi đối tác nhận được.

✔️ Nhược điểm

  • Đối tác phải tiết lộ thu nhập của họ.
  • Các ưu đãi về thuế không có lợi bằng các ưu đãi đi kèm với Ltd.
4) Công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân (Ltd)

Một công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân được thành lập và giới hạn bởi cổ phần. Về cơ bản nghĩa là nó đã được đăng ký với Cục quản lý Công ty, do đó nó là một thực thể pháp lý theo đúng nghĩa. Đối với chủ sở hữu của công ty, điều này có nghĩa là họ không chịu trách nhiệm về bất kỳ khoản nợ nào của công ty vượt quá giá trị cổ phần mà họ nắm giữ.

Loại cơ cấu kinh doanh này yêu cầu ít nhất một giám đốc đã đăng ký, cũng như một cổ đông. Tuy nhiên, một người có thể hoạt động như cả hai. Việc đăng ký công ty sẽ tốn tiền và bạn cần cung cấp nhiều giấy tờ hơn so với các cấu trúc khác.

Dành cho ai

Đối với những người muốn tạo uy tín cho doanh nghiệp của họ, đồng thời kiểm soát mức độ rủi ro thì công ty trách nhiệm hữu hạn là một lựa chọn hợp lý. Điều đó không chỉ có nghĩa là tài sản cá nhân của bạn được bảo vệ mà còn giúp bạn có thể dễ dàng vay tiền hơn nếu cần.

Về thuế, mọi thứ có thể diễn ra thuận lợi hơn cho các công ty trách nhiệm hữu hạn. Họ trả thuế công ty dựa trên lợi nhuận, điều này thường có nghĩa là chủ sở hữu được hưởng lợi hơn so với các cơ cấu khác. Tuy nhiên, cơ cấu này cần xem xét nhiều yêu cầu quản lý và quy định hơn và tất cả các tài khoản đều phải công khai.

✔️ Ưu điểm

  • Với công ty trách nhiệm hữu hạn, rủi ro pháp lý và tài chính cá nhân được giảm thiểu.
  • Khách hàng doanh nghiệp có nhiều khả năng sẽ làm việc với bạn hơn.
  • Nếu bạn đang kiếm được số tiền lớn, bạn sẽ có khả năng phải trả ít thuế hơn.

✔️ Nhược điểm

  • Việc thiết lập và duy trì doanh nghiệp phức tạp và tốn kém hơn.
  • Bạn sẽ phải công khai tài khoản hàng năm của mình, ai cũng có thể xem được tài khoản này.
Cách để đăng ký doanh nghiệp

Hy vọng rằng bây giờ bạn đã quen với các lựa chọn khi nói đến cấu trúc doanh nghiệp. Tùy thuộc vào cách bạn chọn, bạn sẽ phải đăng ký theo những phương thức hơi khác nhau. Có những điểm giống và khác biệt giữa bốn cấu trúc mà chúng tôi đã nêu ở trên. Thay vì đưa ra đầy đủ chi tiết, chúng tôi đã nêu rõ những điểm chính cho từng loại hình công ty:

Công ty tư nhân

  • Đăng ký với HMRC để tự đánh giá thuế
  • Bắt đầu ghi lại doanh thu và chi phí của bạn
  • Hoàn thành tờ khai thuế hàng năm mà bạn giao dịch
  • Trả thuế thu nhập và NI dựa trên thu nhập của bạn
  • Nếu doanh thu của bạn trên 85.000 bảng Anh, bạn sẽ cần đăng ký VAT

Quan hệ đối tác

  • Chọn một cái tên cho quan hệ đối tác của bạn
  • Chọn một ‘đối tác được chỉ định’ để quản lý các tờ khai thuế và lưu giữ hồ sơ
  • Đăng ký quan hệ đối tác của bạn với HMRC (và với tư cách là ‘đối tác được chỉ định’ nếu bạn được chỉ định)
  • Đăng ký riêng với tư cách cá nhân và trả Thuế thu nhập và NI dựa trên thu nhập của bạn
  • Nếu doanh thu của bạn trên 85.000 bảng Anh, bạn sẽ cần đăng ký VAT

LLP

Đăng ký LLP sẽ phức tạp hơn một chút và bạn sẽ cần cung cấp thêm thông tin. Các bước đăng ký bao gồm:

  • Chọn tên cho LLP của bạn
  • Đăng ký một địa chỉ, địa chỉ này sẽ được công bố rộng rãi
  • Chỉ định ít nhất hai người làm ‘thành viên được chỉ định’. Họ có trách nhiệm đăng ký doanh nghiệp để tự quyết định thuế.
  • Tạo một thỏa thuận LLP nêu rõ cách bạn sẽ điều hành công ty, phân chia lợi nhuận và trách nhiệm.
  • Đăng ký LLP với Cục quản lý Công ty

Ltd

Để thiết lập một công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, bạn sẽ cần thực hiện theo nhiều bước tương tự như với LLP. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thông tin bổ sung, khiến cơ cấu này trở thành loại hình phức tạp hơn để đăng ký:

  • Chọn tên cho công ty trách nhiệm hữu hạn của bạn
  • Chọn một giám đốc/ các giám đốc
  • Đề cử ít nhất một cổ đông hoặc người bảo lãnh. Người này có thể là giám đốc. Bạn cũng cần xác định những cổ đông sở hữu trên 25% cổ phần.
  • Chuẩn bị một biên bản thoả thuận về hiệp hội. Đây là một thỏa thuận được ký kết bởi tất cả các cổ đông ban đầu đồng ý rằng họ muốn thành lập công ty.
  • Chuẩn bị các điều khoản cho hiệp hội. Đây là các quy tắc bằng văn bản mà các cổ đông và giám đốc công ty bạn đồng ý.
  • Kiểm tra các loại hồ sơ và tài khoản bạn sẽ cần giữ.
  • Đăng ký địa chỉ chính thức và chọn mã Phân loại công nghiệp tiêu chuẩn (SIC).
  • Đăng ký Công ty trách nhiệm hữu hạn của bạn với Cục quản lý Công ty.

Đối với những người đang muốn thành lập công ty của riêng mình, có rất nhiều lựa chọn khác nhau sẵn có khi nói đến cơ cấu kinh doanh. Bốn loại cấu trúc mà chúng tôi đã đề cập ở đây là phổ biến nhất và dùng cho mục đích chính đáng. Cách thiết lập và duy trì của mỗi loại đều tương đối đơn giản, mặc dù LLP hay Ltd phức tạp hơn một chút.

Tùy thuộc vào lĩnh vực bạn đang tham gia và kế hoạch kinh doanh, bạn có thể xác định cấu trúc nào phù hợp nhất với mục tiêu và tham vọng hiện tại của mình.

—————————————–

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Bài viết gốc: futurelearn.com
  • Người dịch: Lương Phương Thảo
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lương Phương Thảo – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=84584

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Latest breaking 24h news around the world Internet Explorer Channel Network


Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER