Bạn Đã Lỡ Gửi Thư Xin Nghỉ Việc Nhưng Muốn Rút Lại? Đâu Là Thời Điểm Thích Hợp Và Cần Làm Như Thế Nào?

Nếu bạn nghỉ việc vì một lý do cụ thể nào đó và đột nhiên hoàn cảnh thay đổi, bạn có thể cân nhắc việc cố gắng yêu cầu nhà tuyển dụng bỏ qua đơn từ chức của bạn. Nếu bạn tin rằng việc rút lại đơn từ chức là vì lợi ích tốt nhất thì bạn có thể thực hiện một số bước để duy trì mối quan hệ với đội nhóm của mình và tăng cơ hội giữ được việc làm.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ bàn về quy trình huỷ bỏ đơn xin thôi việc tại chỗ làm hiện tại của bạn và một số điều cần lưu ý khi cố gắng rút lại đơn từ chức.

Huỷ bỏ thư xin nghỉ việc nghĩa là gì?

Huỷ bỏ một lá thư xin thôi việc là khi bạn thông báo cho nhà tuyển dụng rằng bạn không còn muốn rời vị trí làm việc tại tổ chức của họ nữa. Nếu bạn gửi một bức thư xin huỷ bỏ đơn từ chức thì nhà tuyển dụng sẽ quyết định xem bạn có thể ở lại hay không, hoặc họ sẽ giữ nguyên các điều khoản trong thông báo từ chức ban đầu của bạn.

Khi huỷ bỏ đơn từ chức, bạn phải nêu rõ bằng văn bản rằng bạn muốn rút lại tuyên bố trước đây và yêu cầu được phép tiếp tục làm việc sau ngày nghỉ việc dự kiến của bạn. Bạn nên trao đổi với người quản lý trực tiếp và bộ phận nhân sự để lưu giữ hồ sơ chính xác về việc rút đơn của mình.

Lý do huỷ bỏ đơn xin thôi việc

Có rất nhiều lý do khiến ai đó huỷ bỏ đơn xin thôi việc. Yêu cầu được tiếp tục làm việc sau khi nghỉ việc có thể gây ra sự căng thẳng trong đội nhóm và khiến họ nghi ngờ khả năng đưa ra quyết định của bạn, vì vậy điều thiết yếu là phải hiểu được tại sao bạn muốn huỷ bỏ đơn xin thôi việc và có lý do chính đáng để bảo vệ quyết định của mình. Một số lý do khiến bạn có thể thay đổi ý định nghỉ việc và cố gắng huỷ bỏ đơn xin từ chức bao gồm:

Những bí quyết để huỷ bỏ đơn xin thôi việc một cách hiệu quả

Nếu bạn đã quyết định rằng bạn muốn làm việc trở lại, làm theo những bí quyết sau sẽ khiến quá trình trở nên dễ dàng hơn:

✅ Nắm rõ quyền lợi của bạn

Tuỳ thuộc vào nơi bạn sống, bạn có thể có các biện pháp bảo hộ pháp lý về việc huỷ bỏ đơn xin thôi việc. Hãy xem xét tình huống một nhân viên từ chức và cấp trên của họ nói rằng họ có thể thay đổi ý định bất cứ lúc nào. Khi nhân viên đó huỷ bỏ đơn xin thôi việc, cấp trên nói rằng họ không thể chấp nhận việc rút đơn. Ở một số bang và quốc gia, nhân viên có thể yêu cầu chấm dứt hợp đồng sai phạm vì sếp của họ đã hứa rằng họ có thể quyết định ở lại.

Trường hợp này không phải diễn ra ở mọi nơi, vì vậy hãy nghiên cứu luật lao động ở địa phương bạn và tiếp tục nhờ cố vấn pháp lý nếu bạn có lý do tin rằng bạn có quyền hợp pháp để giữ công việc của mình dù đã từ chức.

✅ Đọc sổ tay công ty của bạn

Xem lại sổ tay công ty và hợp đồng lao động ban đầu để tìm kiếm bất kỳ thông tin nào về đơn từ chức và việc rút lại đơn từ chức. Một vài công ty có thể có các chính sách để xử lý việc rút lại đơn bằng cách yêu cầu bạn điền vào các biểu mẫu với bộ phận nhân sự. Nếu công ty của bạn không có chính sách gì, hãy bắt đầu bằng việc chuẩn bị một tuyên bố rút đơn bằng văn bản.

✅ Nói chuyện với cấp trên của bạn trước khi huỷ đơn

Trước khi bạn gửi thông báo chính thức về việc huỷ đơn từ chức, hãy nói chuyện với cấp trên về khả năng bạn ở lại đội. Bạn vẫn có thể cố gắng huỷ bỏ đơn xin thôi việc bất kể họ có muốn giữ bạn lại làm nhân viên hay không, nhưng hiểu rõ thái độ của họ trước khi nộp đơn có thể giúp bạn quản lý kỳ vọng của mình.

Nói chuyện với cấp trên cũng có thể giúp bạn thiết lập giọng điệu của bức thư. Viết thư xin huỷ bỏ đơn từ chức khi sếp nói với bạn rằng họ muốn bạn ở lại sẽ sử dụng các chiến lược ăn nói khác với lúc sếp đã thuê người thay thế bạn.

✅ Mở đường dây liên lạc

Hãy nói rõ với cấp trên của bạn rằng bạn sẵn sàng thảo luận những phương án khác nhau có thể giúp bạn duy trì vị trí làm việc hiện tại. Hãy hỏi về thời điểm bạn dự kiến bạn nhận được quyết định và tôn trọng rằng có thể họ cần thời gian để thảo luận về quyết định với các lãnh đạo khác của công ty.

✅ Chuẩn bị bằng chứng

Nếu bạn có lý do đặc biệt chính đáng để muốn được tiếp tục làm việc, bạn có thể cân nhắc đến việc chuẩn bị bằng chứng để trình bày chính xác lý do hoàn cảnh thay đổi với sếp của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang nghỉ việc để chăm sóc một thành viên trong gia đình bị ốm và họ bất ngờ hồi phục, sếp của bạn có thể buộc phải giữ bạn tiếp tục ở lại làm nhân viên. Có một số biên nhận cơ bản liên quan đến hoàn cảnh của bạn có thể giúp bạn thuyết phục đội nhóm của mình rằng bạn xứng đáng có cơ hội thứ hai và không có nguy cơ bỏ việc lần nữa.

✅ Tiếp tục thể hiện

Hãy làm việc chăm chỉ ở vị trí của mình và cố gắng thể hiện sự xuất sắc khi hoàn thành mọi trách nhiệm. Duy trì mức hiệu suất cao và vượt mục tiêu sẽ giúp bạn thể hiện giá trị của mình đối với công ty và cho sếp thấy rằng bạn không hề trở nên kém tận tâm hơn chỉ vì trước đây bạn nghĩ rằng mình cần phải nghỉ việc. Tận tuỵ với công việc cũng giúp bạn bắt đầu xây dựng niềm tin với đồng nghiệp và thể hiện niềm đam mê đối với công việc mà bạn làm.

✅ Thông báo cho đồng nghiệp của bạn sau đó

Một số đồng nghiệp của bạn có thể đã cảm thấy bất tiện khi bạn từ chức, và việc huỷ bỏ đơn từ chức có nghĩa là họ đã lãng phí thời gian và năng lượng của mình mà về cơ bản là không vì điều gì cả. Cho đến khi có quyết định chính thức, hãy đợi để nói với đồng nghiệp của bạn rằng bạn sẽ ở lại nhóm để tránh khiến họ gặp thêm bất kỳ sự không chắc chắn hay bối rối nào. Hãy sẵn sàng trả lời các câu hỏi và chuẩn bị cho thái độ cảnh giác trong nhóm khi bạn chứng minh sự cống hiến của mình cho nhóm.

Cách viết một bức thư xin huỷ bỏ đơn từ chức

Làm theo các bước sau để chuẩn bị một bức thư xin huỷ bỏ đơn từ chức:

✍️ 1. Gửi đến sếp và bộ phận nhân sự

Mở đầu với tiêu đề bao gồm ngày xin rút đơn, tên và chức danh của bạn. Hãy gửi thư cho chính người mà bạn đã gửi đơn ban đầu để giải quyết việc từ chức của bạn. Đây thường là người giám sát trực tiếp của bạn và đại diện bộ phận nhân sự. Điều quan trọng là phải nói rõ bức thư viết về ai và bạn đang yêu cầu ai điều chỉnh các điều khoản làm việc của mình.

✍️ 2. Bắt đầu bằng tuyên bố rút đơn

Hãy sử dụng câu đầu tiên trong đoạn đầu tiên để nói rõ rằng bạn đang rút lại đơn từ chức mà bạn đã gửi trước đó. Bao gồm ngày bạn gửi thư để xác minh thời gian liên lạc của bạn. Hãy nói rõ rằng bạn không còn muốn nghỉ việc và tránh bất kỳ từ ngữ hoặc thành ngữ mơ hồ nào.

✍️ 3. Yêu cầu được tiếp tục làm viẹc

Trong câu tiếp theo, hãy yêu cầu được tiếp tục làm việc tại vị trí của bạn. Điều quan trọng là phải bao gồm cả yêu cầu rút đơn và yêu cầu được tiếp tục làm việc. Điều này thừa nhận rằng nhà tuyển dụng rất có thể có quyền quyết định từ chối việc rút lại đơn xin thôi việc của bạn, nhưng dù sao đi nữa thì điều đó cũng đáng để phục hồi chức vị cho bạn. Hãy giải thích liệu bạn có cần giữ vị trí hiện tại hay bạn sẵn sàng chấp nhận làm việc tại một vị trí khác trong công ty để chứng tỏ lòng trung thành của mình.

✍️ 4. Xin lỗi vì sự bất tiện này

Hãy thể hiện sự khéo léo bằng cách nhận ra rằng việc từ chức và thay đổi ý định sau đó có ảnh hưởng đến đội nhóm của bạn. Xin lỗi vì sự không chắc chắn và giải thích rằng đó không phải là ý định của bạn để khiến cả nhóm bị mất tập trung và bối rối. Điều này thể hiện sự khiêm tốn và tôn trọng khi bạn đưa ra một yêu cầu quan trọng.

✍️ 5. Giải thích lý do của bạn

Hãy cho nhà tuyển dụng biết lý do tại sao bạn cần phải hủy bỏ đơn từ chức của mình. Bạn không bắt buộc phải nói những chi tiết cá nhân, nhưng việc cho nhà tuyển dụng biết lý do bạn quyết định như vậy có thể khiến họ đồng cảm hơn với hoàn cảnh của bạn và cân nhắc cho bạn một cơ hội khác. Đảm bảo rằng bạn kiên định với thông tin bạn đã cung cấp trong đơn từ chức trước đây của mình. Ví dụ, nếu bạn nói rằng bạn muốn nghỉ việc để đi học trở lại thì trong tuyên bố rút đơn, bạn nên đưa ra lý do tại sao việc quay lại trường học không diễn ra.

✍️ 6. Liệt kê những lợi ích của việc giữ bạn tiếp tục làm việc

Nói thêm một vài chi tiết về lý do tại sao nhà tuyển dụng nên cho phép bạn ở lại nhóm của họ. Hãy đưa ra hiệu suất thành tích của bạn và bất kỳ thành tích xuất sắc nào mà bạn đã đạt được khi làm việc ở vị trí của mình. Nhắc nhà tuyển dụng nhớ về những đóng góp tích cực của bạn có thể giúp họ thấy được giá trị của việc cho phép bạn ở lại làm việc thay vì cố gắng thuê một người mới.

✍️ 7. Thảo luận về kế hoạch của bạn

Bởi vì bạn đã nghỉ việc một lần, nhà tuyển dụng có thể sẽ lo lắng về viễn cảnh bạn nghỉ việc một lần nữa. Hãy đưa những thông tin về các kế hoạch của bạn tại công ty để trấn an họ rằng bạn sẽ không góp phần vào việc thay đổi nhân lực mặc dù bạn đã cố gắng từ chức trong quá khứ.

✍️ 8. Kết thúc bằng lời cảm ơn

Hãy cảm ơn sếp đã xem xét yêu cầu của bạn. Hãy chân thành và lịch sự, bày tỏ sự thông cảm cho hoàn cảnh của sếp. Cân nhắc chia sẻ một cách lịch sự rằng bạn sẽ tôn trọng quyết định của họ bất kể họ có chấp nhận đơn từ chức của bạn hay không.

✍️ 9. Gửi thư ngay lập tức

Gửi thư xin huỷ bỏ đơn từ chức của bạn càng sớm càng tốt sau khi bạn quyết định muốn tiếp tục ở lại làm việc. Bạn càng chờ đợi lâu thì nhà tuyển dụng sẽ càng đầu tư nhiều nguồn lực hơn để tìm người thay thế hoặc sắp xếp lại trách nhiệm của bạn. Việc gửi thư xin huỷ bỏ đơn từ chức một cách nhanh chóng có thể giúp bạn tăng cơ hội giữ được việc làm, đặc biệt là nếu bạn chưa thông báo về việc từ chức của mình với đồng nghiệp.

Mẫu thư xin huỷ bỏ đơn từ chức

Sử dụng mẫu này để chuẩn bị cho tuyên bố rút lại đơn từ chức trước đó của bạn:

Ngày gửi thư

Tên của bạn – Chức danh của bạn – Tên cấp trên của bạn – Chức danh cấp trên của bạn

Kính gửi [cấp trên],

Tôi viết thư này để bãi bỏ tuyên bố trước đây của mình, được gửi vào [ngày gửi đơn từ chức], trong đó tôi đã xin thôi việc tại vị trí [chức vụ]. Tôi không muốn từ chức nữa và muốn yêu cầu được phép tiếp tục làm việc với vai trò hiện tại của mình.

Tôi hiểu sự bất tiện mà việc từ chức có thể gây ra và tin rằng sự tận tâm của tôi với công ty có thể vượt qua thử thách này. Ban đầu tôi quyết định từ chức vì [lý do từ chức]. Tuy nhiên, hoàn cảnh cuộc sống của tôi đã thay đổi và bây giờ tôi có thể tiếp tục làm việc với vai trò này vì [lý do muốn ở lại].

Nếu bạn giữ tôi ở lại, tôi sẽ tiếp tục mang lại thành công cho nhóm chúng ta bằng cách [ví dụ về thành tích trong quá khứ]. Chuyên môn hiện tại của tôi trong vai trò này và các mối quan hệ trong ngành có thể mang lại giá trị to lớn. Bất chấp sự không chắc chắn trước đây của mình, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng tôi dự định tiếp tục phát triển tại [công ty]. Do sự thay đổi hoàn cảnh, bây giờ tôi có thể hoàn toàn tận tâm với vai trò làm việc của mình trong thời gian dài.

Cảm ơn bạn đã xem xét yêu cầu được phục chức tại [vị trí] của tôi. Tôi rất trân trọng sự cân nhắc này và sẽ hoàn toàn hỗ trợ nhóm của mình trong thời gian cho phép.

Trân trọng,

Tên của bạn

—————————————-

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Bài viết gốc: indeed.com
  • Người dịch: Lương Phương Thảo
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lương Phương Thảo – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteervietnam.com?p=82630

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Latest breaking 24h news around the world Internet Explorer Channel Network


Kênh khám phá trải nghiệm của giới trẻ, thế giới du lịch - ALONGWALKER